GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRANH CHẤP ĐẤT ĐA

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 84 - 89)

ĐAI

1.Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai

a. Quan niệm khiếu nại, tố cáo về đất đai

Khiếu nại về đất đai là một loại khiếu nại hành chính phát sinh trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Khiếu nại về đất đai là việc đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền xem xét lại đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó hoặc hành vi đó là trái pháp luật và xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Đối tượng của khiếu nại về đất đai là các quyết định hành chính của các cơ quan về các vấn đề như: quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định ra hạn thời hạn sử dụng đất… Đối tượng của khiếu nại về đất đai cũng có thể là hành vi hành chính của cán bộ, công chức nhà nước khi thực hiện các công việc liên quan đến các hoạt động nêu trên.

Tố cáo về đất đai là việc báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền biết về một hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc de dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Đối tượng của tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật đất đai của các cơ quan nhà nước, tổ chức hay cá nhân, như: hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng đất đai sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục hành chính, các quyết định của cơ quan nhà nước trong quản lý đất đai được thực hiện trái pháp luật, chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật.

b. Thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai

Việc giải quyết khiếu nại về đất đai được giải quyết như sau:

- Trước hết, người khiếu nại phải tiến hành khiếu nại đối với chính người ra quyết định hoặc cơ quan có hành vi của cán bộ, công chức mà người khiếu nại muốn khiếu nại. Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính đó.

- Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong trường hợp đó quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định cuối cùng; trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện tai Tòa án nhân dân.

Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

2. Giải quyết tranh chấp đất đai

a. Quan niệm tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tranh chấp đất đai bao gồm các dạng tranh chấp như: tranh chấp về quyền sử dụng đất; tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất; tranh chấp về mục đích sử dụng đất.

b.Thủ tục giải quyết tranh chấp về đất đai

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

Bước 1: Hòa giải tranh chấp đất đai

- Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

- Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên

bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

- Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; Tranh chấp về các trường hợp khác gửi đơn đến Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bước 2: Tiến hành giải quyết đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ xác định nguồn gốc hợp pháp và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

Các trường hợp được coi là có giấy tờ xác định nguồn gốc hợp pháp gồm: + Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật; giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ. + Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ nêu trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan; hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ xác định nguồn gốc hợp pháp nêu trên thì đương sự chỉ

được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau:

+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì nộp đơn lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; trường hợp tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì nộp đơn lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

- Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

- Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Định hướng nghiên cứu bài

1. Đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh và những nguyên tắc cơ bản của luật đất đai.

2. Những quy định về chế độ quản lý Nhà nước về đất đai. Liên hệ. 3. Những quy định về chế độ sử dụng đất đai. Liên hệ

4. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. 5. Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai.

Chương 6LUẬT HÌNH SỰ LUẬT HÌNH SỰ I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ LUẬT HÌNH SỰ

1. Khái niệm

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội, trật tự xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước dùng nhiều biện pháp khác nhau vừa có tính giáo dục, thuyết phục, vừa có tính cưỡng chế để đấu tranh với những vi phạm pháp luật. Đối với những hành vi vi phạm mà mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa cao thì chủ thể thực hiện hành vi đó có thể bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế hành chính, dân sự… đối với những hành vi mà mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn thì cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn, nghiêm khắc hơn thì mới đủ sức giáo dục, thuyết phục cũng như đấu tranh phòng chống vi phạm - đó là biện pháp cưỡng chế hình sự.

Luật hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, xác định những hành vi nào nguy hiểm cho xã hội là tội phạm,người phải chịu trách nhiệm hình sự đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy.

Các quy phạm pháp luật hình sự được chia làm hai loại: phần chung quy định những nguyên tắc, nhiệm vụ của luật hình sự, những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt; phần các tội phạm quy định những dấu hiệu pháp lý của những tội phạm cụ thể, loại hình phạt và mức hình phạt có thể áp dụng đối với các tội phạm.

2. Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự là những quan hệ xã hội phát sinh giữa nhà nước với người phạm tội khi người này thực hiện một hành vi mà Nhà nước quy định là tội phạm.

Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự là phương pháp quyền uy. Đó là phương pháp sử dụng quyền lực Nhà nước trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật hình sự giữa Nhà nước và người phạm tội. Nhà nước có quyền tối cao trong việc định đoạt số phận của người phạm tội, buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ gây ra. Trách nhiệm hình sự mà người phạm tội đã gây ra là

trách nhiệm thuộc về cá nhân người phạm tội, phải do chính người phạm tội gánh chịu một cách trực tiếp.

3. Các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự

Các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là các tư tưởng chỉ đạo, là cơ sở cho hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự. Cụ thể là:

- Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa: nguyên tắc này thể hiện thông qua việc chỉ có pháp luật hình sự mới quy định hành vi nào là tội phạm. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tuyệt đối tuân thủ quy định này của pháp luật.

- Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa: nguyên tắc này thể hiện thông qua việc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân. Mọi công dân đều có quyền ngang nhau, không có sự phân biệt đối xử; phải tham gia tích cực vào việc xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự; đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

- Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa: nguyên tắc này thể hiện thông qua việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục và cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội (ví dụ, quy định về khoan hồng, miễn trách nhiệm hình sự, hình phạt, cho hưởng án treo…)

- Nguyên tắc kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quốc tế thể hiện thông qua việc quy định trong Bộ luật hình sự như: các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 84 - 89)