QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 30 - 32)

LUẬT

1. Khái niệm, đặc điểm

a. Khái niệm

Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do nhà nước đặt ra, thừa nhận và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và nhu cầu tồn tại của xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho xã hội tồn tại và phát triển

b. Đặc điểm

- Quy phạm pháp luật là quy phạm xã hội nên có tất cả các đặc điểm của quy phạm xã hội;

- Quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nên luôn thể hiện ý chí của nhà nước;

- Nội dung của quy phạm pháp luật thường thể hiện 2 mặt: cho phép và bắt buộc, tức là quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do nó điều chỉnh;

- Quy phạm pháp luật có tính giai cấp có tính xã hội và tính hệ thống. Ở Việt Nam hiện tại chủ yếu là những quy phạm thành văn.

2. Cấu trúc của quy phạm pháp luật

Có nhiều quan niệm khác nhau về cấu trúc của quy phạm pháp luật, có người cho rằng quy phạm pháp luật gồm 2 bộ phận là giả định và chỉ dẫn; người khác cho rằng quy phạm pháp luật có 2 bộ phận là quy tắc và bảo đảm. Tuy nhiên, quan niệm có tính chất truyền thống và phổ biến thì cho rằng quy phạm pháp luật gồm 3 bộ phận là giả định, quy định và chế tài.

a. Giả định

Là bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu rõ chủ thể nào, trong điệu kiện, hoàn cảnh nào thì thuộc phạm vi điều chỉnh của quy phạm pháp luật đó. Nói cách khác giả định là bộ phận dự kiến về chủ thể, điều kiện tình tiết xảy ra trong thực tế thì chủ thể phải xử sự theo yêu cầu ở phần quy định (thường trả lời cho câu hỏi ai? Khi nào? Trong điều kiện hoàn cảnh nào?

“Người học các chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng, chi phí đào tạo do nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với nhà nước thì sau khi tốt nghiệp phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của nhà nước; trường hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo”

b. Quy định

Là bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó nêu lên cách xử sự hay quy tắc xử sự cho chủ thể khi ở vào điều kiện hoàn cảnh đã nêu trong phần giả định của quy phạm. Đây là phần trực tiếp thể hiện ý chí, mong muốn của nhà nước, là mệnh lệnh của nhà nước đối với các chủ thể, chỉ rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do nó điều chỉnh, thường trả lời cho các câu hỏi: được làm gì? không được làm gì? phải làm gì và làm như thế nào?

Quy định của quy phạm có thể nêu lên một cách xử sự rõ ràng, dứt khoát cho một chủ thể, song cũng có thể là tùy nghi nêu lên nhiều cách xử sự cho phép chủ thể lựa chọn và thực hiện một trong các cách đó.

Ví dụ: Điều 32 luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:

“ Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”

c. Chế tài

Là bộ phận của quy phạm pháp luật, trong đó nêu lên nếu làm hay không làm như phần quy định thì sẽ phải chịu hậu quả như thế nào. Chế tài là bộ phận đảm bảo trên thực tế tính cưỡng chế của pháp luật.

Chế tài thường được ghi ở cuối điều luật hoặc cuối văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: Người nào có hành vi vi phạm các quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về cơ bản, chế tài được chia thành: chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài kỷ luật, chế tài dân sự.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải bao giờ một quy phạm pháp luật cũng phải cơ cấu đủ 3 bộ phận nêu trên. Để việc thực hiện được ngắn gọn, thuận tiện cho việc áp dụng, các quy phạm pháp luật thường chỉ bao gồm 2 bộ phận: giả định và quy định hoặc giả định và chế tài. Những quy phạm không có chế tài đi kèm thì phần chế tài tương ứng nằm trong điều luật khác. Vì vậy, trong thực tế áp dụng pháp luật, phải vận dụng đồng thời một số quy phạm pháp luật liên quan với nhau.

3. Văn bản quy phạm pháp luật

a. Khái niệm và đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định, có các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật:

- Phải do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành với những hình thức do pháp luật quy định.

- Trình tự, thủ tục ban hành văn bản được quy định chặt chẽ trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Nội dung của văn bản có chứa đựng các quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng, có hiệu lực về thời gian và không gian nhất định.

- Nhà nước bảo đảm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật bằng các biện pháp thích hợp như: tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, hành chính, kinh tế, trong trường hợp cần thiết áp dụng cưỡng chế bắt buộc phải thi hành.

b. Thẩm quyền ban hành

- Quốc hội ban hành: Hiến pháp, Luật , Nghị quyết

- Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành: Pháp lệnh, Nghị quyết - Chủ tịch nước ban hành: Lệnh, Quyết định

- Chính phủ ban hành: Quyết định, Chỉ thị

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành: Quyết định, Chỉ thị, Thông tư.

- Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành: Nghị quyết

- Các Nghị quyết, Thông tư liên tịch được ban hành giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội.

- Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân ban hành Quyết định, Chỉ thị

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 30 - 32)