Hiệu quả của sự luân phiên kiểu lời trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 89 - 92)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.3.Hiệu quả của sự luân phiên kiểu lời trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly

thuyết Hồ Quý Ly

Thành công của tiểu thuyết Hồ Quý Ly không chỉ gặt hái được từ việc sử dụng linh hoạt vai trò trần thuật của ngôi thứ ba "ẩn danh" và từ ngôi thứ nhất xưng "tôi" mà còn có sự kết hợp, đan cài luân phiên các kiểu lời trần thuật. Điều này đã tạo ra sự đột phá trong nghệ thuật trần thuật, khiến cho tác phẩm trở nên sinh động. Đọc tác phẩm, độc giả như được tham dự vào những sự kiện xa xưa của quá khứ, cùng vui, cùng buồn với số phận của các nhân vật lịch sử.

Trong tác phẩm, nhiều khi Nguyễn Xuân Khánh đã để người trần thuật nhập vào các nhân vật của mình và xoá nhoà khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật, khiến cho hai điểm nhìn trùng khít nhau. Ngoài hai giọng kể chính thay đổi luân phiên là người kể chuyện khách quan và người kể chuyện xưng "tôi", ở nhiều đoạn, điểm nhìn trần thuật được chuyển vào Nghệ Tông, Thuận Tông, Hồ Quý Ly. Việc tổ chức điểm nhìn từ nhiều phía giúp cho người đọc có cái nhìn đa chiều về nhân vật, khiến

cho dấu ấn thời kỳ lịch sử đó trở nên chân thực, chính xác hơn. Mặt khác, với việc trần thuật này đã tạo ra nhiều góc quét khác nhau, làm cho chân dung nhân vật Hồ Quý Ly hiện lên đa chiều, kể cả phần sáng và phần tối. Các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, dù bảo thủ hay đổi mới đều có cách đánh giá riêng về quan thái sư.

Sử dụng đan xen lời trần thuật của ngôi thứ ba ẩn danh và lời trần thuật của ngôi thứ nhất, Nguyễn Xuân Khánh đã kiến tạo hai trường nhìn: trường nhìn người kể chuyện khách quan và trường nhìn nhân vật. Điều này đã phá vỡ cấu trúc truyền thống, tạo nên một cấu trúc linh hoạt khiến trục thời gian xáo trộn, điểm nhìn trần thuật liên tục luân chuyển, đan xen khiến cho người đọc luôn có sự phán xét lại nhân vật, hành động, sự kiện. Người đọc hoài nghi về một Hồ Quý Ly bạo chúa hay một nhà cách tân? Cha con Nghệ Hoàng là những bậc quân vương, nhân từ, đức độ hay chỉ là những ông vua nhu nhược, yếu đuối khi để cho muôn dân đói khổ, lầm than, đất nước chiến tranh loạn lạc? Trần Khát Chân là một dũng tướng văn võ song toàn hay là một kẻ nuối tiếc quá khứ, đi ngược lại bánh xe lịch sử?

Quả thật, Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên lối trần thuật hiện đại bằng cách kết hợp khá nhuần nhuyễn các kiểu lời trần thuật. Thậm chí để tạo sự đa dạng trong ngôn ngữ trần thuật, nhà văn còn sử dụng lời nửa trực tiếp: "Ông vua già Nghệ Tông lo lắng là phải. Ông phải nhờ đến hội thề. Ông phải nhờ đến thần hộ quốc. Ông muốn tiếng chuông vàng, tiếng trống Đồng Cổ sẽ vang động làm thức tỉnh trăm quan, thức tỉnh thần dân trong nước" [50, 17]. Ngay cả khi điểm nhìn trần thuật được chuyển vào Thuận Tông, lời trần thuật vẫn có sự đan xen lời nửa trực tiếp: "Thuận Tông như thấy mình thoát ra khỏi cái hình hài gầy guộc, ông lơ lửng trên cao, nhìn xuống con người thảm thương đang ngồi dưới đất… Chợt thấy thương mình, thương tất cả. Ông chưa đi được. Còn phải ở lại mà chịu hết cái công nghiệp mà toàn thể dòng họ nhà Trần của ông đã để lại cho ông" [50, 678-679]. Trong khi trần thuật, đôi chỗ tác giả còn chêm vào những lời bình luận, những đoạn trữ tình ngoại đề. Chẳng hạn như: "Vậy thì, ai là người đã giết Sử Văn Hoa? Ai là người đã

đang tâm giết một con người đã cõng một bồ sử trên lưng, leo đèo lội suối, trốn tránh một hôn quân để đi tìm một chân mạng thiên tử? Ai là kẻ đã dã man giết một con người nhân hậu chỉ muốn đi tìm cách giải giấc mộng cuồng ở đời? Ai là kể đã mất hết nhân tính đến mức giết một người suốt đời ghi chép sử, đi tìm hồn của núi sông, dù trong tù ngục vẫn giải một câu đố về sự thái hoà dân tộc?" [50, 640].

Bên cạnh đó, tác giả còn kết hợp ngôn ngữ của người trần thuật với lời nội tâm của nhân vật. Nhà văn đã để cho Thuận Tông độc thoại trong suốt sáu trang sách, đối diện với những sự thật đau đớn của cuộc đời, hoang mang giữa một bên là trạng thái hư vô, một bên là những khắc khoải về thực tại, để rồi lại đắm chìm trong suy tư về cái ác và quyền lực, cái chết và sự sống: "Ai bảo ngươi sinh vào kiếp vua! Ai bảo ngươi là ông vua hiền! Mà hiền thực hay là hèn! Ai bảo ngươi tôn vinh sự mềm yếu, lai coi thường sự cương cường? Hỡi ôi! Kẻ làm quan, làm vua có thể chẳng ác nhưng phải làm ác. Cái ác gắn với vua quan. Cái ác làm món ăn của vua quan. Cái ác là đôi cánh của vua quan. Thiếu cái ác một ngày, ngai vàng buồn rầu. Thiếu cái ác một tuần trăng, ngai vàng rung rinh. Thiếu cái ác một năm, ngai vàng sụp đổ. Cái ác là nguồn sống của vua quan. Điều đó đã ghi rành rành trong sách sử. Ôi! Cô đơn! Ta sinh ra trong xứ sở cô đơn…" [50, 694- 695].

Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, nhiều lúc tác giả không để người trần thuật xuất hiện trực tiếp mà để người đọc tiếp xúc với các nhân vật Hồ Nguyên Trừng, Hồ Quý Ly, Trần Nghệ Tông, Trần Khát Chân,… Các cuộc đối thoại giữa Hán Thương, Nguyên Cẩn, Hồ Quý Ly, giữa Hồ Nguyên Trừng với cha mình, Giữa Hồ Nguyên Trừng với Trần Khát Chân… được hiện lên với sự vắng mặt của người trần thuật, nó giúp người đọc không bị trói buộc bởi những sự kiện lịch sử xảy ra, hơn nữa chân dung của nhân vật hiện lên trước mắt người đọc một cách cận cảnh. Người đọc như có cảm giác mình đang tham gia vào câu chuyện, chứng kiến câu chuyện.

Với những cách thức trần thuật như vậy, nhà văn vừa miêu tả, vừa kể về nhân vật, vừa thể hiện thế giới bên trong của nhân vật dưới sự phân tích

khách quan của độc giả. Những đoạn di chuyển điểm nhìn vào nhân vật chứng tỏ nhà văn đã có ý thức đa dạng hoá điểm nhìn trần thuật, giúp cho nhân vật trong quá khứ thoát ra khỏi quá khứ để đối thoại với hiện tại đầy sống động chứ không phải cứng nhắc, im lìm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 89 - 92)