Các quy định pháp luật về kế hoạch tuyển dụng công chức: kế hoạch tuyển dụng công chức do cơ quan, đơn vị thẩm quyền tuyển dụng công chức lập, gồm các nội dung: số lượng chỉ tiêu biên chế công chức được giao, số lượng vị trí việc làm cần tuyển, điều kiện đăng ký, tiêu chuẩn dự tuyển, nội dung và hình thức, phương pháp, cách thức sử dụng để tuyển dụng công chức.
Các quy định pháp luật về căn cứ, cơ sở tuyển dụng công chức: căn cứ tuyển dụng công chức là vị trí việc làm và số lượng chỉ tiêu biên chế được giao. Cơ quan tuyển dụng công chức phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của tổ chức và quyền hạn của mình, tiến hành xác định vị trí việc làm, được cơ quan quản lý công chức phê duyệt để xác định chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng công chức.
Các quy định pháp luật về phương thức tuyển dụng công chức: tùy theo số lượng thí sinh đăng ký tuyển dụng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn tuyển dụng quyết định về việc thành lập Hội đồng thi tuyển hoặc Hội đồng xét tuyển.
Các quy định pháp luật về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức:viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang và cơ yếu, người đang là lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước; người từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên được điều động, chuyển công tác về các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Các trường hợp này không phải thi tuyển công chức nhưng phải trải qua kỳ sát hạch, kiểm tra về năng lực.
Các quy định pháp luật về điều kiện tuyển dụng công chức: công dân Việt Nam không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, đủ 18 tuổi trở lên, viết đơn tự nguyện dự tuyển, có sơ yếu lý lịch tư pháp
rõ ràng, có bằng tốt nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học văn phòng phù hợp với vị trí tuyển dụng, có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế cấp sẽ được đăng ý dự tuyển dụng công chức. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền, nhiệm vụ về tuyển dụng công chức tùy theo yêu cầu, tính chất, vị trí việc làm và số lượng tuyển dụng sẽ có quy định khác về điều kiện đăng ký tham dự tuyển dụng công chức. Một số đối tượng không được tham gia dự tuyển công chức: những người không cư trú ở Việt Nam, bị mất và đang bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự...
Các quy định pháp luật về ưu tiên trong tuyển dụng công chức: những đối tượng chính sách, anh hùng, người dân tộc thiểu số, những người công tác ở quân đội, công an, cơ yếu chuyển ngành, con gia đình chính sách, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trí thức tình nguyện, đội viên thanh niên xung phong đã hoàn thành xong nhiệm vụ được cộng số điểm ưu tiên tùy theo đối tượng vào tổng số điểm thi tuyển và xét tuyển.
Các quy định pháp luật về phiếu đăng ký dự tuyển công chức: pháp luật về tuyển dụng công chức hiện hành qui định người đăng ký tham dự tuyển dụng công chức cần nộp phiếu đã điền đầy đủ các thông tin đăng ký tham gia tuyển công chức. Phiếu đăng ký tham gia tuyển công chức bao gồm các nội dung: vị trí, đơn vị dự tuyển, thông tin cá nhân, thông tin đào tạo, miễn thi ngoại ngữ, tin học, đăng ký dự thi môn ngoại ngữ và đối tượng ưu tiên.
Các quy định pháp luật về lệ phí tuyển dụng công chức: nhằm hướng dẫn công tác thu chi về tài chính phục vụ cho việc tuyển dụng công chức, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức. Người đủ điều kiện nộp hồ sơ thi tuyển khi nộp hồ sơ thi tuyển thì phải nộp phí tuyển dụng theo quy định. Cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển dụng công chức được quyền tổ chức thu phí tuyển dụng và sử dụng theo quy định, phục vụ cho công tác tổ chức tuyển dụng.