Xây dựng môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh để thu hút FD

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 39 - 40)

- Theo ngành kinh tế:

2.3.2.Xây dựng môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh để thu hút FD

Môi trường đầu tư có vai trò quan trọng trong thu hút FDI. Nhìn chung, với các nước đang phát triển, môi trường đầu tư được hình thành trên cơ sở hợp thành của nhiều nhân tố. Đó là sự ổn định chính trị - xã hội, điều kiện tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nguồn nhân lực, các chính sách ưu đãi về tài chính – tiền tệ… Những thập kỷ gần đây, tính cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng lớn, việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua hệ thống chính sách vừa đồng bộ, vừa linh hoạt của nhà nước sẽ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả thu hút FDI đối với phát triển kinh tế mỗi quốc gia. Nghiên cứu các chính sách, biện pháp thu hút FDI của Malaysia và Thái Lan trong thời gian gần đây, cho thấy:

- Về vấn đề chính trị - xã hội: là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, nhiều đảng phái chính trị nhưng Malaysia luôn giữ được ổn định chính trị - xã hội. Để thực hiện ổn định chính trị, Malaysia đã thực hiện nhiều chính sách quan trọng như xây dựng nhà giá thấp cho người lao động, thực hiện trợ cấp cho nông dân thông qua việc bảo đảm giá thóc tối thiểu, bù giá phân bón, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…Malaysia đã thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế nông thôn, phát triển giáo dục để giảm khoảng cách giàu nghèo.

- Về cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật: Malaysia và Thái Lan đều rất quan tâm phát triển và hiện đứng vào hàng bậc nhất ở Đông Nam Á. Đặc biệt ở những nơi cần thu hút FDI, Thái Lan và Malaysia đều tập trung đầu tư mạnh để có cơ sở hạ tầng tốt cùng với hệ thống dịch vụ thuận lợi, chi phí thấp tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Để có cơ sở hạ tầng tốt, nhất là hạ tầng về giao thông, Malaysia đã chủ trương tư nhân hóa kể cả nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

- Về các chính sách ưu đãi về tài chính và tiền tệ: Thu nhiều nhất lợi nhuận từ dự án luôn là mục đích hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Thái Lan đã có những chính sách tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư như giảm thuế, ưu đãi tiền tệ, cho vay ngoại tệ...nhằm thu hút nhiều nhất nguồn vốn FDI vào các nước này. Thái Lan

miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 đến 8 năm, miễn thuế nhập khẩu 90% đối với nguyên liệu, 50% đối với máy móc mà Thái Lan chưa sản xuất được...Ngoài ra Thái Lan còn có các chính sách ưu đãi về dịch vụ như: giảm giá thuê nhà đất, văn phòng, cước viễn thông, vận tải...Giá dịch vụ ở Thái Lan thuộc loại hấp dẫn nhất với việc thu hút FDI.

- Về nguồn nhân lực: Một trong những tiêu chí để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là thị trường lao động ở nước sở tại. Thị trường lao động của Châu Á đặc biệt hấp dẫn bởi tỷ lệ lao động trẻ, giá thấp. Tuy nhiên, phát triển nguồn lao động có trình độ cao mới chính là bí quyết thu hút đầu tư của các nước châu Á thành công nhất. Thái Lan rất coi trọng đầu tư cho giáo dục, có tới 21% sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành toán, máy tính. Malaysia đã thực hiện cải tổ và mở rộng hệ thống giáo dục và dạy nghề; đầu tư nhiều kinh phí cho giáo dục; khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chương trình “Người cung cấp toàn cầu” để mở rộng sự liên kết với doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI và mở ra mạng lưới thương mại quốc tế; thành lập Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang (PSDC) với nhiệm vụ chính là cung cấp các chương trình đào tạo lực lượng lao động: thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước, hỗ trợ các sáng kiến về phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; ngoài ra Malaysia còn cho phép thành lập các trường đại học tư nhân, thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học danh tiếng nước ngoài và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho sinh viên du học nước ngoài để tạo ra đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, quản lý kinh tế, chuyên gia kỹ thuật trình độ cao.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước ASEAN và vận dụng tại Việt Nam (Trang 39 - 40)