Cơ chế quản lý và hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 100 - 102)

III. HÌNH PHẠT VÀ CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

a. Cơ chế quản lý và hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện

- Hoạt động quản lý nhà nước chưa hiệu quả, pháp luật chưa hoàn thiện Đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự yếu kém và bất cập của quá trình đổi mới đất nước, trong đó có tham nhũng. Ở nước ta, sự quản lý lãnh đạo điều hành đất nước là sự thống nhất và phối hợp giữa vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm quản lý của Nhà nước và sự tham gia tích cực có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng. Các yếu tố trong hệ thống chính trị phải thực hiện đúng vai trò của mình. Tuy nhiên sự chưa rõ ràng trong phân cấp, phân công vai trò, chức năng hoạt động giữa các yếu tố trong hệ thống chính trị đã phần nào làm giảm hiệu quả quản lý, lãnh đạo, điều hành xã hội. Một số nơi, tổ chức Đảng đã ít nhiều can thiệp vào hoạt động quản lý nhà nước, cơ quan nhà nước còn ỷ lại, thụ động chưa làm hết trách nhiệm của mình. Một số tổ chức chính trị - xã hội còn lúng túng, không xác định được vai trò của mình, chưa xây dựng chương trình hoạt động phù hợp. Thực tế còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, lẫn lộn về tổ chức và hoạt động của các yếu tố trong hệ thống chính trị. Đó là những điều kiện thuận lợi để tham nhũng có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể, có nhiều sơ hở, chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa phản ánh và điều chỉnh kịp thời những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển của xã hội. Việc phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, phân biệt quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh có phần chưa rõ ràng. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế quản lý tài sản chung, quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng “vô chủ”, thiếu trách nhiệm. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, cải cách hành chính chậm. Những nhược điểm đó làm nảy sinh tệ quan liêu, tham nhũng và thiếu kỷ cương, tạo điều kiện cho tệ hối lộ, biển thủ công quỹ, nhũng nhiễu cấp dưới và Nhân dân phát triển ngày một phổ biến.

- Cải cách hành chính chậm và lúng túng, thủ tục hành chính phiền hà, bất hợp lý. Cơ chế “xin-cho” được nhìn nhận là một trong những nguy cơ của tệ tham nhũng, hối lộ chưa có cách khắc phục. Chế độ công vụ của cán bộ, công chức thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả. Chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo đối với những sai phạm, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức còn bất hợp lý, chậm được cải cách. Lương không đủ đảm bảo nhu cầu của cuộc sống dẫn đến tình trạng vì cuộc sống của bản thân và gia đình, cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực khi có điều kiện, cơ hội.

Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực tuy đã được cải thiện song vẫn còn rườm rà, khó thực hiện, tạo kẽ hở cho cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng để gây khó dễ, sách nhiễu người dân.

Người dân vẫn còn nhiều e ngại khi phải đến các cơ quan nhà nước để làm các thủ tục như: xin giấy chứng nhận, xin giấy phép… thời gian chờ đợi kết quả giải quyết các thủ tục hành chính còn kéo dài, việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông còn chậm và manh mún. Hiện tượng cán bộ, công chức lợi dụng để vòi vĩnh nhận tiền từ Nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại.

- Thiếu công khai, minh bạch, giải trình trong quản lý: Minh bạch thể hiện quyền của người dân và cũng là điều kiện cần có để bộ máy nhà nước tiếp thu trí tuệ của Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, để người dân giám sát hoạt động của nhà nước. Sai phạm trong quản lý có thể bắt nguồn và được che đậy bởi tình trạng thiếu công khai, minh bạch. Quy định của pháp luật hiện nay đã có nhiều tiến bộ

song chưa thực sự tạo ra bước ngoặt để công khai, minh bạch được thực hiện đầy đủ trên các lĩnh vực quản lý, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động quản lý.

Cơ chế quản lý tài chính công, mua sắm công, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trải qua nhiều khâu, nhiều “cửa”, kiểm soát lỏng lẻo tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thất thoát.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới chỉ được quy định trong hệ thống pháp luật, chưa phát huy tác dụng trong thực tế công tác phòng, chống tham nhũng.

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 100 - 102)