Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 80 - 81)

- Về hình thức và phương thức đầu tư

3.4.5.Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư

Những năm qua, công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam đã có những thành công nhất định, nhưng hiệu quả xúc tiến đầu tư vẫn còn thấp, chủ yếu thực hiện ở trong nước. Để hoạt động xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới cần thực hiện một số nội dung sau:

Tăng cường kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư với các chuyến thăm nước ngoài hay tại các diễn đàn quốc tế và khu vực của Lãnh đạo nhà nước và Chính phủ. Việc xuất hiện của các vị Lãnh đạo cấp cao sẽ giúp Chính phủ các nước, các Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thiện chí, chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam về khuyến khích thu hút FDI.

Đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, trong đó cần quan tâm một số nội dung: (1) Phải chuẩn bị sẵn dự án với những mục tiêu thật cụ thể nhất là những ngành chiến lược, những địa điểm chiến lược; (2) Xác định rõ nhu cầu, mong muốn thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý… để từ đó có phương án lựa chọn đối tác nước ngoài vì mỗi quốc gia, mỗi TNCs có thế mạnh riêng về công nghệ, kỹ năng quản lý chuyên sâu từng lĩnh vực; (3) Tiếp xúc vận động các Nhà đầu tư nước ngoài đã được lựa chọn theo hướng đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và thật cụ thể.

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư: Tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài. Trong hội thảo cần tăng cường quảng bá hình ảnh đất

nước, môi trường đầu tư tại Việt Nam, những chính sách ưu đãi đầu tư và những thông tin cập nhật mới nhất về những thay đổi (nếu có); Tuyên truyền xúc tiến đầu tư qua các ấn phẩm (tạp chí, đĩa CD, trang Web) về đầu tư nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng.

Hoạt động xúc tiến đầu tư cần được thực hiện theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Do vậy, cần duy trì mối quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Tây Âu và coi đó là những đối tác quan trọng để thu hút công nghệ, tạo thế cân bằng lực lượng có lợi cho việc đảm bảo độc lập, chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị và kinh tế. Đồng thời duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác xúc tiến đầu tư và đào tạo với các tổ chức quốc tế: World Bank, IFC, FIAC, MIGA, ESCAP.

Cần có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương về hoạt động xúc tiến đầu tư, tránh tình trạng không thống nhất, chồng chéo trong hoạt động này.

Thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các Doanh nghiệp FDI. Chính thông qua hoạt động thành công của các doanh nghiệp FDI cũng như đánh giá hay thiện chí tốt của các Nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư tại Việt Nam là hình thức tuyên truyền có tính thuyết phục cao đối với các Nhà đầu tư nước ngoài trong vận động thu hút FDI.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 80 - 81)