NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT, THUỘC TÍNH VÀ VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 25 - 30)

PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

I. NGUỒN GỐC, BẢN CHẤT, THUỘC TÍNH VÀ VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT PHÁP LUẬT

1. Nguồn gốc của pháp luật

Có nhiều quan niệm khác nhau về sự ra đời của pháp luật. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin thì pháp luật ra đời cùng với nhà nước nên những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhà nước cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật.

Trong xã hội Cộng sản nguyên thủy chưa có pháp luật nhưng đã có các quy phạm xã hội tồn tại dưới dạng phong tục tập quán, đạo đức, các tín điều tôn giáo để hướng dẫn cách xử sự cho mọi người. Khi nhà nước xuất hiện, trong xã hội đã xuất hiện thêm một loại quy phạm xã hội mới do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện - đó là pháp luật.

Pháp luật hình thành bằng các con đường sau:

- Nhà nước thừa nhận các quy phạm đã tồn tại trong xã hội như: phong tục tập quán, đạo đức, tín điều tôn giáo nhưng phù hợp với ý chí của nhà nước thành pháp luật, tức là thành các quy phạm hay quy tắc được nhà nước đảm bảo thực hiện.

- Nhà nước đặt ra các quy phạm mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới xuất hiện hoặc để thay thế các quy tắc cũ khi chúng không phù hợp với ý chí của nhà nước, đồng thời đảm bảo cho các quy tắc đó được thực hiện.

- Nhà nước thừa nhận, thỏa thuận các quy định của pháp luật quốc tế hoặc pháp luật liên quốc gia phù hợp với lợi ích của nhà nước.

2. Bản chất của pháp luật

Định nghĩa pháp luật

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin: Pháp luật là hệ thống các quy

phạm (quy tắc xử sự) có tính bắt buộc chung và được thực hiện lâu dài, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của nhà nước và được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, tổ chức, cưỡng chế thông qua bộ máy nhà nước. Pháp luật là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước và là cơ sở cho đời sống xã hội có nhà nước.

Cũng như nhà nước, bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của

pháp luật. Tính giai cấp của pháp luật thể hiện ở chỗ, pháp luật phản ánh ý chí của

giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền trong xã hội, là công cụ điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội theo chiều hướng bảo vệ lợi ích, bảo vệ quyền và địa vị thống trị của lực lượng cầm quyền. Nói cách khác pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền được nâng lên thành luật.

Ý chí được hiểu là “Khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hoạt động của mình nhằm đạt mục đích đó”2. Các giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền trong lịch sử đều theo đuổi mục đích củng cố và bảo vệ quyền thống trị giai cấp, chúng tìm mọi cách để đạt mục đích đó. Một trong những cách có hiệu quả nhất là biến ý chí của chúng thành ý chí của nhà nước và từ ý chí của nhà nước sẽ thể hiện ra thành các quy định cụ thể của pháp luật. Làm như vậy giai cấp thống trị có thể hướng hoạt động của toàn xã hội vào việc đạt mục đích của chúng.

Pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, các lực lượng xã hội và các quan hệ xã hội khác nhau theo chiều hướng mà giai cấp thống trị mong muốn, nhằm bảo vệ lợi ích, quyền và địa vị của giai cấp thống trị. Pháp luật là sự thể chế

hóa nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chính sách, đường lối chính trị của lực lượng cầm quyền giúp cho lực lượng này thực hiện được quyền lãnh đạo của nó đối với toàn xã hội. Vì vậy, pháp luật có nhiều quy định thể hiện tính giai cấp như: các quy định thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản; quyền thống trị về chính trị và tư tưởng; quyền lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội; xác lập hệ tư tưởng thống trị trong xã hội…

Bên cạnh tính giai cấp, pháp luật còn có tính xã hội. Tính xã hội của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật thể hiện ý chí chung của toàn xã hội và nhằm bảo vệ lợi ích chung của tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

Kết cấu xã hội bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau nên pháp luật không chỉ thể hiện ý chí của giai cấp thống trị mà còn phải thể hiện ý chí và phản ánh lợi ích của các giai tầng khác ở một mức độ nhất định.

Trong đời sống của mỗi cộng đồng đều hình thành, tồn tại các thói quen, các quy tắc, các chuẩn mực ứng xử có tính chất chân lý, thể hiện ý chí chung của các thành viên trong cộng đồng, được sự chấp thuận và tuân thủ tự giác của cả cộng đồng. Nhiều quy tắc chuẩn mực chung đó được nhà nước thừa nhận thành pháp luật và góp phần tạo nên tính xã hội của pháp luật.

Pháp luật là một trong những công cụ có hiệu quả để huy động sức mạnh chung của xã hội khi nó thể hiện ý chí chung, phản ánh nguyện vọng và bảo vệ lợi ích chung của Nhân dân. Vì thế, khi ban hành pháp luật, để đảm bảo tính hiệu quả của nó, giai cấp cầm quyền thường nhân danh ý chí và lợi ích chung của quốc gia, dân tộc của Nhân dân. Do vậy, trong pháp luật hiện đại có nhiều quy định thể hiện tính xã hội như: thừa nhận một cách rộng rãi các quyền cơ bản của con người với tư cách là những quyền tự nhiên bẩm sinh của họ, quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện và bảo vệ các quyền đó; xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản chung cho mọi công dân; quy định chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc cho công dân; quy định đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các công trình văn hóa của đất nước; pháp luật thể chế hóa các quan niệm về đạo đức truyền thống dân tộc, thừa nhận các quy tắc đạo đức và các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Tóm lại, tính giai cấp và tính xã hội là bản chất chung của tất cả các kiểu

pháp luật, song các kiểu pháp luật khác nhau sẽ khác nhau ở những biểu hiện cụ thể và tương quan giữa mức độ thể hiện của hai tính chất đó.

3. Thuộc tính của pháp luật

Trong đời sống xã hội tồn tại các loại quy phạm như quy phạm chính trị; quy phạm đạo đức; quy phạm của các tổ chức chính trị - xã hội, quy phạm pháp luật… Pháp luật khác các quy phạm khác ở các thuộc tính của nó.

- Pháp luật có tính quyền lực nhà nước: bởi vì pháp luật được hình thành bằng con đường nhà nước, các quy định của pháp luật do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận các quy tắc khác trong xã hội như phong tục tập quán, quy phạm đạo đức, các tín điều tôn giáo… các quy định của pháp luật quốc tế. Pháp luật được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước từ tuyên truyền phổ biến, giáo dục thuyết phục, động viên, khen thưởng, tổ chức thực hiện đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Đây là thuộc tính riêng có của pháp luật.

- Pháp luật có tính quy phạm phổ biến: các quy định của pháp luật là những khuôn mẫu, chuẩn mực để định hướng cho nhận thức và hướng dẫn cách xử sự cho mọi người trong xã hội, để bất kỳ ai khi ở vào điều kiện hoàn cảnh do pháp luật dự liệu thì đều xử sự theo những cách thức mà pháp luật đã quy định. Pháp luật là tiêu chuẩn để đánh giá hành vi của con người, căn cứ vào pháp luật có thể xác định được hành vi nào là hợp pháp, hành vi nào trái pháp luật.

Tính quy phạm là thuộc tính chung của tất cả các loại quy phạm xã hội, riêng pháp luật có tính quy phạm phổ biến, vì nó có giá trị bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện đối với mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội, có tác động thường xuyên trên toàn lãnh thổ và trong nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội.

- Pháp luật có tính hệ thống: bản thân pháp luật là một hệ thống các quy phạm bao gồm các quy tắc xử sự chung, các nguyên tắc, các định hướng… để điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phát sinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như: dân sự, kinh tế, lao động… song các quy phạm của pháp luật không tồn tại một cách biệt lập mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau để tạo nên một chỉnh thể là hệ thống pháp luật. Đây là một trong những thuộc tính làm cho pháp luật khác với phong tục tập quán, đạo đức…

- Pháp luật có tính xác định về hình thức: pháp luật thường được thể hiện trong những hình thức nhất định có thể là tập quán pháp, tiền lệ pháp hoặc văn bản quy phạm pháp luật. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của pháp luật được thể hiện thành văn nên thường rõ ràng, cụ thể, đảm bảo được hiểu và thực hiện thống nhất trong một phạm vi rộng.

4. Vai trò của pháp luật

a. Pháp luật góp phần tích cực vào việc tổ chức quản lý và điều tiết nền kinh tế

- Pháp luật xác định rõ chế độ kinh tế, các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu, chính sách tài chính, thuế, tiền tệ, giá cả, đầu tư, thu nhập, cơ chế kinh tế, các phương pháp quản lý kinh tế… qua đó tác động tới cơ cấu, sự tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế.

- Pháp luật thể chế hóa các chính sách kinh tế của nhà nước; quy định trình tự, thủ tục ký kết các hợp đồng kinh tế; trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp kinh tế… Pháp luật có thể thúc đẩy kinh tế phát triển khi những quy định của nó phù hợp, phản ánh đúng trình độ phát triển của nền kinh tế. Pháp luật góp phần phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, chống độc quyền, chống bán phá giá, giảm bớt sự phân hóa giầu nghèo trong xã hội…

b. Pháp luật là cơ sở cho việc tổ chức, hoạt động và giám sát hoạt động của bộmáy nhà nước máy nhà nước

- Pháp luật quy định các loại cơ quan nhà nước, trình tự thành lập, cơ cấu tổ chức của từng loại, từng cấp và từng cơ quan

- Pháp luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức và phương pháp hoạt động của các cơ quan nhà nước; quy định mối quan hệ giữa các cơ quan và giữa các nhân viên nhà nước. Những quy định đó trở thành cơ sở cho hoạt động của bộ máy nhà nước, cho việc giám sát hoạt động của các nhân viên nhà nước, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước.

c. Pháp luật là cơ sở để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Phần lớn các quy định của pháp luật được ban hành là để hướng dẫn cách xử sự cho mọi người khi tham gia vào các quan hệ xã hội nhằm thiết lập trật tự xã hội trong những lĩnh vực nhất định, thiết lập an ninh, an toàn xã hội. Pháp luật cấm những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và quy định các biện pháp trừng phạt đối với những chủ thể có hành vi đó, qua đó mà bảo đảm được trật tự an ninh, an toàn xã hội.

d. Pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập, phát triển các mối quanhệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác quốc tế hệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác quốc tế

Pháp luật thừa nhận các tập quán quốc tế, quy định trình tự, thủ tục ký kết, phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế; trình tự, thủ tục thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác. Các quy định đó là cơ sở cho việc thiết lập và phát triển các quan hệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập. Ngoài ra pháp luật còn nội luật hóa các quy định của pháp luật quốc tế góp phần

hiện thực hóa các cam kết quốc tế của nhà nước, thúc đẩy sự phát triển các quan hệ quốc tế.

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 25 - 30)