Kết cấu theo dòng chảy ý thức

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 54 - 56)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.2.Kết cấu theo dòng chảy ý thức

Không khí dân chủ, cởi mở của môi trường sáng tạo đã khuyến khích các nhà văn không ngừng tìm tòi, mạnh dạn vượt lên trên những quy định, khuôn khổ của truyền thống, mở những lối đi riêng trong sáng tác. Nguyễn Xuân Khánh cũng thuộc trong số những nhà văn ấy. Tác giả không chấp nhận "buông mình trôi xuôi theo dòng chảy lịch sử" [68, 34] mà luôn có ý thức vượt thoát những công thức sáng tác truyền thống, cứng nhắc, làm sống dậy những "xác chết biên niên" bằng hình thức kết cấu linh hoạt theo dòng chảy ý thức. Kết cấu này cho phép Nguyễn Xuân Khánh "nhào nặn" lại câu chuyện,

sự kiện, nhân vật theo ý đồ chủ quan của mình. Ưu thế văn chương cho phép Nguyễn Xuân Khánh xáo trộn, đảo ngược, chắp nối, thêm bớt các sự kiện, biến cố, những chi tiết về cuộc đời các nhân vật tạo nên kết cấu rời rạc, lỏng lẻo hay nói cách khác các sự kiện, biến cố ấy được dán ghép vào nhau một cách "tuỳ tiện có ý thức". Đọc tác phẩm, ta thấy tiểu thuyết Hồ Quý Ly mở đầu bằng không khí Hội thề Đồng Cổ vẫn diễn ra hằng năm. Nguyễn Xuân Khánh không vội vã giới thiệu ngay nhân vật trung tâm của bức tranh lịch sử mà thử thách sự chờ đợi của người đọc bằng những câu chuyện về cuộc đời các nhân vật Trần Nghệ Tông, Hồ Nguyên Trừng, Trần Khát Chân,… Nhân vật Hồ Quý Ly chính thức xuất hiện ở phần sau tác phẩm với số phận, tính cách phức tạp, đa dạng. Có thể thấy, các chi tiết, diễn biến về nhân vật này được đặt cạnh nhau, đan xen nhau, có khi đang kể chuyện Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh lại chuyển sang chuyện của Đoàn Xuân Lôi, rồi từ chuyện của Hồ Quý Ly lại chuyển sang chuyện của Sử Văn Hoa. Có khi Hồ Quý Ly đang suy ngẫm về thực tại thì quá khứ lại hiện về,...

Với cách kể chuyện theo dòng chảy ý thức, Nguyễn Xuân Khánh dẫn dắt người đọc vào thế giới bí ẩn, quanh co của tâm hồn các nhân vật. Mạch chuyện cứ chùng chình, luẩn quẩn trong dòng suy nghĩ của nhân vật, người đọc khó tìm thấy lối ra. Kết cấu của truyện cũng trở nên thiếu mạch lạc, nhiều chỗ đứt đoạn. Xây dựng tác phẩm theo mạch tâm trạng nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh có điều kiện đi sâu vào diễn biến tâm lí phức tạp của các nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên với tất cả những gì vốn có. Có thể thấy Nguyễn Xuân Khánh đã không đi theo trình tự thời gian nhất định mà có sự dán ghép biến cố xa bên cạnh biến cố gần, đưa các nhân vật ra khỏi trạng thái tĩnh, trở nên sống động hơn. Do đặt điểm nhìn theo dòng hồi ức của các nhân vật cho nên thời gian trong tác phẩm bị xáo trộn bởi quá khứ - hiện tại - tương lai đan xen đồng hiện. Hồi ức không đi theo đường thẳng mà đã bị bẻ gãy trật tự tuyến tính thông thường để mặc cho liên tưởng lôi cuốn và chi phối. Chẳng hạn, Nguyễn Xuân Khánh đã để cho Hồ Quý Ly nhớ về Huy Ninh, về thủa thiếu thời của mình để làm rõ thêm tính cách Hồ Qúy Ly - con

người uy danh ấy có lúc tàn bạo cũng có lúc đa cảm, yếu đuối. Câu chuyện đang từ hiện tại bỗng đột ngột chuyển về quá khứ, khi mối tình đầu với bà Huy Ninh hiện về trong tâm trí Hồ Quý Ly cắt ngang thực tại, tất cả những gì thuộc về ông hiện lên như mới xảy ra hôm qua. Kỉ niệm về trò nghịch ngợm với lửa cùng công chúa Huy Ninh thuở nhỏ, những lần trò chuyện với Huy Ninh về việc "nhóm lửa không khó, nhưng rấm lửa mãi mãi mới là chuyện khó" [50, 544]. Sau đó, Hồ Quý Ly lại trở về với hiện tại, với nhịp sống hàng ngày: những âm mưu, toan tính, những giằng co và cả sự cô đơn. Qúa khứ với bát canh sâm và những cử chỉ âu yếm mà bà Huy Ninh dành cho ông hiện lên giữa thực tại cô đơn, trống vắng. Qua khứ - hiện tại, thực - ảo cùng hiện lên trong dòng chảy ý thức của một con người khiến nhân vật hiện lên sinh động hơn.

Như vậy, viết về các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly mà nhân vật trung tâm là Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã khám phá lịch sử không chỉ ở những sự kiện bên ngoài mà còn ở những góc khuất, ngã rẽ phức tạp. Tác giả không đi theo lối kể chuyện có trước có sau mà triển khai theo mạch vận động của cảm xúc, suy nghĩ nhân vật. Vì thế có thể nói, cái tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của tiểu thuyết Hồ Quý Ly chính là đã sử dụng kết cấu dòng chảy ý thức trong tổ chức mạch truyện, từ đó, khám phá các nhân vật ở chiều sâu tâm linh, trong dòng chảy của tâm thức, phát hiện ra biết bao điều bí ẩn mà sử sách chưa bao giờ nhắc tới.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 54 - 56)