Miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 77 - 79)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3.2. Miêu tả ngoại hình nhân vật

Để xây dựng nhân vật trong tác phẩm của mình, các nhà văn đương đại đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, trong đó có biện pháp khắc họa ngoại hình nhân vật. Trong văn học, nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật thường với hai mục đích. Thứ nhất, để cá thể hóa nhân vật, nghĩa là tạo ấn tượng riêng về nhân vật ấy (không thể lẫn vào các nhân vật khác). Thứ hai, qua vẻ bề ngoài phần nào hé mở tính cách, bản chất của nhân vật. Một nhà văn có tài thường chỉ qua một số nét khắc họa chấm phá có thể giúp người đọc hình dung ra diện mạo, tư thế cùng bản chất của nhân vật. Văn hào M. Gorki khuyên các nhà văn phải xây dựng nhân vật của mình đúng như những con người sống và "phải tìm thấy, nêu lên, nhấn mạnh những nét riêng độc đáo, tiêu biểu trong dáng điệu, nét mặt, nụ cười, khóe mắt... của nhân vật" [59, 42]. Nói một cách bao quát hơn, ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong,… là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài nhân vật. Ngoại hình nhân vật được thể hiện sinh động sẽ góp phần bộc lộ tính cách, đặc biệt nó có tác dụng khá rõ trong việc cá biệt hoá nhân vật.

Đọc tiểu thuyết Hồ Quý Ly, một điều dễ thấy là Nguyễn Xuân Khánh không quá chú trọng vào việc miêu tả ngoại hình nhân vật, mà tác giả lựa chọn cho mình một lối khắc họa theo kiểu chấm phá bằng vài nét thoáng qua. Tuy nhiên những nét chấm phá ấy lại có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo hình nhân vật, góp phần thể hiện sinh động tâm lý, tính cách nhân vật. Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, ngoại hình nhân vật có sức gợi mạnh mẽ trong tâm trí người đọc, nhất là các nhân vật nữ ở chốn lầu son gác tía.

Nhân vật nữ được Nguyễn Xuân Khánh khắc họa với một ngoại hình đẹp, một vẻ đẹp thánh thiện là Huy Ninh. Trong cái nhìn chủ quan của tác giả, Huy Ninh là một người "khiêm nhường, lặng lẽ, dịu dàng" [50, 547] cho

nên tác giả đã miêu tả bà với một dung mạo u buồn, yếu ớt: "phu nhân trạc tuổi sáu mươi, da dẻ trắng xanh, tóc bạc, khuôn mặt trái xoan buồn bã có đôi mắt rất hiền từ" [50, 586]. Cũng là nhân vật xuất thân từ dòng dõi quyền quý, nhân vật Quỳnh Hoa được tác giả miêu tả bằng những nét vẽ trẻ trung nhưng gợi ra một cuộc đời yểu mệnh: "Ở đất kinh kì, người ta vẫn bảo Quỳnh Hoa là người ngọc. Nàng đẹp một cái đẹp mong manh. Nàng trắng muốt, thon thả như một nhành hoa. Đôi mắt long lánh, cái mũi xinh xinh, đôi môi đỏ chót, cổ cao và trắng, nhưng đẹp nhất vẫn là mớ tóc vừa đen, vừa mượt, vừa dài của nàng…" [50, 68-69]. Với Thánh Ngẫu cũng vậy, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng nhân vật này là một thiếu nữ vô tư, ngây thơ và còn ít tuổi, vì thế nàng có một ngoại hình "kiều diễm, hồng hào" [50, 360] và "phổng phao, mơn mởn" như tính cách non trẻ của nàng. Nhân vật Thanh Mai lại khác, đây là một nhân vật từng trải, chịu nhiều trái ngang, chính vì thế, Nguyễn Xuân Khánh miêu tả ngoại hình của nàng không giống như những người con gái đài các. Ở Thanh Mai là "một vóc người gọn gàng thon thả, nhưng hoàn toàn khác những vóc dáng lả lướt của các cô công chúa, tiểu thư mà tôi vẫn thường gặp. Cô chít khăn vàng, khuôn mặt tròn, lông mày nét ngang, phía dưới cái mũi xinh xắn là cái miệng rộng với đôi môi đỏ" [50, 315].

Hoàn toàn khác với nhân vật nữ, nhân vật nam trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly chủ yếu được Nguyễn Xuân Khánh miêu tả qua các việc làm, hành động và suy nghĩ, còn về ngoại hình thì tác giả miêu tả rất ít, nếu có cũng không rõ nét. Trong số các nhân vật nam, Hồ Quý Ly có lẽ là nhân vật được phác họa về mặt ngoại hình đầy đủ hơn cả. "Với bộ râu dài đốm bạc, với mái tóc hầu như bạc trắng, với cái miệng ngang bằng không nhếch lên, cũng không trễ xuống, khuôn mặt của một con người luôn trầm tĩnh. Chỉ có đôi mắt ông ta biểu hiện thôi. Đôi mắt to với đôi lông mày rậm cũng bạc trắng. Đôi mắt thông minh, đen láy" [50, 521]. Chỉ vài nét vẽ đơn giản, nhưng đủ cho chúng ta cảm nhận cái thần của nhân vật, đó là một người vừa thông minh, tài giỏi lại vừa lạnh lùng cương quyết và đặc biệt không ai có thể nắm bắt được ông đang muốn gì, nghĩ gì qua cái miệng, cái mắt ấy.

Với dụng ý xây dựng nhân vật Trần Nghệ Tông là một vị vua hiền từ, đức độ nhưng không đủ sức mạnh để gìn giữ và phát triển vương triều nhà Trần, Nguyễn Xuân Khánh đã miêu tả ngoại hình của ông: "mặt vàng bệch, đứng oai nghiêm mà đờ đẫn" [50, 20]. Người con trai của Trần Nghệ Tông là Trần Thuận Tông cũng được Nguyễn Xuân Khánh miêu tả vẻ bề ngoài "cao, gày, khôi ngô tuấn tú" đúng như tính cách nhẹ nhàng, khiêm nhường, từ tốn của vị vua trẻ này.

Nguyễn Xuân Khánh đã rất tinh tế khi xây dựng ngoại hình của những nhân vật mang trong mình sự phản loạn. Đó là nhân vật Phạm Sư Ôn, một đứa con hoang, sau trở thành nhà sư nổi loạn, bị triều đình xem là "lũ giặc cỏ". Chính vì là một mầm mống phản loạn nên Phạm Xuân Ôn có một ngoại hình riêng, không giống ai: "… cậu sống như cỏ dại, nhưng lại lớn nhanh như thổi. Lớn lên, thân xác và sức mạnh của cậu đều gấp bội người thường" [50, 227]. Với việc miêu tả một "thân thể hộ pháp và đôi mắt sáng quắc", Nguyễn Xuân Khánh như muốn dự báo cho người đọc đây sẽ là cuộc đời của một kẻ dám "xưng vương, thành lập riêng một triều đình" [50, 237], "tập hợp được những kẻ lang thang… không phải để trở nên một đám cướp tầm thường, mà trở thành một đạo quân nổi loạn, với mưu đồ táo bạo: lật đổ vương triều nhà Trần thối nát" [50, 236]. Đó còn là nhân vật Phạm Tổ Thu, là người giúp việc cho Trần Khát Chân và cũng là kẻ trực tiếp mưu sát Hồ Quý Ly không thành. Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng một ngoại hình phù hợp với tính cách của nhân vật này, đó là một "tráng sĩ râu rậm,… vạm vỡ,…" [50, 577].

Như vậy, với việc khắc họa ngoại hình nhằm hướng đến khắc họa tính cách và cuộc đời nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh đã thổi vào các nhân vật những nét riêng mang tính điển hình. Mỗi nhân vật là một dung mạo riêng, một tính cách riêng, một số phận riêng cùng làm nên bản giao hưởng về sự sống, về bản chất của con người trong cuộc sống.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w