Người trần thuật từ ngôi thứ nhất

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 87 - 89)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.2.Người trần thuật từ ngôi thứ nhất

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, chúng ta không chỉ bắt gặp người trần thuật ở ngôi thứ ba mà còn thấy sự xuất hiện người trần thuật ở ngôi thứ nhất, khi Nguyễn Xuân Khánh để cho người kể chuyện xưng "tôi". Đặc biệt, ở tác phẩm này, chúng ta nhận thấy không chỉ có người kể chuyện xưng "tôi" mà

nhân vật cũng xưng "tôi". Với hình thức trần thuật này, nhân vật người kể chuyện xưng "tôi" có sự chuyển ngôi hết sức phóng túng. Lúc của nhân vật này, lúc của nhân vật khác, có khi của chính tác giả. Sự thay đổi ngôi kể này tạo cơ hội cho các nhân vật tự ý thức về cuộc đời mình, về sứ mệnh, trách nhiệm trước lịch sử.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, người kể chuyện xưng "tôi" rất phong phú, đa dạng. Đó có thể là lời của Hồ Nguyên Trừng kể về cuộc đời mình: "Tôi tên là Nguyên Trừng hay nói cho đúng hơn là Hồ Nguyên Trừng..." [50, 51], kể về người cha Hồ Quý Ly, về dòng dõi nhà Hồ và phát biểu trực tiếp những cảm nhận của mình về thời cuộc, về những người xung quanh. Qua những lời bình luận, đánh giá của nhân vật "tôi" chúng ta còn thấy rõ bản chất chốn cung đình và hiện thực đất nước thời cuối Trần. Chốn cung đình trong cảm nhận của Nguyên Trừng: "là sự giành giật, sự vật lộn không khoan nhượng, nó thường hằng, rộng khắp; một nụ cười, một cái chào, một khoé mắt cũng phải coi chừng" [50, 56]. Có khi nhân vật tôi lại là Nguyên Hàng: "Tôi nghĩ: Bọn loạn thần tặc tử ai cũng có thể giết được. Đó là vâng mệnh trời, việc đó ta không thể một ngày làm ngơ" [50, 446]. Có lúc lại là lời của Trần Khát Chân kể về việc gặp Phạm Khả Vĩnh: "Tôi lại đành gượng gạo ép mình vào tiệc, định nâng chén tiêu sầu mà lòng càng sầu thêm" [50, 449]. Qua những lời chiêm nghiệm, cảm xúc của nhân vật "tôi", tính cách, số phận của từng nhân vật trong tác phẩm hiện lên sắc nét và nhiều chiều hơn.

Với vai trò của người trần thuật, nhân vật "tôi" có điều kiện tiếp xúc, "mặc sức" quan sát các nhân vật khác trên nhiều góc độ. Chẳng hạn, nhân vật Hồ Quý Ly được hiện lên ở nhiều khía cạnh khác nhau: một yếu nhân văn võ song toàn, một con người với cảm nhận tinh tế sâu sắc, một người chồng, người cha nén chặt tình cảm trong lòng, một loạn thần thâm hiểm tàn bạo. Khát khao cách tân của Hồ Quý Ly cũng gây ra những phản ứng trái chiều: Trong con mắt của Trần Khát Chân, Đoàn Xuân Lôi, Nguyên Hàng thì đó là chính sách trái với lề lối tổ tiên, là dấu hiệu của âm mưu thoán nghịch; ngược lại, trước lòng ngưỡng mộ của Nguyễn Cẩn, Hán Thương thì đó là việc làm

cần thiết mà chỉ bậc minh quân trí dũng mới thực hiện được. Cũng dưới nhiều góc nhìn, nhân vật Trần Khát Chân không chỉ là một vị tướng tài ba, mưu lược, có tâm hồn nghệ sỹ và tấm lòng nhân hậu, mà còn là một kẻ tàn bạo và thủ đoạn, không ngần ngại đề nghị Sử Văn Hoa viết sách bôi nhọ Hồ Quý Ly với nguyên tắc: "để tiêu diệt kẻ thù thì ta có quyền làm tất cả, ngay cả dựng nên sự việc…"

Với khả năng nhập vai của mình, nhân vật "tôi" đã thuật lại những cuộc đối thoại mà mình là người được tham dự để người đọc tự nhận xét, đánh giá, bình luận. Nhờ cách thức trần thuật này, vai trò của độc giả được nâng lên, một mặt người đọc tin hơn vào câu chuyện được kể, mặt khác những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử hiện lên đầy chân thực. Tất cả đều được soi chiếu từ nhiều phía, bộc lộ dưới nhiều quan điểm khác nhau. Cái được kể là một hiện thực đầy biến động, không thuần nhất trong suy cảm của mỗi người.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 87 - 89)