Đời văn Nguyễn Xuân Khánh

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 39)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Đời văn Nguyễn Xuân Khánh

Nguyễn Xuân Khánh từng cho rằng "Nhà văn là một nghề lầm lũi" [15]. Qua những sáng tác của ông chúng ta thấy ông chưa bao giờ ngừng viết. Dường như, cả cuộc đời ông chỉ có viết, viết hết ngàn trang này lại viết tiếp ngàn trang khác, bởi những "đứa con tinh thần" được ông chăm bẵm, nuôi lớn đến lúc thành danh phải trải qua mấy chục năm ròng rã nghiền ngẫm, cầm bút. "Những con chữ lầm lụi và li ti của ông đã ủ thành nụ và trong tâm hồn bạn đọc, nó bật nở ánh trắng với ít nhiều huyền bí - hoa mai" [15]. Sau tập truyện ngắn khiến Nguyễn Xuân Khánh bị "tai nạn nghề nghiệp", tưởng như ông có thể "ngã qụy" trước sự nghiệp viết lách của mình. Nhưng không, ông vẫn viết, tiếp tục viết ngay cả khi cuộc sống còn bộn bề lo toan với cuộc chạy đua tìm kiếm kế sinh nhai, mà như lời ông tâm sự: "oan trái đừng giãi bày, hãy biến nỗi oan thành năng lượng và lặng lẽ toả sáng" [15]. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh tuy không nhiều, không đồ sộ như những nhà văn cùng thời, song ông đã gặt hái được những thành công mà không phải nhà văn nào cũng có được.

Về truyện ngắn, Nguyễn Xuân Khánh có những tác phẩm: Rừng sâu

(1963); Mưa quê (2003)… Về dịch văn học, Nguyễn Xuân Khánh đã dịch thành công những tác phẩm, như: Những quả vàng của Nathalie Saraute,

Lời nguyền kẻ vắng mặt của Tahar Ben Jelloun, Người đàn bà ở đảo Saint Dominique của Bona Dominique, Nhân dạng nam của Elizabeth Badinter,.. Ngoài đam mê viết truyện ngắn, dịch sách, ông còn sáng tác tiểu thuyết, như: George Sand – Nhà văn tình yêu, Miền hoang tưởng (1990), Trư cuồng, Hai đứa trẻ và con chó mèo xóm núi (2002),…

Tuy nhiên, phải đến những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, với sự ra đời của cuốn tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly (1999), bạn đọc xa gần mới biết nhiều hơn về ông. Cuốn sách này đã được viết trong thời gian 20 năm, đó là những năm tháng cùng khổ, túng quẫn của Nguyễn Xuân Khánh. Với Hồ Quý Ly, ông gần như tâm sự và bày tỏ cảm thông của mình với những gì mà một nhà cải cách đất nước đã trải qua. Tác phẩm đã mang lại cho ông danh tiếng, và hơn hết là khẳng định tài năng, niềm đam mê, sức sáng tạo mạnh mẽ của ông. Năm 2005, Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục "đại náo làng văn" và tiếp tục khẳng định những đóng góp của mình ở mảng tiểu thuyết, bằng việc cho ra đời tác phẩm Mẫu thượng ngàn (902 trang). Đây là cuốn tiểu thuyết được xem là đậm đà bản sắc văn hoá Việt. Giống như tiểu thuyết Hồ Quý Ly, tác phẩm Mẫu Thượng ngàn cũng nhận được giải thưởng cao quý của Hội nhà văn Việt Nam và gây được tiếng vang qua những những lần tái bản, điều này chứng tỏ số lượng độc giả đã tìm đọc tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh không phải là ít. Mới đây, năm 2011, Nguyễn Xuân Khánh xuất bản tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được viết theo lối cổ điển, mang tính luận đề về ảnh hưởng của Đạo phật. Sống động và giàu sức thuyết phục, tác phẩm đã khắc họa sâu sắc nét đẹp của văn hoá Phật giáo trong mạch ngầm văn hoá dân tộc, mặt khác gợi mở về lối sống Phật giáo trong xã hội hiện đại ngày nay. Chính vì lẽ đó, cùng với "hai người anh" Hồ Quý LyMẫu Thượng ngàn, "người em" Đội gạo lên chùa cũng nhận được giải thưởng văn chương cao quý của Hội nhà văn Việt Nam. Có thể nói, với bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, người đọc không chỉ được tiếp cận và khám phá nhiều điều thú vị, hấp dẫn về những vấn đề văn hoá, lịch sử của dân tộc bằng ngôn ngữ của văn học, mà còn được biết đến một Nguyễn Xuân Khánh giàu

lòng yêu quê hương, quý trọng những vốn di sản văn hoá dân tộc. Và cũng chính từ bộ ba tiểu thuyết này, Nguyễn Xuân Khánh đã thổi một luồng gió mới cho tiểu thuyết lịch sử - văn hoá nước nhà.

Có thể nói sinh tử với nghiệp cầm bút, dù gặp nhiều thăng trầm, nhưng Nguyễn Xuân Khánh vẫn sống hết mình với cái duyên nợ đã chọn. Ông được bạn bè đánh giá là người lao động chữ nghĩa cực kì nghiêm cẩn, mực thước, luôn tìm tòi sáng tạo và đổi mới trong cách viết. Đọc tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, người đọc luôn cảm nhận được một cách thấu đáo sự tinh tế, sâu sắc, mới mẻ và đa chiều với những kiến giải rất riêng. Ông đã từng bày với bạn đọc: "Tôi không hề biết một ngày nào đó mình sẽ ghé chân qua ngôi đền văn chương rồi ở lại kiếp tu hành. Viết văn là một cuộc vật lộn khổ ải, một sự giãy giụa như không thể khác để vượt lên chính mình" [9]. Quả thực, để có thể vượt lên chính mình, Nguyễn Xuân Khánh đã phải làm việc cật lực, lao động miệt mài và dồn hết tâm huyết lên đầu ngọn bút. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", những nhọc nhằn trăn trở cho nghiệp văn mà Nguyễn Xuân khánh đã làm, đã chọn, có thể nói là "xưa nay hiếm". Chính vì lẽ đó, Nguyễn Xuân Khánh trở thành một hiện tượng đặc biệt trong đội ngũ tác giả tiểu thuyết nói riêng, của văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI nói chung.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w