Về điều kiện khách quan

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 84 - 87)

- Về hình thức và phương thức đầu tư

3.5.2.Về điều kiện khách quan

Thứ nhất, Toàn cầu hóa kinh tế thế giới tiếp tục sẽ là xu thế tất yếu nên tự do hóa thương mại, tự do hóa toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Thị trường tài chính ngày càng được quốc tế hóa, tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng lên do ảnh hưởng của sự dịch chuyển các luồng vốn, trong đó có dòng FDI. Trong điều kiện ấy cần làm tốt công tác phân tích, dự báo xu thế biến động của FDI để có những chính sách, giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI. Đồng thời cần xây dựng chiến lược thu hút FDI gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, Xu thế gia tăng các liên kết kinh tế quốc tế sẽ giúp Việt Nam mở rộng thêm các quan hệ kinh tế, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Để phát triển, Việt Nam cần dựa trên tiềm năng phát triển của mình đó là tài nguyên, nguồn nhân lực, sự ổn định chính trị - xã hội, nó được xem như những nhân tố tích cực nhằm thu hút FDI. Đồng thời thông qua hợp tác song phương, đa phương, việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, không bị phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ đối tác nào.Như vậy, dòng lưu chuyển vốn FDI, công nghệ kỹ thuật mới, các loại hình dịch vụ mới sẽ được mở rộng và giúp Việt Nam có cơ hội để thu hút nhiều hơn FDI cùng công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý hiện đại nhằm cơ cấu lại nền kinh tế đưa nền kinh tế phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững.

Thứ ba, Khoa học công nghệ phát triển và xu hướng chuyển giao công nghệ sang các nước đang phát triển sẽ đặt Việt Nam trước thách thức trong hợp tác và thu hút FDI phải lựa chọn công nghệ và có chính sách thu hút công nghệ hợp lý, nếu không muốn trở thành bãi rác công nghệ của thế giới và sự trả giá do ô nhiễm môi trường .

Đây cũng là vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với các dự án FDI phải có điều kiện, phải thẩm định những công nghệ mà các dự án đưa vào Việt Nam.

Thứ tư, trong thời đại toàn cầu hóa cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển. Cùng với kế tục và phát triển đường lối đổi mới đã được vạch ra, sẽ tiếp tục nâng cao tư duy phát triển, bao gồm cả tư duy kinh tế , tư duy chính trị trên toàn hệ thống, đồng thời gắn tư duy phát triển đất nước với những nguyên tắc và quy luật phát triển kinh tế toàn cầu. Nhận thức đó cũng là điều kiện cho việc hoạch định các chính sách có tính linh hoạt trong thu hút FDI nhằm vừa đảm bảo lợi ích đất nước vừa đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong điều kiện cụ thể, nhà nước định hướng dòng FDI vào những lĩnh vực, những ngành, những địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

KẾT LUẬN

Đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI là hình thức kinh doanh quốc tế có hiệu quả cao được tất cả các quốc gia nhất là các nước đang phát triển quan tâm thu hút và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Malaysia và Thái Lan là hai nước khá thành công trong thu hút FDI và nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu học tập kinh nghiệm của Malaysia và Thái Lan trong thu hút FDI và vận dụng vào Việt Nam để phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH đất nước là vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam hiện nay.

Đề tài nghiên cứu “Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam” đã hoàn thành những mục tiêu nghiên cứu sau:

Thứ nhất, Luận văn đã làm rõ một số vấn đề lý luận về FDI, vai trò của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhận đầu tư và những nhân tố trong nước và quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút FDI.

Thứ hai, Luận văn đã phân tích được thực trạng thu hút FDI vào Malaysia và Thái Lan trong thời gian qua. Trong đó, làm rõ những chính sách, biện pháp thu hút FDI của hai nước này. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI của Thái Lan và Malaysia.

Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI của Maylaysia và Thái Lan và tình hình thu hút FDI vào Việt Nam thời gian qua, luận văn đã xem xét một số điểm tương đồng và khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và hai nước trên để rút ra những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI có khả năng vận dụng vào Việt Nam nhằm phát huy hơn nữa những kết quả về hoạt động FDI tại Việt Nam thời gian qua, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế FDI phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, luận văn đã đề xuất những kiến nghị về điều kiện chủ quan và điều kiện khách quan cần thực hiện để tăng tính khả thi trong việc vận dụng những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI của Malaysia và Thái Lan vào Việt Nam.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 84 - 87)