Người trần thuật từ ngôi thứ ba

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 85 - 87)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.1.Người trần thuật từ ngôi thứ ba

Trần thuật từ ngôi thứ ba chính là sự lựa chọn điểm nhìn bên ngoài - tức là người kể chuyện hướng cái nhìn từ bên ngoài để quan sát câu chuyện, bình luận, đánh giá. Khi điểm nhìn khách quan bên ngoài được chuyển vào nội tâm nhân vật, nhân vật buộc phải nói lên suy nghĩ của mình. Với quan điểm trần thuật này, người trần thuật "ẩn sau nhân vật" để phản ánh hiện thực và miêu tả tâm lý nhân vật một cách sắc sảo và sinh động. Người trần thuật gần như biết hết toàn bộ câu chuyện, hòa vào câu chuyện, nhập vai nhân vật một cách khéo léo, dẫn dắt người đọc khám phá từng chi tiết, ngóc ngách tâm hồn nhân vật, tái hiện lại cả một thế giới nhân vật sống động, chân thực và có chiều sâu. Bằng ngôn ngữ tả và ngôn ngữ kể, trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, người kể chuyện đã khéo léo giúp người đọc hình dung cả một không gian văn hoá cuối Trần, đầu Hồ. Đó là không khí hội thề Đồng Cổ: "Dân chúng Thăng Long cũng dậy từ gà gáy. Người từ khắp làng quê cũng đổ về Thăng Long đi trẩy hội thề. Dọc đường, cắm cờ suốt từ cửa Tây tức Quảng Phúc Môn đến đền Đồng Cổ, người che kín hai bên đường. Đám rước rất dài, chừng mười dặm. Người trong đám rước chừng vài ngàn người" [50, 16-17]. Người trần thuật đã giúp người đọc hình dung ra một lễ hội giàu màu sắc văn

hoá với không khí đông vui nhưng cũng vô cùng thiêng liêng, thành kính. Qua đó, người trần thuật kín đáo thể hiện cái nhìn về chính trị: "Thượng hoàng bày vẽ linh đình để làm gì? Để cứu vãn một tình huống chẳng thể cứu vãn nổi chăng? Để tự đánh lừa mình, sau đó để đánh lừa toàn dân, rằng triều đại nhà Trần vẫn còn đang thịnh trị, vẫn còn đầy nét vàng son chăng?... [50, 19]. Hay ở chương XIII (Hội thề Đốn Sơn), người trần thuật đã phác thảo Điện Minh Đạo ở thành Tây Đô (Thanh Hoá) – nơi Hồ Quý Ly lựa chọn làm trung tâm chính trị của đất nước trong những ngày ông chuẩn bị lên làm vua: "Điện Minh Đạo hiện ra trước mắt. Nó là bản sao của cung điện Hoa Lư ở Thăng Long... Ở bậc thềm bước lên, ta đã gặp ngay đôi rồng đá to nhất từ trước đến nay. Đôi rồng, mỗi con dài mươi thước, uốn khúc uyển chuyển và hùng dũng như đang bay… Hàng cột đỡ hiên là mười chiếc cột đá chạm rồng leo tinh xảo. Đặc biệt nhất là chiếc sập to làm bằng đá phiến nguyên khối, đánh bóng lên mới thấy nổi những vân đá đen như rồng như mây" [50, 748- 749]. Rõ ràng ở đây, người trần thuật như là người chứng kiến, tham dự để miêu tả lại một cách khách quan, đưa người đọc đến với không gian cung đình của một triều đại phong kiến. Mặt khác, người trần thuật cũng ngầm cho độc giả thấy, khung cảnh vàng son lộng lẫy, kiến trúc nguy nga tinh tế ấy không chỉ cho chúng ta thấy một công trình kiến trúc của thời đại đã lùi xa vào dĩ vãng, sự tinh xảo của bàn tay người thợ tài hoa xưa mà còn cho thấy một phần con người Hồ Quý Ly gian hùng, tài trí và thông minh hơn người.

Ngoài ra, người trần thuật còn tái hiện không gian của một xã hội phong kiến phương Đông xưa qua các hoạt động trong đời sống cung đình. Từ cảnh sinh hoạt trong vườn thượng uyển, cuộc sống ở vườn mai, trại mai, đến cuộc sống của ông vua con Thuận Tông và bà Hoàng Thánh Ngẫu,… Tất cả như hiện ra trước mắt người đọc bởi điểm nhìn trần thuật linh hoạt và đầy sáng tạo của người kể chuyện.

Trần thuật theo quan điểm không tham dự vào câu chuyện, người trần thuật ẩn mình, hòa vào nhân vật đến mức khó phân biệt được giọng kể của người kể chuyện hay giọng kể của nhân vật. Ở chương III, khi viết về ông

vua già Nghệ Tông, từ những lời đối đáp đáp giữa Quý Ly và Trần Phủ (tên huý của vua Nghệ Tông), người trần thuật đã phát đi những tín hiệu ban đầu gây sự chú ý cho người đọc về số phận và con người Trần Nghệ Tông: nhân hậu, giàu lòng thương người nhưng không có tính quyết đoán. Tính cách ấy gắn liền với cả một chặng đường làm vua của ông vua già, thể hiện một cái nhìn sâu sắc thấu đáo về sự được mất mà Nghệ Tông đã trải qua.

Người trần thuật còn khéo léo dẫn dắt người đọc đi sâu vào dòng tâm trạng của các nhân vật, trong đó tiêu biểu là nhân vật Hồ Quý Ly. Một mặt, người trần thuật đã đưa nhân vật của mình vào những góc độ đánh giá khác nhau, tạo nên sự phức tạp, đa chiều trong con người Hồ Quý Ly, mặt khác, người trần thuật còn đặt Hồ Quý Ly vào hoàn cảnh đơn lẻ, nhằm di chuyển điểm nhìn trần thuật vào dòng tâm tưởng của nhân vật để thể hiện đời sống nội tâm đầy biến động ẩn dấu trong sự mạnh mẽ. Những đêm quỳ bên pho tượng đá, Hồ Quý Ly đã gục dưới chân tượng, sự cô đơn đè nặng tâm hồn ông, ông đi tìm bà qua những giọt nước mắt và thổ lộ nỗi lòng với một hòn đá vô tri. Cuộc đời nhân hậu, thanh khiết như một cành mai của bà Huy ninh đã làm dịu đi trái tim vốn chai sạn vì những mưu đồ chính trị, làm cho Hồ Quý Ly thêm bình dị, thêm người hơn. Qua việc đi vào cõi riêng trong tâm hồn nhân vật, người trần thuật muốn người đọc nhận ra không chỉ một Hồ Quý Ly gian hùng, mưu lược, mà còn một Hồ Quý Ly rơi vào trạng thái hư vô với nỗi cơ đơn đến cùng cực.

Có thể nói, vận dụng quan điểm trần thuật ở trên, Nguyễn Xuân Khánh đã rất thành công khi xây dựng hình tượng người trần thuật từ ngôi thứ ba để phát ngôn cho nội dung, tư tưởng tác phẩm của mình. Nhờ đó tác phẩm có chiều sâu và gây được ấn tượng mạnh cho độc giả.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 85 - 87)