Kết cấu truyện lồng trong truyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 56 - 60)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.3.Kết cấu truyện lồng trong truyện

Kết cấu truyện lồng trong truyện là một thủ pháp văn chương xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học thế giới. Hiểu một cách đơn giản nhất, đây là thủ pháp lồng ghép một câu chuyện độc lập (có liên quan hoặc không liên quan về mặt nội dung) vào tác phẩm chính trong quá trình diễn tiến của tác phẩm.

Kiểu kết cấu truyện lồng trong truyện xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết. Bởi chỉ có những tác phẩm dài hơi mới có khả năng dung chứa nhiều câu chuyện khác nhau, nhiều mảnh đời khác nhau trong một câu chuyện lớn. Hầu

như các tác phẩm tiểu thuyết hiện đại đều sử dụng kiểu kết cấu này. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh cũng vậy, lồng trong câu chuyện lớn nói về lịch sử cuối Trần đầu Hồ gắn liền với tên tuổi Hồ Quý Ly là những câu chuyện nhỏ về cuộc đời của các nhân vật khác, đặc biệt là những nhân vật mà cuộc đời của họ liên quan nhiều tới câu chuyện chung của tác phẩm.

Nội dung chính bao trùm tiểu thuyết Hồ Quý Ly là câu chuyện lịch sử về nước Đại Việt những năm cuối thế kỷ XIV đang oằn mình chống thù trong giặc ngoài. Bên ngoài thì quân Chiêm Thành xâm lược. Bên trong triều đình thì chính sự rối ren, vua quan chia nhiều phe phái. Phái bảo thủ thì muốn níu kéo cơ nghiệp nhà Trần sắp đổ vỡ. Phái cách tân thì theo Hồ Quý Ly với những cải cách vội vã, không được lòng người. Chính vì thế, trong triều đình luôn sôi sục không khí tranh chấp, đấu đá, thanh trừng lẫn nhau để làm lợi cho phe phái của mình. Và chính trong câu chuyện lớn này có rất nhiều câu chuyện nhỏ về các nhân vật mà cuộc đời của họ đã gắn kết với câu chuyện lịch sử, vận mệnh lịch sử. Đó là câu chuyện về cuộc đời nhân vật Hồ Quý Ly

với 2 đời vợ, có ba mặt con và một cháu ngoại, trong tay nắm đủ quyền uy nhưng vẫn luôn cảm thấy cô đơn mỗi khi đối diện với chính mình. Nỗi cô đơn của ông là nỗi cô đơn của một người muốn có người tin mình và cũng muốn có người mình tin. Nhưng rút cuộc, cuộc đời Hồ Quý Ly vẫn chỉ như lời Trần Khát Chân nói trước khi chết: "Ông đã xây được ngôi thành đá vĩ đại nhưng sẽ không xây được thành đá trong lòng người" [50, 789]. Hay câu chuyện về cuộc đời vua - thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Ông không phải là nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm như Hồ Quý Ly, nhưng cũng là nhân vật chính góp phần quan trọng vào cốt truyện. Ông xuất hiện khi đã là thượng hoàng trong Hội thề Đồng Cổ. Sau đó tác giả dành trọn chương III và chương IV để kể về cuộc đời ông từ khi còn là thái tử Trần Phù, rồi qúa trình lên ngôi trị vì đất nước với ba năm làm vua, 27 năm làm thái thượng hoàng. Kết cục vị vua này băng hà trong cảnh già yếu, không thay đổi được bộ mặt của đất nước để Hồ Quý Ly mặc sức điều hành bộ máy triều chính. Trần Nghệ Tông mất đi, số phận của ông vua con Trần Thuận Tông cũng chẳng

sáng lạng hơn, thậm chí còn bị đẩy vào tình thế phải đi tu, phải truyền ngôi, phải chết. Là một vị vua, lại là con rể của Hồ Quý Ly nhưng cũng giống như ông vua cha của mình, Thuận Tông không được toàn quyền quyết định vận nước. Ông bị ép ăn bát canh sâm có thuốc độc. Thuận Tông ra đi mang theo nỗi dày vò, day dứt về thế cuộc đảo điên, về nàng Ngọc Kiểm, về người vợ chung tình Thánh Ngẫu và đứa con trai 3 tuổi bị đánh mất tuổi thơ khi ông ngoại Hồ Quý Ly bắt bé An phải tập làm vua để sớm lên ngôi.

Đó còn là câu chuyện về cuộc đời nhân vật Hồ Nguyên Trừng - một cuộc đời nặng gánh ân tình và luôn phiền muộn. Mẹ mất sớm, ở với dì và hai người em cùng cha khác mẹ. Lớn lên, lập gia đình với công chúa Quỳnh Hoa (con Trần Nguyên Hàng) theo nguyện vọng của cha. Nhưng Hồ Nguyên Trừng lại thật sự hạnh phúc với người vợ trẻ này. Tuy nhiên hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, Quỳnh Hoa đã rời xa cuộc đời Nguyên Trừng vĩnh viễn trong lần chuyển dạ đau đớn. Sau những mất mát, tưởng như Hồ Nguyên Trừng đã được bù đắp khi gặp Thanh Mai, người con gái mà Hồ Nguyên Trừng xem như tri kỉ. Song số phận thật trớ trêu khi Thanh Mai lại là con nuôi của Trần Khát Chân - người đối nghịch với Hồ Quý Ly. Và rồi cái gì đến cũng phải đến, Hồ Nguyên Trừng quyết định từ bỏ người con gái "của đời mình" để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của con người gắn liền với vận mệnh lịch sử, "lăn lộn với cuộc trần ai" mà không thể tự do được hưởng niềm hạnh phúc riêng.

Ngoài những câu chuyện nhỏ về các nhân vật chính, Nguyễn Xuân Khánh còn xây dựng rất sinh động những mảnh đời éo le của các nhân vật phụ như: Nguyễn Cẩn, Phạm Sư Ôn, Thanh Mai,… Cuộc đời của nhân vật Nguyễn Cẩn là cuộc đời vừa đáng thương lại vừa đáng giận. Nguyễn Cẩn đã thể hiện sự "cuồng trung" của mình khi chấp nhận "tịnh thần" để được Hồ Quý Ly tin dùng. Với việc làm này, Nguyễn Cẩn đã để lại "nỗi sầu không dứt" trong mắt người vợ. Cuộc đời của Phạm Xuân Ôn lại là cuộc đời của một nhà sư nổi loạn, của một kẻ lang bạt kì hồ. Phạm Xuân Ôn là một đứa con hoang "vô thừa nhận" của ai đó để trước cửa chùa được sư Vô Trụ nuôi dạy. Lớn lên đi theo tiếng gọi của cô nô tì bên bờ đầm Thiên Nhiên, rồi trở

thành nhà sư phá giới. Sau đó làm thủ lĩnh những kẻ lang thang, lập thành đội quân phản loạn tấn công Thăng Long và bị quân triều đình vây bắt. Trên pháp trường, Phạm Xuân Ôn chợt nhận ra gương mặt thân quen Phạm Sinh, linh cảm của một người bố cho Phạm Xuân Ôn biết đây chính là con trai của mình với cô nô tì. Tuy nhiên giây phút hội ngộ cũng là giây phút chia xa, Phạm Xuân Ôn chỉ kịp nhìn thẳng vào Phạm Sinh và hét lên: "Hãy trả thù! Hãy trả thù cho ta! Nhớ lấy! Nhớ lấy!" [50, 257]. Cũng như Nguyễn Cẩn và Phạm Xuân Ôn, nhân vật Thanh Mai cũng cùng chung số phận bất hạnh khi cuộc đời họ nằm trong guồng quay của lịch sử lúc bấy giờ. Là một kĩ nữ hát hay, đàn giỏi, số phận Thanh Mai đã rơi vào ba chìm bảy nổi. Từng bị bắt làm thị tì cho Chế Bồng Nga, rồi được Trần Khát Chân cứu vớt và nhận làm con nuôi. Cũng từ đây, cuộc đời cô yên bình hơn nhờ bóng của Thượng tướng, nhưng Thanh Mai lại trở thành một con bài trong tay Trần Khát Chân khi thượng tướng muốn mượn Thanh Mai làm "gián điệp" ở bên cạnh Nguyên Trừng. Chính trong vai một người đi "dò xét tình hình", nàng lại đem lòng yêu Nguyên Trừng. Song thứ tình yêu bị đè nén bởi dục vọng chính trị không tồn tại được lâu. Nàng đành lặng lẽ bước ra khỏi cuộc đời Nguyên Trừng dù điều này làm nàng hết sức đau đớn. Qua đó có thể thấy mỗi cuộc đời riêng trong câu chuyện chung ở tiểu thuyết Hồ Quý Ly dù là ông vua hay bà hoàng, tướng lĩnh hay thường dân đều thấm đẫm nỗi đau và sự dang dở. Không ai được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, đủ đầy, ngược lại số phận của họ là những gánh tâm tư sầu muộn.

Điều đáng lưu ý là mặc dù có sự lồng ghép các câu chuyện nhỏ về cuộc đời của các nhân vật vào trong câu chuyện lớn của tác phẩm, nhưng những câu chuyện nhỏ đó không tách rời mà luôn được đan xen, liên kết vào nhau một cách chặt chẽ và linh hoạt tạo nên sự chân thực cho câu chuyện được kể, đồng thời tạo ra sự sinh động cho cốt truyện. Mặt khác, sự đan cài các câu chuyện vào nhau là một cách tạo sự luân phiên, dịch chuyển điểm nhìn, góp phần làm cho nhân vật (nhất là thế giới nội tâm của nhân vật) được xem xét dưới nhiều góc độ và được xây dựng một cách tự nhiên hơn. Đó chính là thế

mạnh của kết cấu truyện lồng trong truyện, góp phần tạo dựng cho truyện một nghệ thuật trần thuật hiện đại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 56 - 60)