này diễn ra nhanh, do vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ đòi hỏi nhiều. Cần thường xuyên đổi món ăn cho trẻ nhưng phải tuân thủ theo các yêu cầu sau: Căn cứ vào hàm lượng dưỡng chất trong thực phẩm và nhu cầu dinh dưỡng cho từng trẻ. Chú ý đủ lượng dinh dưỡng và tỷ lệ hợp lý giữa đạm, béo và đường bột … Chú ý chọn thức ăn phải dựa vào đặc điểm hệ tiêu hóa của từng trẻ. Thức ăn được chế biến vệ sinh theo nhiều cách, để giúp trẻ ăn ngon miệng.
Về phát triển các tố chất thể lực: Cần có không gian cho trẻ chạy nhảy, leo trèo, chui, trườn, bò, trượt (chú ý đảm bảo an toàn và không để trẻ vận động quá sức). Giao cho trẻ một số nhiệm vụ vừa sức, khuyến khích trẻ làm những việc tự phục vụ bản thân tùy theo độ tuổi, cố gắng không làm thay cho trẻ. Hướng dẫn trẻ chơi, hoạt động với đồ vật, tổ chức cho trẻ vui chơi, đặc biệt là các trò chơi đóng vai theo chủ đề, cách nhập vai các hành động phù hợp với vai chơi.
- Giáo dục xúc cảm, tình cảm: Nhận biết chính xác những xúc cảm của mình và nói ra được bằng lời, tìm cách kiềm chế hoặc giải tỏa từ đó nhận biết chính xác xúc cảm ở những người xung quanh. Kính trọng, thương yêu ông bà, cha mẹ qua những công việc làm cụ thể. Giáo dục sự đồng cảm và lòng trắc ẩn cho trẻ. Khi xuất hiện những cảm xúc khác nhau cần dạy trẻ biết suy nghĩ cách hành động tiếp theo hướng tích cực. “ Sự đồng cảm là trẻ biết đặt vị trí của mình vào người khác để cảm nhận được những xúc cảm vui buồn… đang diễn ra ở họ, theo đó mà cảm thông chia sẻ niềm vui và nỗi buồn ở những người xung quanh bằng việc làm vừa sức “.
- Giáo dục sự hợp tác với những người xung quanh: Sự hợp tác là sự phối hợp, kết hợp hai hay nhiều người vào thực hiện một hoạt động nhằm đạt được mục đích chung. Nhờ sự hợp tác mà nhu cầu của ta được thỏa mãn nhiều hơn, tốt hơn, hoạt động của ta được thực hiện nhanh hơn, kết quả đạt ở mức cao hơn khi làm một mình. Đối với trẻ cần giáo dục trẻ biết hợp tác với mọi người trong gia đình.
Trong gia đình, giáo dục năng lực hợp tác cho trẻ là thuận lợi nhất, bởi giáo dục thông qua nhu cầu và quá trình thỏa mãn các nhu cầu cơ bản (như nếu giúp trẻ làm việc này, trẻ sẽ được mẹ dắt đi siêu thị… những phần thưởng này nhằm tạo động lực cho trẻ, để khuyến khích trẻ hợp tác với mọi người xung quanh). Đôi khi cũng đưa trẻ vào tình huống khó để dạy trẻ cách hợp tác và cách xử lý tình huống.
Ai là người có năng lực hợp tác tốt với mọi người thì người đó sẽ thành công trong hoạt động, thành công trong cuộc đời (chân lý này đã được chứng minh bởi những doanh nhân thành đạt, những lãnh tụ thiên tài, những danh nhân văn hóa thế giới)
- Giáo dục các giá trị XH vừa sức trẻ: Giáo dục cho trẻ sự công bằng, lòng can đảm, sự giúp ích, tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng, niềm tự hào…
Phần lớn các giá trị xã hội là nền tảng, cơ sở để xây dựng các thói quen hành vi đạo đức. Như vây, cũng có thể nói, giáo dục các giá trị XH cho trẻ là xây dựng nền tảng giá trị đạo đức cho trẻ.
- Giáo dục hành vi giới tính: Giáo dục hành vi giới tính về bản chất là trẻ em trong quá trình XH hóa, phải nhập tâm, bắt chước, lĩnh hội và học tập cá kiểu hành vi con người để trở thành người. Trong đó, chú ý đến hành vi giới tính, sao cho trẻ gái phải có những hành vi đặc trưng của giới như nhẹ nhàng, biết nhường nhịn, dịu dàng trong lời nói cách ứng xử; biết giúp mẹ một số việc nhỏ vừa sức, biết quan tâm giúp đỡ mọi người. Trẻ trai cần có được những hành vi mạnh mẽ, quyết đoán, biết bảo vệ che chở bạn gái, dám nghĩ, dám làm…
- Giáo dục thẩm mỹ trong gia đình: Trẻ mẫu giáo đã hình thành tình cảm thẩm mỹ. Trẻ đã xuất hiện những rung cảm, xao xuyến…với những cái đẹp như bông hoa, mặt trời, quần áo đẹp… Lời nói đẹp, hành vi đẹp, bài hát hay, bản nhạc vui tươi,… đó là những tác động thẩm mỹ có ở gia đình , Đứa trẻ ngụp lặn, đắm mình trong các sản phẩm nghệ thuật sẽ hình thành tâm hồn nghệ thuật. Vì vậy phải bồi dưỡng những xúc cảm thẩm mỹ từ gia đình cho trẻ để trẻ lớn lên không chỉ biết bảo vệ, giữ gìn cái đẹp mà còn biết hành động để tạo ra các sản phẩm đẹp, cái đẹp cho mình và cho mọi người.