KHÁI NIỆM, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 43 - 44)

ĐIỀU CHỈNH

1. Khái niệm

Luật Dân sự là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trên cơ sở đảm bảo sự độc lập, bình đẳng và tự nguyện của các chủ thể khi tham gia quan hệ đó.

2. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của luật Dân sự là các quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân.

Quan hệ tài sản là những quan hệ xã hội gắn liền và thông qua một tài sản.

Tài sản bao gồm: các vật cụ thể (hữu hình) và những quyền, nghĩa vụ mang nội dung tài sản (vô hình).

Quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh từ một giá trị tinh thần

của một cá nhân hay một tổ chức và luôn luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Bao gồm các quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản và quan hệ nhân thân liên quan đến tài sản. Những quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản là những quan hệ xã hội về lợi ích tinh thần, tồn tại một cách độc lập, không liên quan đến tài sản, như: các quyền đối với họ tên, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; các quan hệ nhân thân liên quan đến tài sản là những quyền nhân thân có thể làm phát sinh những quyền tài sản, như quyền lao động, quyền tự do kinh doanh, quyền tự do nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ…

3. Phương pháp điều chỉnh

Phương pháp điều chỉnh của luật Dân sự là những biện pháp, cách thức mà Nhà nước tác động lên các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo ý chí của Nhà nước.

Phương pháp đặc trưng được sử dụng trong luật Dân sự là tôn trọng sự bình đẳng, thỏa thuận của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật Dân sự. Sự bình

đẳng của các chủ thể dựa trên cơ sở sự độc lập về mặt tài sản và tổ chức. Việc xác lập và giải quyết các quan hệ tài sản, quan hệ nhân nhân chủ yếu do ý chí và lợi ích của chính các chủ thể là cá nhân và tổ chức tham gia vào các quan hệ đó. Vì không

có sự ràng buộc về tài sản và tổ chức nên các chủ thể đều có tư cách pháp lý ngang nhau. Nhà nước khuyến khích sự thỏa thuận giữa các chủ thể trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Sự bình đẳng, thỏa thuận của các bên trong quan hệ pháp luật dân sự thể hiện qua những nội dung sau:

- Các chủ thể đều có quyền tự định đoạt, quyết định trong việc xác lập cũng như giải quyết quan hệ pháp luật dân sự. Trong quá trình bàn bạc, thương lượng

mỗi bên có quyền bày tỏ ý chí và bảo vệ lợi ích của mình. Mức độ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác định trên cơ sở thỏa thuận. Với ý chí tự nguyện và cùng có lợi, mỗi chủ thể được quyền lực chọn đối tác, cách thức tham gia và thực hiện các quyền và nghĩa vụ, cùng nhau lựa chọn các biện pháp bảo đảm, hình thức trách nhiệm và phương thức chấm dứt quan hệ.

- Trong việc giải quyết tranh chấp dân sự, cách thức thông thường và trước hết là các chủ thể thực hiện tự hòa giải, thỏa thuận. Tòa án, trọng tài chỉ can thiệp, giải quyết khi có yêu cầu và khi các bên không thể tự hòa giải. Ngay cả khi Tòa án, trọng tài đã tham gia giải quyết tranh chấp, nếu các bên đạt được sự thỏa thuận thì tòa án, trọng tài cũng chấp nhận sự thỏa thuận đó.

- Trong trách nhiệm dân sự, bên vi phạm chịu trách nhiệm đối với bên bị vi phạm. Đó là trách nhiệm giữa các chủ thể đối với nhau. Mức độ cụ thể và phương

thức thực hiện trách nhiệm dân sự do chính các chủ thể thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 43 - 44)