QUAN HỆ PHÁP LUẬT VÀ SỰ KIỆN PHÁP LÝ

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 32 - 35)

1. Khái niệm

Quan hệ pháp luật là quan hệ giữa người với người (quan hệ xã hội) do một quy phạm pháp luật điều chỉnh, biểu hiện thành quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các bên, được đảm bảo bằng cưỡng chế nhà nước.

- Là quan hệ xã hội có ý chí, bởi vì nó được hình thành và được điều chỉnh theo ý chí của con người.

- Quan hệ pháp luật có tính giai cấp vì quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia quan hệ được nhà nước quy định hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện theo chiều hướng phù hợp với mục đích của giai cấp thống trị.

- Nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm quyền, nghĩa vụ của các chủ thể do nhà nước quy định hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện.

2. Thành phần của quan hệ pháp luật

Thành phần của quan hệ pháp luật gồm 3 bộ phận: Chủ thể, nội dung và khách thể

a. Chủ thể của quan hệ pháp luật

- Chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ pháp luật.

+ Chủ thể là cá nhân gồm: công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú ở Việt Nam; chủ thể trực tiếp trong một quan hệ pháp luật luôn có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Năng lực pháp luật là khả năng của một chủ thể được hưởng quyền và làm nghĩa vụ trong một quan hệ pháp luật nhất định. Về nguyên tắc mọi cá nhân đều

có năng lực pháp luật, trừ trường hợp bị pháp luật hạn chế hoặc tòa án tước đoạt. Trong nhiều quan hệ pháp luật năng lực pháp luật của cá nhân phát sinh từ khi họ sinh ra và chấm dứt khi họ chết (trong quan hệ dân sự, quan hệ học tập, lao động…), song cũng có những quan hệ năng lực pháp luật của cá nhân chỉ phát sinh khi họ đạt đến một độ tuổi nhất định (quan hệ hôn nhân, quan hệ bầu cử, ứng cử, thành lập doanh nghiệp…).

Năng lực hành vi là khả năng của một chủ thể có thể bằng hành vi của mình tham gia vào một quan hệ pháp luật để hưởng quyền và làm nghĩa vụ. Người có năng lực hành vi là người hiểu rõ ý nghĩa và kết quả hành vi mà mình thực hiện và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Những người chưa đến một độ tuổi nhất định, người mắc các bệnh không nhận thức và điều khiển được hành vi là người không có năng lực hành vi. Độ tuổi cụ thể được coi là có năng lực hành vi được xác định khác nhau tùy theo từng loại quan hệ pháp luật.

+ Chủ thể là tổ chức: một tổ chức có thể là chủ thể của nhiều quan hệ pháp luật khác nhau. Đó là một tập hợp người theo một cơ cấu, tổ chức nhất định nhằm những mục tiêu kinh tế, chính trị xã hội cụ thể. Một tổ chức có đủ năng lực pháp

luật và năng lực hành vi để tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể là một pháp nhân.

Một tổ chức được công nhận là một pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với các cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Các loại pháp nhân bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các tổ chức khác có đủ điều kiện.

b. Nội dung của quan hệ pháp luật

Nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể

- Quyền chủ thể là cách xử sự mà chủ thể có thể tiến hành theo quy định của pháp luật, quyền chủ thể bao gồm các khả năng sau:

+ Xử sự theo một khuôn khổ nhất định phù hợp với quy định của pháp luật. + Yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành động cản trở mình thực hiện quyền phù hợp với quy định của pháp luật.

+ Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Nghĩa vụ chủ thể là cách xử sự mà chủ thể buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của các chủ thể khác. Nghĩa vụ chủ thể được hiểu theo hai phương diện:

+ Phải tiến hành các xử sự bắt buộc, nghĩa là phải thực hiện hoặc không được thực hiện những hành vi nhất định.

+ Phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các xử sự bắt buộc.

Có những quyền và nghĩa vụ pháp lý chủ thể có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay, song cũng có những quyền và nghĩa vụ pháp lý không thể ủy quyền.

c. Khách thể của quan hệ pháp luật

Khách thể của quan hệ pháp luật là những gì mà các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật cùng hướng tới mà nhờ đó các chủ thể có thể đạt được những lợi ích vật chất hoặc tinh thần của mình.

Khách thể của quan hệ pháp luật rất đa dạng tùy thuộc vào từng loại quan hệ pháp luật, đó có thể là kết quả của công việc trong hợp đồng khoán việc; là quyền

sở hữu tài sản trong quan hệ mua bán, tặng cho; là quyền sử dụng trong quan hệ thuê mượn tài sản; là giá trị sức lao động trong quan hệ lao động…

3. Sự kiện pháp lý

Một quan hệ pháp luật cụ thể sẽ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt khi có các sự kiện pháp lý, vì vậy, sự kiện pháp lý được coi là căn cứ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

Sự kiện pháp lý là sự kiện, sự việc thực tế xảy ra trong cuộc sống được pháp luật gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

Các sự kiện pháp lý thường rất đa dạng, một sự kiện pháp lý có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nhiều quan hệ pháp luật và ngược lại, một quan hệ pháp luật có thể làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt do tác động của một sự kiện pháp lý. Ví dụ: Một cái chết của một công dân là một sự kiện pháp lý làm chấm dứt quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý của người này, nhưng lại làm phát sinh quyền thừa kế tài sản của người chết đối với những người được thừa kế…

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 32 - 35)