6. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Tái hiện chân thực, sinh động giai đoạn lịch sử bi thương
So với Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải, tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh không có quy mô đồ sộ bao quát cả một vương triều trong lịch sử. Nếu ví hai bộ tiểu thuyết trường thiên của Hoàng Quốc Hải là những cuốn biên niên ký lịch sử về hai vương triều Lý - Trần, thì Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh lại là một lát cắt, một khúc cua của lịch sử Đại Việt. Đó là giai đoạn 30 năm cuối cùng của vương triều Trần, một vương triều lẫy lừng chiến công chống giặc giữ nước trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc (1370 – 1400).
Ba mươi năm trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, đó là khoảng thời gian không dài. Nhưng vào thời điểm ấy, lịch sử Đại Việt lại diễn ra nhiều biến cố, mang tính bước ngoặt. Triều Trần sau gần 200 năm tồn tại và phát triển đã hết vai trò lịch sử, vương triều Hồ đã ra đời, nhưng lòng người
không thuận. Nhiều mâu thuẫn, xung đột nổ ra dữ dội, mà bao trùm lên là giữa tư tưởng cách tân và bảo thủ. Trên cái nền lịch sử ấy, Hồ Quý Ly đã xuất hiện và trở thành một nhân vật lịch sử. Bằng cái nhìn của một nhà khảo cứu lịch sử và sự nhạy cảm, tinh tế, trí tưởng tượng phong phú của một nhà tiểu thuyết, Nguyễn Xuân Khánh đã tái hiện một cách chân thực, sinh động các sự kiện, biến cố mang đến cho độc giả cảm giác được sống lại không khí vừa hào hùng vừa bi thương của nước Đại Việt những năm cuối thế kỉ XIV. Tác phẩm gồm 13 chương, được cấu trúc theo kiểu chương hồi, mỗi chương được tóm lược bằng một sự kiện lớn, mỗi hồi (được đánh số thứ tự) là một chi tiết, sự kiện nhỏ. Lối kết cấu này đã khiến cho các sự kiện, chi tiết lịch sử hiện lên một cách tự nhiên, gần với biên niên sử. Sự kiện đầu tiên được tái hiện trong tác phẩm là cảnh nhân dân vui vẻ với không khí hội thể Đồng Cổ. Tiếp đến là sự kiện Hồ Quý Ly kết làm thông gia với Trần Nguyên Hàng. Sự kiện này gắn liền với biến cố Quỳnh Hoa chết khi trở dạ, để lại nỗi đau lớn cho Hồ Nguyên Trừng. Tuy nhiên, sự kiện có ý nghĩa như một biến cố, mang tính bước ngoặt, làm thay đổi vận mệnh nhà Trần chính là việc ông vua già Trần Nghệ Tông băng hà, truyền ngôi cho con trai là Trần Thuận Tông. Ở sự kiện này, tác giả có nhắc đến một số biến cố liên đới như: "loạn phường chèo" ở đời vua Dụ Tông, Dương Nhật Lễ lên ngôi hoang dâm vô độ, Trần Nghệ Tông dành lại ngôi báu, ở ngôi trong một thời gian ngắn, liền quyết định truyền lại cho em là Trần Duệ Tông. Trần Duệ Tông chết trong trận đánh với Chế Bồng Nga. Con trai Trần Duệ Tông là Trần Phế Đế lên ngôi, nhưng vị vua này sau đó đã bị Nghệ Tông giết.
Trong những ngày cả Thăng Long đang chìm vào tang tóc trước cái chết của ông vua già, thì một biến cố lớn đã xảy ra, đó là việc Nguyên Uyên và Nguyên Dận bị xử trảm vì tội cầu cứu nhà Minh sang tiêu diệt Hồ Quý Ly. Tiếp sau sự kiện này là việc Trần Khát Chân được phong hầu, nhận nhiệm vụ đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khát Chân thắng trận trở về, mang theo thủ cấp của vua Chế Bồng Nga. Trong sự kiện lớn này, tác giả lại nhắc đến các biến cố nhỏ như Trần Nguyên Diệu theo giặc bị chặt đầu, Đa Phương (con
trai thầy dạy của Hồ Quý Ly) bất cẩn trong lời nói và thái độ nên bị Hồ Quý Ly giết, Phạm Sư Ôn xưng vương, tạo phản nhưng thất bại, cuối cùng bị giết chết. Để tăng kịch tính cho tác phẩm, Nguyễn Xuân Khánh đã để cho Trần Khát Chân xếp đặt sự gặp gỡ giữa Hồ Nguyên Trừng và kĩ nữ Thanh Mai (con nuôi Trần Khát Chân). Đây là sự kiện được tạo ra nhằm thúc đẩy cho biến cố và mâu thuẫn giữa các nhân vật phát triển. Sau sự kiện này, một sự kiện khác cũng mang tính xếp đặt đó là sự kiện vua Thuận Tông lấy con gái Hồ Quý Ly là Thánh Ngẫu, sinh ra thái tử Trần An. Sự kiện Phạm Sinh con trai Phạm Sư Ôn tìm cách tiếp cận Hồ Quý Ly là một trong những sự kiện mang tính chất trả thù được Nguyễn Xuân Khánh miêu tả khá tỉ mỉ. Cùng với sự kiện này là sự kiện Nguyễn Cẩn kể lại việc "tịnh thân" của mình để lấy lòng tin với Hồ Quý Ly cho Phạm Sinh nghe. Với sự hiểu biết của mình, Phạm Sinh hiểu rõ Nguyễn Cẩn muốn gì. Nhưng là một kẻ sĩ nắm bắt được thời cuộc, Phạm Sinh đã cùng người yêu bỏ trốn, dừng lại ý định trả thù cho cha, cho thầy, cho muôn dân. Nối tiếp sự kiện trên, Nguyễn Xuân Khánh đã nhắc đến sự kiện hai vợ chồng Sử Văn Hoa bị thảm sát một cách man rợ, nhưng ai là kẻ ra tay sát hại nhà chép sử thì vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Tiếp đến là sự kiện Thuận Tông chán ghét cảnh làm vua, lên núi tu tiên. Lợi dụng việc này, Hồ Quý Ly ép Thuận Tông nhường ngôi cho Trần An khi Trần An mới ba tuổi. Không dừng lại ở đó, sợ trăm họ vẫn hướng về nhà Trần, Hồ Quý Ly liền sai người bắt vua Thuận Tông ăn bát canh sâm có thuốc độc. Đây là biến cố lớn, tàn ác khiến lòng dân hoang mang, các quan trong triều nung nấu ý định phục thù.
Sự kiện cuối cùng và cũng là sự kiện kết thúc tác phẩm, đó là sự kiện muôn dân háo hức chào đón hội thề Đốn Sơn. Hội thề diễn ra cùng với việc dời đô về Tây Đô (Thanh Hoá) của Hồ Quý Ly. Vì thế, sự kiện này dẫn đến một biến cố lớn cho lịch sử lúc bấy giờ, đó là việc Trần Khát Chân cùng các thuộc hạ của mình chuẩn bị ra tay giết Hồ Quý Ly thì sự việc bị bại lộ, Trần Khát Chân cùng đồng đảng bị chặt đầu cắm vào cọc treo ở hai bên đường cho mọi người nhìn thấy. Cuối cùng hội thề phải huỷ bỏ.
Qua việc chỉ ra các sự kiện, các biến cố chính của tác phẩm, có thể thấy, các sự kiện, biến cố này không mang tính liệt kê mà mang tính chọn lọc. Nguyễn Xuân Khánh đã để cho sự kiện, biến cố xuất hiện trong tác phẩm với mật độ dày đặc, gần như sự kiện nào cũng được đề cập một cách chi tiết, thậm chí có những sự kiện được trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm. Một số sự kiện tuy có thêm thắt một số chi tiết cho sinh động nhưng vẫn được giữ nguyên mốc thời gian trong chính sử để tái hiện lại trong tác phẩm. Một số sự kiện khác lại được tác giả lấy trong chính sử nhưng mốc thời gian thì đã bị xáo trộn. Lại có sự kiện tác giả chỉ lấy mốc thời gian, còn sự kiện, nhân vật đều được hư cấu. Nhưng dù khai thác sự kiện ở góc độ nào Nguyễn Xuân Khánh đều không quên dính kết, xâu chuỗi các sự kiện, biến cố lại với nhau để làm nên một câu chuyện có thật trong lịch sử, trọn vẹn về nội dung và tư tưởng.