Tiếp tục mở rộng tự do hóa đầu tư

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 25)

- Theo ngành kinh tế:

2.2.1.1.Tiếp tục mở rộng tự do hóa đầu tư

Từ năm 1998, Malaysia cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn trong các ngành công nghiệp chế tạo mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào và được áp dụng cho tất cả các dự án đầu tư mới cũng như dự án đầu tư mở rộng được phê chuẩn từ ngày 31/12/2003. Đến năm 2003, Malaysia chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách này mà không giới hạn về thời gian áp dụng. Việc mở cửa tự do đầu tư đối với FDI vào ngành công nghiệp chế tạo đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI được cạnh tranh tự do trong thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Năm 2000, Malaysia cho phép người nước ngoài và người không phải gốc Mã lai mua cổ phần trong các công ty lớn thuộc tài sản chiến lược quốc gia mà trước đây chỉ dành cho người Mã lai. Người nước ngoài được mua tới 40% cổ phần của hãng hàng không Malaysia, được mua cổ phần của Tập đoàn sản xuất Ô tô Proton; Được đầu tư vào các cảng và công ty hàng không; Được quản lý một số sân bay; Được thuê đường sắt…

Cũng như Hàn Quốc và Thái Lan, Malaysia nới lỏng quy định về sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài, cụ thể: Cho phép người nước ngoài được vay vốn tại các ngân hàng của Malaysia để mua bất động sản; Nâng mức giá trị bất động sản không phải xin phép Ủy ban đầu tư nước ngoài từ dưới 5 triệu RM lên dưới 10 triệu RM; Công ty và cá nhân bán bất động sản có giá trị dưới 20 triệu RM không phải xin phép mà chỉ cần thông báo cho Ủy ban đầu tư nước ngoài để lưu hồ sơ; Các công ty thành lập tại bất cứ quốc gia nào thuộc thành viên ASEAN nhưng hoạt động tại Malaysia đều được sở hữu văn phòng có thể trị giá trên 25.000 RM (trước đây quy định chỉ được mua bất động sản xây mới).

Cùng với việc mở rộng tự do hóa đầu tư đối với người nước ngoài, Malaysia đã tiến hành sửa đổi một số bộ luật liên quan đến hoạt động FDI theo xu hướng áp dụng bình đẳng, thống nhất đối với mọi Nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài). Ví dụ, quy định về tịch thu tài sản để thế nợ trong sửa đổi luật tịch thu tài sản đã tạo dựng một môi trường chắc chắn đối với quyền sở hữu của các Nhà đầu tư; Sửa đổi luật phá sản nhằm đảm bảo luật hóa việc an toàn đối với người cho vay.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 25)