Phát triền nguồn nhân lực chất lượng cao

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 28 - 29)

- Theo ngành kinh tế:

2.2.1.4.Phát triền nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khủng hoảng tài chính – tiền tệ, Malaysia rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao trình độ người lao động và độ linh hoạt của thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của quá trình hội nhập. Malaysia cũng có những chính sách ưu đãi đầu tư và liên kết đào tạo nhằm đưa Malaysia trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao trên thế giới, tạo ra đội ngũ nhân lực có trình độ, thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI.

Malaysia thực hiện cải tổ và mở rộng hệ thống giáo dục và dạy nghề. Trong kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước, Malaysia đầu tư 13,5 tỷ RM để đào tạo nguồn nhân lực, trong đó dành cho giáo dục tiểu học và trung học 8 tỷ RM; hỗ trợ sinh viên và xây dựng các trung tâm đại học 2,85 tỷ RM, còn lại 1,145 tỷ RM dành cho Bộ giáo dục, Bộ phát triển doanh nghiệp, Bộ phát triển nhân lực và Bộ thanh niên Thể thao.

Malaysia khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chương trình “Người cung cấp toàn cầu” để mở rộng sự liên kết với doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI và mở ra mạng lưới thương mại quốc tế. Theo chương trình này, Malaysia trợ cấp 50% chi phí đào tạo kỹ năng lãnh đạo, tay nghề và công nghệ sản xuất cho các công ty địa phương nhằm tạo ra đội ngũ lao động có khả năng thích ứng nhanh với những yêu cầu mà các công ty nước ngoài đặt ra.

Malaysia đã thành lập Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang (PSDC) là mô hình hợp tác giữa Chính phủ, các học viện và các doanh nghiệp. Đến năm 2000, PSDC đã có 113 công ty thành viên, trong đó có nhiều công ty thuộc TNCs lớn trên thế giới như Motorola, Intel,… tham gia. Nhiệm vụ chính của PSDC là cung cấp các chương trình đào tạo lực lượng lao động: thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước; hỗ trợ các sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.

Để đào tạo đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, quản lý kinh tế, chuyên gia kỹ thuật trình độ cao, bên cạnh các trường đại học công lập, Malaysia còn cho phép thành lập các trường đại học tư nhân. Hầu hết các trường đại học trong nước có liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Australia, Anh. Malaysia còn có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho sinh viên du học nước ngoài. Mỗi năm, Malaysia có vài chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học từ các trường của Mỹ, Anh, Úc, New Zealand…

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 28 - 29)