Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 92 - 97)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Điểm nhìn trần thuật

Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các soạn giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cho rằng điểm nhìn chính là "vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm. Không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý, quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là do đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự đổi thay của nghệ thuật bắt đầu bằng cái nhìn" [32, 113]. Chính vì thế, có thể xem điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố hàng đầu của sáng tạo nghệ thuật.

Cũng theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi "điểm nhìn nghệ thuật có thể được phân chia thành điểm nhìn không gian và thời gian. Nhìn xa, gần, trên, dưới, lệch, thẳng,... là điểm nhìn không gian. Nhìn từ hiện tại, quá khứ hay tương lai là điểm nhìn thời gian. Có điểm nhìn tâm lý khi người trần thuật nhìn theo tầm mắt của nhân vật có đặc điểm giới tính, lứa tuổi hoặc quan hệ thân sơ; bên trong hay bên ngoài. Có điểm nhìn quang học, hoàn toàn khách quan (...). Có điểm nhìn theo một mô hình văn hoá nào đó. Có điểm nhìn theo một hệ tư tưởng nhất định với lập trường, quan niệm có tính giai cấp rõ rệt" [32, 113]. Do đó, tuỳ thuộc vào quan điểm trần thuật, nhà văn sẽ có sự lựa chọn điểm nhìn thích hợp.

Trong văn học truyền thống, các tác phẩm văn học chủ yếu được triển khai từ cái nhìn tương đối ổn định. Các nhà lý luận gọi đó là cái nhìn "toàn tri", "biết trước". Nghĩa là người kể chuyện miêu tả, tái hiện đời sống chủ yếu từ ngôi thứ ba. Với cái nhìn như thế, tác giả nắm trong tay mình sự phát triển của mạch chuyện cũng như số phận của nhân vật. Như vậy, về cơ bản, văn học truyền thống nói chung, tiểu thuyết lịch sử cổ điển nói riêng chủ yếu xuất

phát từ điểm nhìn bên ngoài. Con người lịch sử luôn được miêu tả theo một sơ đồ định sẵn. Đã là Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung, Lê Lợi,... thì phải là anh hùng. Các nhà văn chỉ sửa sang, thêm thắt để những con người anh hùng ấy càng anh hùng hơn. Cái nhìn sử thi, tư duy sử thi khiến các nhà văn miêu tả nhân vật anh hùng luôn mang vẻ đẹp toàn bích. Vẻ đẹp ấy được nhìn nhận từ điểm nhìn một chiều, điểm nhìn thiên về lý tưởng hoá. Chính điểm nhìn bên ngoài đã chi phối các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử trước đây chủ yếu viết về nhân vật lịch sử với vai trò lịch sử của họ. Với các nhà văn hiện đại (trong đó có Nguyễn Xuân Khánh) họ "không đi theo vết chân đi trước" mà "rẽ trái, đạp cỏ lau, đạp đá tai mèo, dẫn nhân vật băng qua những miền đất mới" [68, 34]. Cùng với điểm nhìn bên ngoài (đứng bên ngoài, quan sát kể lại câu chuyện) họ đã tạo thêm điểm nhìn bên trong (quan sát nhân vật từ cảm nhận riêng của mình). Nếu như với điểm nhìn bên ngoài, Nguyễn Xuân Khánh tạo cho tác phẩm tính khách quan và chân thực thì với điểm nhìn bên trong, Nguyễn Xuân Khánh đã nhìn nhận con người lịch sử với những gì vốn có, và đã phát hiện ra ở đó những điều mà lịch sử không phát hiện ra được hoặc không ghi lại được.

Nguyễn Xuân Khánh từ điểm nhìn bên trong đã rất thành công khi đi sâu miêu tả diễn biến tâm lý với những biến thái vi diệu trong tâm hồn nhân vật. Từ đó, bản chất nhân vật được miêu tả một cách chân thực với những trăn trở, nghĩ suy, những khát khao và toan tính. Ông không hề can thiệp vào cuộc đời nhân vật mà để cho nhân vật tự bộc lộ, tự cảm nhận và tự đánh giá lẫn nhau. Người đọc nhận ra lần lượt cuộc đời riêng của mỗi nhân vật và bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn khủng khiếp trong tâm hồn họ. Nhất là khi họ đã ý thức được những bi kịch của mình, ý thức được tình yêu và nỗi cô đơn của họ. Bằng cách này, Nguyễn Xuân Khánh đã đem "lịch sử đến với đời sống tươi nguyên, cảm xúc". Đó là những cảm xúc chân thành, không bị chi phối bởi những ràng buộc của lịch sử. Vì thế, từ các nhân vật chính như Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Nghệ Tông, Thuận Tông,... đến các nhân vật phụ như

Phạm Sinh, Nguyễn Cẩn, Thanh Mai, Ngọc Kiểm,... đều hiện lên sinh động và hấp dẫn.

Xuất phát từ điểm nhìn bên trong, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng nhân vật Hồ Quý Ly không những là một người mà như lời dân Thăng Long đồn đại "Thâm tai Lê sư" (Thâm độc thay Lê thái sư) [50, 48] mà còn là một con người rất cô đơn. Nỗi cô đơn của Hồ Quý Ly là nỗi cô đơn của người cả cuộc đời làm việc không ngơi nghỉ. Ông đã nhận ra đất nước Đại Việt như cái giếng khơi để lâu ngày, muốn vét cho sạch những bùn nhơ, lắng cặn để thay thế vào đó những mạch nguồn vô tận của sự sống mới. Song trong mắt những trung thần nhà Trần lúc bấy giờ, những hoài bão của Hồ Quý Ly đều là những hiểm họa khôn cùng. Họ không dám nhìn thẳng vào hiện thực của đất nước, cố bao che cho sự mục ruỗng của chính quốc. Ngay cả những người thân tín bên thái sư như Đa Phương cũng quay lưng phản bội ông. Trong tình cảnh thế nước nguy nan, ông như một bảo mẫu cố gắng che chở, bảo vệ, tìm cách thoát thân cho bầy con của mình song càng cố gắng bao nhiêu mọi kế sách của ông càng bị đáp lại bằng sự hững hờ. Lòng dân oán thán ông là kẻ thoán nghịch, bao nhiêu âm mưu muốn trừ khử ông, buộc ông phải đối phó lại. Tình thế đó vị tất đẩy ông từ chỗ chỉ muốn giúp vua Nghệ Tông cứu đất nước thoát khỏi ách xâm lược đến chỗ tham vọng tiếm ngôi. Bởi Hồ Quý Ly hiểu rằng, "muốn biến pháp phải có quyền hành". Cũng từ đây, Hồ Quý Ly thực sự rơi vào nỗi cô đơn của kẻ làm việc lớn mà không được triều thần, nhân dân ủng hộ. Ông mất ngủ và liên miên với câu hỏi: "Làm sao để thu phục được kẻ sĩ, một chiến lược lớn đã làm ông mất bao tâm huyết. Tại sao ông đã cố gắng hết sức chiều chuộng họ mà họ cứ mãi xa rời ông" [50, 475-476]. Vì trách nhiệm cứu nước cứu dân, ông đã lạnh lùng thậm chí tàn nhẫn sai người thực hiện các cuộc mưu sát. Để rồi những khi lắng đọng tâm hồn, đối diện với chính mình, ông chợt cười trong lòng: "Hạnh phúc ư? Ta sung sướng hay ta không sung sướng? Ông không nén được nụ cười thầm bật ra thành tiếng", đó là nụ cười chua chát, bất mãn với thời cuộc. Như vậy, nhờ trần thuật theo điểm nhìn bên trong, Nguyễn Xuân Khánh đã

cho độc giả thấy, trên triều chính Hồ Quý Ly thực sự là một bạo chúa, nhưng khi trở về với lòng mình ông trở nên bơ vơ, lạc lỏng với biết bao phiền muộn, ưu tư.

Bên cạnh nhân vật Hồ Quý Ly, nhân vật Hồ Nguyên Trừng cũng là nhân vật mang một chuỗi bi kịch. Dưới lăng kính chủ quan của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Trừng là người có nhiều nỗi niềm, xúc cảm với những nỗi đau rất trần thế. Xuyên suốt tác phẩm, Nguyên Trừng là nhân vật thiệt thòi nhất. Nguyên Trừng sớm mồ côi mẹ, ở với mẹ kế là bà Huy Ninh. Tuy bà Huy Ninh đối xử rất tốt với Nguyên Trừng nhưng Nguyên Trừng vẫn cảm thấy mình là người thừa thãi nhất là khi bà Huy Ninh sinh Thánh Ngẫu và Hán Thương. Cho đến khi trưởng thành, lập gia đình với tiểu thư Quỳnh Hoa theo ý cha, Nguyên Trừng mới được tận hưởng niềm hạnh phúc của riêng mình. Song hạnh phúc này quá mong manh và ngắn ngủi khi nó luôn bị đặt trên chảo nóng của những âm mưu toan tính của hai bên gia đình (giữa cha đẻ là Hồ Quý Ly và cha vợ là Trần Nguyên Hàng) vì mục đích chính trị. Nguyên Trừng như một lá bài mà cả hai phe đối lập đều muốn sử dụng trong ván bài định mệnh dân tộc. Nào ai biết đâu, trong sâu thẳm tâm hồn Nguyên Trừng là một nỗi đau: "Trong đám cưới của tôi, tôi hiểu rằng, tôi là một con mồi mà cha tôi quăng ra giữa dòng nước, họ nhà Trần như một con cá đớp lấy tôi và cha tôi cầm chiếc cần câu. Tôi là kẻ đứng giữa và cả hai bên cùng co kéo" [50, 63]. Vợ chồng Nguyên Trừng, Quỳnh Hoa dường như phải gồng mình lên để chống trả sự lôi kéo của hai phe đối lập. Nhưng rồi Nguyên Trừng lại chỉ một thân một mình đương đầu với bão tố khi Quỳnh Hoa ra đi trong một lần lâm bồn hết sức khó khăn, để lại cho Nguyên Trừng nỗi cô đơn, hụt hẫng: "Từ hôm ấy, nỗi u sầu của tôi không gì có thể cứu chữa nổi. Họa chăng chỉ còn là những cốc rượu vơi đầy". Nguyên Trừng lao vào uống rượu, lao vào kĩ viện. Cho đến một ngày Nguyên Trừng gặp Thanh Mai. Chính Thanh Mai đã hồi sinh những khát khao hạnh phúc tưởng chùng như tàn lụi, héo úa trong Nguyên Trừng. Nhưng thế cuộc đảo điên một lần nữa cướp đi người đàn bà của Nguyên Trừng. Bắt Nguyên Trừng đứng trước sự lựa chọn trớ trêu "một

bên là hạnh phúc riêng tư, một bên là trách nhiệm với đất nước dân tộc". Cuối cùng Nguyên Trừng đã quyết định hi sinh hạnh phúc riêng để làm tròn trách nhiệm với đất nước. Kết thúc tác phẩm, Nguyên Trừng trở về với nỗi cô đơn của chính mình.

Có thể nói, Nguyễn Xuân Khánh đã thực sự thoát khỏi những ám ảnh, ràng buộc của cái nhìn sử thi. Tác giả không can thiệp trực tiếp vào cuộc đời nhân vật mà để nhân vật tự hiện hữu với đầy đủ mặt ưu khuyết của nó. Vì thế nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh vừa giống lại vừa khác nhân vật của lịch sử. Đó là những nhân vật vừa đậm chất lịch sử, vừa mang dấu ấn sáng tạo của nhà văn với những số phận cụ thể và với những mối quan hệ đầy phức tạp trong cuộc sống đời thường. Ngoài những nhân vật chính như Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng,… Nguyễn Xuân Khánh còn xây dựng thành công một số nhân vật phụ như Nguyễn Cẩn, Thanh Mai, Ngọc Kiểm,… Với Nguyễn Cẩn, Nguyễn Xuân Khánh đã miêu tả sự hi sinh của nhân vật này khi quyết định "tịnh thân", làm một hoạn quan để gây được lòng tin với "minh chủ" Hồ Quý Ly. Chính lòng trung thành này của Cẩn "đã để lại một vết thương không chữa nổi trong lòng, trên gương mặt vợ" [50, 627]. Và rồi, Nguyễn Cẩn cũng có những phút yếu lòng, cô đơn khi nghĩ về vợ con. Nào ai thấu hiểu nỗi đau trong lòng Cẩn. Các sử gia chỉ biết phê phán, đả kích vào những việc làm xấu xa của Cẩn chứ không thấy rõ nỗi đau mà Cẩn phải chịu đựng. Tuy chỉ là một nhân vật phụ, nhưng Cẩn lại là nhân vật có sức ám ảnh rất lớn trong lòng bạn đọc. Đây là nhân vật thể hiện quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh rất rõ. Lăng kính chủ quan đã giúp Nguyễn Xuân Khánh nhận ra những gì sâu kín nhất trong tâm hồn mỗi nhân vật. Cái ước ao của Cẩn khi uống rượu với Phạm Sinh là một minh chứng cụ thể. Tuy đã tịnh thân, nhưng Cẩn vẫn có một mơ ước nghe thật chua chát: "Ha ha! Ta sẽ có năm người thiếp sẽ có năm đứa con, sẽ là anh quan thị, sẽ thực hành chí lớn" [50, 627]. Tuy nhiên, ước vọng nhỏ nhoi được quay về làm chồng, làm cha của Cẩn sẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Danh lợi và bổng lộc chẳng thể mang lại hạnh phúc cho Cẩn, vì thế nỗi đau ấy cứ gặm nhấm, dai dẳng trong tim Cẩn khôn nguôi.

Cũng bằng điểm nhìn bên trong, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng nhân vật Ngọc Kiểm với một số phận thật đáng thương. Đây là người con gái đã không tiếc tấm thân ngọc ngà để an ủi, ban phát tình yêu cho vị vua đang mắc chứng bệnh điên rồ là Thuận Tông. Nhưng khi vị vua này khỏi bệnh thì Ngọc Kiểm bị bắt giam lỏng, "buộc nàng ròng rã một tháng trời, uống thứ nước đắng ngắt, uống thứ thuốc thất đức" [50, 442] vì họ sợ cái mầm tình yêu ấy sẽ đâm hoa kết trái. Cuối cùng, Ngọc Kiểm đã phải chịu tội chết khi thẳng thắn nói ra cái điều mà không ai dám nói: "Rời đô tức là sắp cướp ngôi" [50, 444]. Số phận của Ngọc Kiểm thật đáng thương. Nhưng số phận của vua Thuận Tông lại càng đáng thương hơn. Dù là vua đấy nhưng ông không có quyền lực gì, đành đứng nhìn Ngọc Kiểm chịu tội chết. Rồi kết cục của ông cũng chẳng tốt đẹp khi ông không thể thoát khỏi vòng đời nghiệt ngã với bát canh sâm có thuốc độc do Hồ Quý Ly sai người ép ông phải uống. Thuận Tông ra đi vào cõi vĩnh hằng, mang theo trong mình cả một nỗi đau như một niềm ám ảnh khôn nguôi đối với độc giả.

Như vậy, điểm nhìn bên trong cho phép Nguyễn Xuân Khánh trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, tái hiện đời sống nội tâm nhân vật một cách sâu sắc. Việc phối hợp và di chuyển điểm nhìn bên ngoài và bên trong giúp nhà văn có điều kiện trổ nhiều ô cửa để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, nhà văn có đủ điều kiện để đào sâu vào cả tầng vô thức cũng như miêu tả sinh động những ngõ nghách tâm trạng đầy tinh vi của nhân vật. Mang lại cho bạn đọc những nỗi niềm xót xa, những cảm xúc chất chứa trước những mảnh đời bất hạnh của nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 92 - 97)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w