Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 68 - 70)

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT LAO ĐỘNG

5. Kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh trong nội quy lao động (Điều 118- Bộ Luật Lao

động năm 2012)

Chế định kỷ luật động là cơ sở pháp lý để người lao động hoàn thành nghĩa vụ lao động của mình đối với doanh nghiệp, là căn cứ để doanh nghiệp tổ chức tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, kỷ luật lao động giữ vai trò củng cố, ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Chế định kỷ luật lao động bao gồm: Nội quy lao động; trách nhiệm kỷ luật của người lao động; trách nhiệm vật chất của người lao động trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp.

- Nội quy lao động của doanh nghiệp là văn bản cụ thể hóa các nội dung kỷ luật lao động đã được pháp luật lao động quy định, bao gồm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trật tự tại nơi làm việc; an toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc; việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.

Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản.

- Trách nhiệm kỷ luật là loại trách nhiệm pháp lý do người sử dụng lao động áp dụng đối với người lao động trong trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động, buộc họ phải chịu các hình thức kỷ luật do pháp luật lao động quy định.

+ Khiển trách: áp dụng đối với người lao động phạm lỗi lần đầu ở mức độ nhẹ, có thể khiển trách bằng miệng hoặc bằng văn bản.

+ Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là 6 tháng hoặc cách chức: áp dụng đối với người lao động đã bị khiển trách bằng văn bản mà tái phạm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị khiển trách hoặc hành vi vi phạm đã được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp.

+ Sa thải: áp dụng trong những trường hợp: người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ kinh doanh, người lao động đang chịu hình thức kỷ luật ở mức 2 (kéo dài thời gian nâng lương…) mà tái phạm; người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

- Trách nhiệm vật chất là một loại trách nhiệm pháp lý do doanh nghiệp áp

dụng đối với người lao động có quan hệ hợp đồng lao động với mình, thể hiện ở việc buộc người lao động phải bồi thường những thiệt hại về vật chất do hành vi vi phạm kỷ luật lao động của họ gây ra cho tài sản của doanh nghiệp.

Pháp luật lao động quy định các hình thức trách nhiệm vật chất đối với người lao động như sau:

+ Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.

+ Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Một phần của tài liệu Tài liệu học tập pháp luật đại cương (Trang 68 - 70)