Ngôn ngữ trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 109 - 110)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2.Ngôn ngữ trần thuật

3.2.2.1. Giới thuyết khái niệm

Cũng giống như màu sắc trong hội họa, âm thanh trong âm nhạc, đường nét trong kiến trúc, ngôn ngữ là chất liệu trực tiếp và duy nhất, là yếu tố không thể thiếu được của văn chương. M.Gorki đã từng khẳng định "yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ".

Hiểu theo nghĩa rộng, ngôn ngữ nghệ thuật là tiếng nói riêng, thông điệp riêng của các loại hình nghệ thuật khác nhau, như kiến trúc, hội họa, sân khấu, điện ảnh,… trong đó có văn chương. Đó là thông điệp của người nghệ sĩ gửi gắm vào công trình nghệ thuật của mình.

Với nghĩa hẹp, gắn với loại hình nghệ thuật văn chương, ngôn ngữ nghệ thuật được hiểu là nghệ thuật ngôn từ; là tín hiệu hình thức thứ hai được cấu tạo nên từ hệ thống tín hiệu thứ nhất (ngôn ngữ tự nhiên). Mỗi yếu tố ngôn ngữ là một phương tiện biểu hiện, tham gia vào việc bộc lộ nội dung tư

tưởng nghệ thuật của tác phẩm. "Con người đó như thế nào, cách suy nghĩ ra sao, tất cả đều thể hiện trong cách thức lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ. Nói cách khác, khi tổ chức ngôn từ thành một chỉnh thể nghệ thuật, nhà văn đã tự thể hiện mình trong đó" [32, 215].

Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học, không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học. Vì chính ngôn ngữ chứ không phải cái gì khác đã cụ thể hóa, vật chất hóa sự biểu hiện của chủ thể và tư tưởng trong tác phẩm. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm. Nó cũng là yếu tố đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm.

Trong văn học đương đại, ngôn ngữ trần thuật có vị thế ưu trội nhất định trong tác phẩm. Nó thể hiện quan điểm của tác giả hay quan điểm của người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả. Vì thế nó mang tính chính xác, cá thể hoá. Mỗi câu, mỗi chữ trong tác phẩm đều chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Đặc biệt, ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết thường là ngôn ngữ đa thanh vì đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi là sự tác động qua lại rất phức tạp giữa tiếng nói tác giả, người kể chuyện và nhân vật, giữa ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ được miêu tả.

Như vậy, "ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn. Mỗi nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ" [32, 215]. Điều này cho thấy, ngôn ngữ nghệ thuật luôn mang ý nghĩa thẩm mĩ, nó khác với ngôn ngữ nói chung ở tính hình tượng, tính đa nghĩa và tính biểu cảm. Do đó, "không thể chối cãi rằng nó đã giúp cho văn học mang được nhiều hơn hơi thở của cuộc sống, tăng thêm sự tươi tắn, sinh động cho cuộc sống" [7, 170].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 109 - 110)