THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 35 - 37)

Thực hiện pháp luật là một hiện tượng, quá trình có mục đích làm cho các quy định của pháp luật trở thành hành động thực tế của các chủ thể pháp luật.

1. Các hình thức thực hiện pháp luật

Tùy theo yêu cầu của các quy phạm pháp luật mà thực hiện pháp luật bao gồm các hình thức sau:

a.Tuân theo (tuân thủ) pháp luật

Là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể kiềm chế, giữ mình để không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm. Ví dụ, chủ thể không vượt đèn

đỏ hoặc đi ngược chiều khi tham gia giao thông. Đây là hình thức thực hiện pháp luật bằng không hành động, là hình thức thực hiện các quy phạm cấm đoán trong thực tế.

b. Thi hành (chấp hành) pháp luật

Là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Ví dụ, chủ thể thực hiện nghĩa vụ

nộp thuế. Đây là hình thức thực hiện pháp luật bằng hành động và hình thức thực hiện các quy phạm bắt buộc.

c. Sử dụng (vận dụng) pháp luật

Là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể thực hiện quyền chủ thể của mình, tức là thực hiện các hành vi mà pháp luật cho phép. Ví dụ, việc thực hiện quyền học tập bằng cách đăng ký dự thi và làm thủ tục nhập học tại các cơ sở

đào tạo của người học. Đây là hình thức thực hiện các quy phạm cho phép, chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình.

d. Áp dụng pháp luật

Là hình thức thực hiện pháp luật trong đó nhà nước (thông qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền) tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện các quy định của pháp luật. Ví dụ, Ủy ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn căn cứ vào

các quy định của nhà nước cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Đây là hình thức thực hiện pháp luật có sự can thiệp của nhà nước.

Trên đây là sự phân chia các hình thức thực hiện pháp luật chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu, còn trong thực tế, nhiều khi các cụm từ “tuân theo pháp luật” và “chấp hành pháp luật” được sử dụng đồng nghĩa với nhau và dùng để chỉ tất cả các hình thức thực hiện pháp luật.

2. Áp dụng pháp luật

a. Khái niệm

Áp dụng pháp luật là hành động có tính tổ chức, tính quyền lực nhà nước, do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tiến hành nhằm cá biệt hóa các quy phạm pháp luật hiện hành vào những trường hợp cụ thể, đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể.

b. Các trường hợp cần áp dụng pháp luật

Hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành trong các trường hợp sau:

- Khi quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt. Điều đó có nghĩa, mặc dù pháp luật đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể, song quan hệ pháp luật cụ thể vẫn không thể phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền. Hoạt động áp dụng pháp luật của chủ thể có thẩm quyền sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ, quyền và nghĩa vụ học tập của công dân sẽ không thể phát sinh nếu thiếu hoạt động áp dụng pháp luật của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

- Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể mà họ không tự giải quyết được với nhau và yêu cầu có sự can thiệp của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng sẽ đóng vai trò là trọng tài để giải quyết tranh chấp đó. Ví dụ, Tòa án giải quyết tranh chấp giữa người cho thuê nhà với người thuê nhà.

- Khi cần truy cứu trách nhiệm pháp lý, tức là áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Ví dụ, cảnh sát giao thông xử lý người vi phạm pháp luật giao thông, ra quyết định xử phạt đối với họ.

- Khi cần áp dụng sự cưỡng chế của nhà nước đối với các chủ thể không vi phạm pháp luật mà chỉ vì lợi ích chung của xã hội. Ví dụ, thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, bắt buộc phải chữa bệnh…

- Khi cần áp dụng các hình thức khen thưởng đối với các chủ thể có thành tích theo quy định của pháp luật. Ví dụ, chủ thể có thẩm quyền xét và trao tặng bằng khen, danh hiệu vinh dự nhà nước… cho một cá nhân, tổ chức nào đó.

- Khi cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong một số quan hệ pháp luật nhất định theo quy định của pháp luật. Ví dụ, hoạt động của các cơ quan kiểm sát, thanh tra, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân…

- Khi cần phải xác nhận sự tồn tại của một sự kiện thực tế cụ thể nào đó theo quy định của pháp luật. Ví dụ, hoạt động xác nhận của Ủy ban nhân dân, cơ quan công chứng….

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 35 - 37)