Giai đoạn từ sau 1975 đến nay

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 27 - 30)

6. Cấu trúc luận văn

1.1.2.3.Giai đoạn từ sau 1975 đến nay

Trong không khí sôi nổi và dân chủ của văn học nước nhà thời kì đổi mới, tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử cũng có sự vận động, phát triển mạnh mẽ, thực sự gây ấn tượng đối với độc giả. Cách nhìn nhận về lịch sử, quan niệm về lịch sử của các nhà văn đa dạng hơn. Lịch sử không còn là "những xác chết và những sự cố biên niên u lì" mà được thổi vào tinh thần, hơi thở của cuộc sống hiện đại. Chất liệu lịch sử được xử lí khác nhau ở mỗi nhà văn, nhưng nhìn chung các tác giả đều cố gắng tìm kiếm những hướng đi mới, vượt thoát khỏi lối viết truyền thống.

Trong khoảng thời gian từ 1975 đến những năm 80, từ khuynh hướng sử thi và cảm hứng anh hùng, văn học trở về quỹ đạo đời thường với cảm hứng thế sự đời tư nên tiểu thuyết lịch sử gần như không được chú ý. Phải đến tận những năm 90 của thế kỉ XX, thể loại này mới có dấu hiệu chuyển động với số lượng nhiều và phong phú, chứng tỏ dòng mạch lịch sử vẫn tiếp tục chảy trong văn học đương đại. Ngô Văn Phú lần lượt cho ra mắt các cuốn tiểu thuyết Ngôi vua và những chuyện tình, Người đẹp ngậm oan, Tuyên phi

họ Đặng,… Không chỉ làm sống lại hào khí Đông A trong một giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc, Ngô Văn Phú còn đem đến cho tiểu thuyết lịch sử những đề tài hấp dẫn như viết về những người phụ nữ nhiều danh tiếng và tai tiếng trong lịch sử hay những chuyện thâm cung bí sử. Hoàng Công Khanh cũng ra mắt công chúng bạn đọc tác phẩm Vằng vặc sao Khuê, tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1999. Cuộc đời và nhân cách Nguyễn Trãi cùng vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc được tác giả soi tỏ bằng những trang viết giàu cảm xúc và sự hư cấu hợp lý đã gây ấn tượng và thu hút sự chú ý của người đọc.

Bên cạnh những tiểu thuyết lịch sử ra đời trong nước, văn chương hải ngoại cũng xuất hiện nhiều cây bút viết tiểu thuyết lịch sử như Nguyễn Mộng Giác với Sông Côn mùa lũ (1981); Nam Dao với Gió lửa (1999). Đây là những tác phẩm viết về hình tượng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cùng với phong trào Tây Sơn đã nhận được những lời khen ngợi, đánh giá cao của các nhà phê bình cũng như của các độc giả trong và ngoài nước. Ngoài ra, độc giả còn được biết đến bản dịch cuốn tiểu thuyết lịch sử Vạn Xuân của nữ sĩ Y. Féray người Pháp, viết về người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Trãi, tác phẩm đã để lại một dấu ấn đậm nét trong bức tranh tiểu thuyết lịch sử. Từ điểm nhìn văn hoá phương Tây và một cách viết khá mới lạ, tác phẩm đã thổi "một luồng gió mới mẻ" vào không khí tiểu thuyết lịch sử nước nhà. Cuốn sách khép lại sân khấu tiểu thuyết lịch sử thế kỷ XX là tiểu thuyết Hồ Quý Ly

của Nguyễn Xuân Khánh, một tác phẩm đã gây được sự chú ý của đông đảo người đọc và giới nghiên cứu, phê bình văn học.

Nhìn một cách khái quát, tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này vẫn được các nhà văn đảm bảo tính chân thực lịch sử và hư cấu, sáng tạo thêm nhằm mục đích tái hiện lịch sử một cách sống động, đưa ra những kiến giải về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Các tác phẩm có khả năng bao quát hiện thực khá tốt, kết hợp với hư cấu linh hoạt nhưng chưa thực sự có những đột phá, mới mẻ. Thành công của những tác phẩm kể trên đã khẳng định được sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử vào những năm cuối thế kỷ XX.

Bước sang thế kỷ XXI, tiểu thuyết lịch sử có những bước đột phá, với sự xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị và nhận được những giải thưởng lớn. Đó là các tác phẩm: Giàn thiêu của Võ Thị Hảo (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2004); Mẫu Thượng ngàn (Giải thưởng Hội Nhà văn, 2006) của Nguyễn Xuân Khánh; Con ngựa Mãn Châu (2001) và Hội thề (Hội nhà văn trao tặng giải A, giải thưởng văn xuôi, 2010) của Nguyễn Quang Thân;… Đặc biệt, trong số những tiểu thuyết xuất hiện ở thế kỉ XXI, chúng ta không thể không nhắc đến hai bộ tiểu thuyết Bão táp triều TrầnTám triều vua Lý

của Hoàng Quốc Hải.

Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm 4 tập (Bão táp cung đình, Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận, Vương triều sụp đổ) xuất bản lần đầu năm 2003 và đã được tái bản nhiều lần. Năm 2008, bộ tiểu thuyết lịch sử này nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Lần tái bản năm 2010, bộ tiểu thuyết tiếp tục được nhà văn Hoàng Quốc Hải bổ sung thêm hai tập mới: Đuổi quân Mông - Thát Huyết chiến Bạch Đằng. Với việc thêm 2 tập mới, bộ sách trở nên liền mạch từ khi nhà Trần ra đời cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử 175 năm tồn tại. Bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý gồm 4 tập (Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh) viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009 - 1225) trải dài 216 năm trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Ở bộ tiểu thuyết này, nhà văn Hoàng Quốc Hải không chỉ bám sát các sự thật lịch sử, phản ánh trung thực lịch sử mà còn tiếp cận lịch sử ở tầm cao hơn, đó là lý giải lịch sử. Với hai bộ tiểu thuyết lịch sử này, Hoàng Quốc Hải không chỉ dựng lên bức tranh toàn cảnh về hai thời đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý và thời Trần, mà còn khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa Việt cùng các bài học lịch sử, thức dậy mạnh mẽ hồn thiêng sông núi, khí phách cùng niềm tự hào dân tộc Việt Nam.

Trên chặng đường phát triển của văn học dân tộc, tiểu thuyết lịch sử đã hình thành, phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại đưa đến cho người đọc những cảm thức mới. Tuy mỗi nhà văn khai thác đề tài

lịch sử theo cách riêng của mình, nhưng hầu hết các tác giả đều xem việc tái hiện chính xác lịch sử là mục đích chính hoặc coi lịch sử là một cái cớ để chuyển tải những thông điệp nghệ thuật của mình. Sử dụng chất liệu lịch sử, bao giờ người viết cũng thể hiện những quan niệm riêng của mình về thể loại. Quan niệm đó sẽ chi phối cách xây dựng kết cấu tác phẩm, nhân vật, ngôn ngữ và cách trần thuật của nhà văn. Do đó, có thể nói, sự hình thành thể loại lịch sử, trong đó có tiểu thuyết lịch sử, có ý nghĩa lớn đối với văn học, nâng cao ý thức lịch sử và đưa con người hiện đại trở về với lịch sử nước nhà.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 27 - 30)