TỔNG QUAN VỀ LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 56 - 60)

1. Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật Lao động

Lao động là hoạt động có ý chí, có mục đích của của con người. Trong quá trình lao động con người đã tạo ra cho mình mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và mối quan hệ giữa con người với con người. Quan hệ giữa con người với con người trong quá trình lao động được gọi quan hệ lao động.

Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, người lao động có quyền xác lập quan hệ lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau, tạo thành những quan hệ lao động với tính chất, đặc điểm rất khác nhau và được quy phạm pháp luật của các ngành luật khác nhau điều chỉnh.

Luật lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ lao động và những quan hệ liên quan chặt chẽ đến quan hệ lao động.

b. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của luật Lao động là quan hệ xã hội về sử dụng lao động (quan hệ lao động) và các quan hệ phát sinh trong quá trình sử dụng lao động (quan hệ liên quan đến quan hệ lao động).

- Quan hệ lao động: là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình lao động. Bao gồm, quan hệ lao động giữa người lao động là

cán bộ, công chức, viên chức với người sử dụng lao động là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội. Quan hệ lao động này thuộc đối tượng điều chỉnh của luật Hành chính; Quan hệ lao động giữa người lao động là xã viên hợp tác xã hoặc các thành phần kinh tế tập thể với người sử dụng lao động là hợp tác xã. Quan hệ lao động này thuộc đối tượng điều chỉnh của luật Hợp tác xã; Quan hệ

lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động là doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động khác thuộc đối tượng điều chỉnh của luật lao động, quan hệ lao động này có những đặc điểm cơ bản sau:

+ Người lao động là người làm công. Người lao động tự nguyện đưa ra hoạt động lao động của mình phục vụ cho mục đích của người sử dụng lao động để được trả tiền công, tiền lương.

+ Người sử dụng lao động là người chủ sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản, là người tổ chức mọi hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác phục vụ lợi ích riêng của mình. Người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng lao động, có quyền điều hành các hoạt động lao động của người lao động, người lao động có nghĩa vụ chấp hành sự điều động đó.

+ Quan hệ lao động do luật lao động điều chỉnh là một tổng thể các quan hệ xã hội về tuyển dụng lao động, phân công hiệp tác trong lao động, kỷ luật lao

động, đảm bảo các điều kiện lao động và quan hệ về tái sản xuất sức lao động cho người lao động

- Các quan hệ liên quan đến quan hệ lao động: để đảm bảo thực hiện đầy đủ

các nội dung của quan hệ lao động, một số quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động cũng được pháp luật lao động điều chỉnh. Các quan hệ xã hội này hoặc phát sinh trên cơ sở quan hệ lao động hoặc tạo ra những điều kiện cho việc hình thành và phát triển quan hệ lao động. Bao gồm:

+ Quan hệ tạo việc làm và đào tạo nghề cho người lao động;

+ Quan hệ giữa người sử dụng lao động với tổ chức Công đoàn hay tổ chức đại diện tập thể người lao động;

+ Quan hệ về bồi thường thiệt hại khi một bên trong quan hệ lao động gây thiệt hại cho bên kia;

+ Quan hệ về bảo hiểm xã hội;

+ Quan hệ về giải quyết tranh chấp lao động;

+ Quan hệ về quản lý nhà nước, thanh tra nhà nước về lao động.

c. Phương pháp điều chỉnh của luật lao động

Phương pháp điều chỉnh của luật lao động là cách thức mà các quy phạm pháp luật lao động tác động vào đối tượng điều chỉnh của luật lao động. Bao gồm, phương pháp thỏa thuận, phương pháp mệnh lệnh.

- Phương pháp thỏa thuận: được sử dụng trong quan hệ về tuyển dụng, về thiết lập các quan hệ lao động tập thể…

- Phương pháp mệnh lệnh: được sử dụng trong các quan hệ người sử dụng lao động điều hành hoạt động của người lao động như quan hệ về kỷ luật lao động, an toàn lao động, quản lý Nhà nước về lao động…

Ngoài ra, trong nhiều quan hệ lao động cụ thể có sự tham gia của tổ chức công đoàn, như: công đoàn tham gia xây dựng một số quy phạm pháp luật lao động, công đoàn tham gia giải quyết một số tranh chấp lao động…

2. Quan hệ pháp luật lao động

a. Khái niệm, đặc điểm

Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được pháp luật lao động điều chỉnh trở thành quan hệ pháp luật lao động.

Do quan hệ lao động là một tổ hợp của nhiều quan hệ xã hội (đã đề cập trong phần phương pháp điều chỉnh) nên quan hệ pháp luật lao động cũng là một tổ hợp của nhiều quan hệ pháp luật tương ứng. Trong các quan hệ pháp luật lao động thì

quan hệ pháp luật về tuyển dụng lao động là quan hệ cơ bản, làm phát sinh nhiều quan hệ pháp luật lao động khác.

Quan hệ pháp luật lao động có các đặc điểm sau:

- Được thiết lập chủ yếu trên cơ sở hợp đồng lao động đã giao kết;

- Trong quan hệ pháp luật lao động, người lao động phải chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động;

- Quá trình phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật lao động thường có sự tham gia của tổ chức công đoàn.

Những đặc điểm trên của quan hệ pháp luật lao động giúp phân biệt pháp luật lao động với quan hệ pháp luật về khoán việc, về dịch vụ trong luật Dân sự và với quan hệ pháp luật hành chính trong luật hành chính.

b. Chủ thể của quan hệ pháp luật lao động

Chủ thể của quan hệ pháp luật lao động bao gồm người lao động và người sử dụng lao động.

- Người lao động là chủ thể của quan hệ pháp luật lao động phải là người có năng lực pháp luật lao động và năng lực hành vi lao động: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”. (điều 3 – Bộ luật lao động năm 2012).

- Người sử dụng lao động có thể là tổ chức, cá nhân. Người sử dụng lao động là tổ chức thì phải là pháp nhân; nếu không là pháp nhân thì phải có đủ điều kiện để sử dụng lao động và trả công cho người lao động; người sử dụng lao động là cá nhân thì ít nhất phải đủ 18 tuổi, có thuê mướn, sử dụng và trả công lao động.

c. Nội dung của quan hệ pháp luật lao động

Nội dung của quan hệ pháp luật lao động là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, quyền của chủ thể này sẽ là nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được quy định trong bộ luật lao động. (Điều 5,6 – Bộ luật Lao động năm 2012).

d. Những căn cứ làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật laođộng động

Căn cứ làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật lao động là các sự kiện pháp lý.

Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật lao động là việc các chủ thể tiến hành giao kết hợp đồng lao động.

Sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ pháp luật lao động là những sự kiện làm thay đổi chủ thể hoặc làm thay đổi nội dung của quan hệ pháp luật lao động. Các sự kiện này có thể xảy ra do ý chí thỏa thuận của hai bên, do ý chí đơn phương của một bên hoặc do ý chí của người thứ ba

Sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ pháp luật lao động là những sự kiện dẫn đến việc làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của chủ thể.

3. Các quan hệ pháp luật liên quan trực tiếp với quan hệ lao động

Đây là các quan hệ pháp luật hình thành do sự điều chỉnh của pháp luật lao động đối với các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp với quan hệ lao động, như: quan hệ tạo việc làm, dạy nghề; quan hệ bảo hiểm; quan hệ giải quyết tranh chấp lao động…

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 56 - 60)