- Theo ngành kinh tế:
2.2.1.3. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động thu hút FDI sau khủng hoảng tài chính- tiền tệ năm 1997, Malaysia tiếp tục chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại.
Malaysia đã thành lập “Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng” với nguồn ngân sách cấp ban đầu là 5 tỷ RM. Quỹ này có nhiệm vụ trợ giúp tài chính cho các dự án cơ sở hạ
tầng quan trọng như nâng cấp mạng lưới đường ray điện từ, nâng cao năng lực khai thác đường cao tốc, nâng cấp hệ thống cảng… Chính phủ cũng đã chi hơn 4 tỷ RM ngay sau khi xảy ra khủng hoảng để làm đường, cầu cống, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không dân dụng, nâng cấp các sân bay quốc tế Kuala Lumpur, penang, Tawau…
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, ngoài việc mở rộng nâng cấp sân bay, trang bị thêm máy bay, mở rộng đường bay mới, hãng vận tải quốc gia Maskargo của Malaysia đã mở dịch vụ chuyển tải biển tại sân bay, đây là sân bay đầu tiên trên thế giới có dịch vụ này, nó cho phép giải phóng hàng hóa vận tải biển – hàng không nhanh qua cảng sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Klia. Malaysia cũng đã đầu tư 29,1 triệu USD xây dựng cảng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Châu Á với công suất ban đầu 10 triệu khách/năm. Về vận tải biển hiện nay, Malaysia đã vươn lên cạnh tranh với Singapo trở thành một trung tâm vận tải biển lớn trong khu vực, Malaysia cũng tập trung xây dựng tập đoàn vận chuyển bằng Container có tầm cỡ hàng đầu thế giới.
Kinh phí dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không ngừng tăng lên. Hiện nay, Malaysia đang khởi động hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và huy động từ các nguồn vốn khác trong nước, Malaysia còn khuyến khích thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này.
Malaysia là một trong những nước đã đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại bậc nhất thế giới. Malaysia đã tập trung phát triển nhanh chóng hệ thống viễn thông, đảm bảo cung cấp các dịch vụ phong phú với các mạng hiện đại, kỹ thuật số an toàn, các dải băng tần không dây cung cấp dữ liệu tốc độ cao và dung lượng lớn. Ngoài việc sử dụng vệ tinh MEASAT thế hệ 1 và 2 kết nối vào mạng thông tin vũ trụ năm 1996, Malaysia đã phóng vệ tinh siêu nhỏ Tiungsat 1 vào năm 2000. Giá cước viễn thông nội địa cũng như quốc tế của Malaysia thuộc loại thấp nhất trong khu vực.
Malaysia tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng “Siêu hành lang đa phương tiện – SMC” với dự kiến chi khoảng 30 tỷ USD nhằm đưa Malaysia trở thành trung tâm năng động và hấp dẫn vào loại bậc nhất trong khu vực Châu Á về công nghệ thông tin và viễn thông – ICT, đồng thời đưa Malaysia chuyển sang nền kinh tế tri thức chủ yếu dựa vào công nghệ điện tử và thông tin vào năm 2020.
Chính phủ Malaysia vừa công bố dự án lớn với tên gọi là Hành lang kinh tế miền Bắc hướng tới tầm nhìn 2020. Dự án với số vốn đầu tư ban đầu 177 tỷ ringhit (51,2 tỷ USD) nhằm mục đích trong vòng 18 năm biến một vùng đất thuần nông thành một hành lang kinh tế với các lĩnh vực sinh học, chế biến thực phẩm và du lịch. Dự án Hành lang kinh tế miền Bắc là biến bốn bang nằm giáp Thái-lan gồm Penang, Perak, Pelit và Keda thành một khu vực kinh tế đa năng. Bốn bang này có số dân khoảng 4,3 triệu người, chủ yếu là người Mã-lai có thu nhập bình quân 717 USD/hộ gia đình, được coi là thấp nhất trong sáu khu vực của cả nước. Hiện nay, vốn đầu tư cho khu vực chế tạo được huy động vào khu vực này chỉ chiếm 20% tổng vốn đầu tư của cả quốc gia.
Với những chính sách nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả hạ tầng mềm đã tạo đà cho sự hình thành cấu trúc kinh tế mới, điện tử hóa hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tạo công năng mới cho nền kinh tế với năng suất lao động vượt trội. Qua đó đã thực sự tạo ra sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.