II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DÂN SỰ
1. Quyền sở hữu tài sản
a. Khái niệm tài sản, quyền sở hữu tài sản
Bộ luật Dân sự quy định: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các
quyền tài sản. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao
trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, tài sản bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình (hữu hình - vật: nhà cửa, máy móc trang thiết bị, vàng bạc… vô hình - quyền tài sản: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ…
Sở hữu (quan hệ sở hữu) là mối quan hệ xã hội về việc chiếm hữu những của cải vật chất trong xã hội. Đây là quan hệ giữa người với người mang nội dung
tài sản chứ không phải là quan hệ giữa người với tài sản. Tuy nhiên, quan hệ sở hữu luôn luôn gắn liền với một tài sản nhất định và nó tồn tại trong mọi xã hội có quan hệ xã hội và có tài sản. Mỗi chế độ xã hội có một chế độ sở hữu tương ứng
làm cơ sở cho nền sản xuất của một xã hội đó. Ở Việt Nam hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.
Trong xã hội có giai cấp, có nhà nước, các quan hệ sở hữu được pháp luật điều chỉnh, từ đó xuất hiện khái niệm quyền sở hữu. Quyền sở hữu là biểu hiện về
mặt pháp lý của các quan hệ sở hữu. Đó là các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ sở hữu là các cá nhân, pháp nhân hay các chủ thể khác trong việc chiến hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Giai cấp thống trị củng cố cơ sở kinh tế của mình
trước hết bằng cách luật hóa các quan hệ sở hữu. Pháp luật của nhà nước xác nhận, củng cố và bảo vệ các hình thức sở hữu phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị và những điều kiện kinh tế - xã hội của nhà nước trong mỗi thời kỳ.