Giới thuyết khái niệm

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 100 - 101)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.1.Giới thuyết khái niệm

Nhà văn Lep Tônxtôi từng cho rằng, "cái khó nhất khi bắt tay vào một tác phẩm mới không phải là chuyện đề tài, tư liệu, mà là phải chọn được giọng điệu thích hợp" [57, 216]. Với tư cách một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng cấu thành phong cách nhà văn, giọng điệu là vấn đề đã được các nhà nghiên cứu, các tác giả quan tâm, chú ý.

Đọc tác phẩm, điều phải nhận ra là giọng điệu của nhà văn, vì đây cũng chính là cái phân biệt tác giả này với tác giả khác. Theo Trần Đình Sử: "Nếu như trong đời sống ta thường chỉ nghe giọng nói là nhận ra con người thì trong văn học cũng vậy. Giọng điệu giúp ta nhận ra tác giả. Có điều giọng điệu ở đây không giản đơn là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói, mà là một giọng điệu mang nội dung tình cảm, thái độ ứng xử trước các hiện tượng đời sống" [76, 112]. Hay nói cách khác, "giọng điệu bắt nguồn từ bản chất đạo đức của tác giả" [76, 112], "phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả" [76, 134]. Điều đó cho thấy ý nghĩa quan trọng của giọng điệu trong toàn bộ kết cấu tác phẩm, nó làm nên phong cách, cái tôi của mỗi nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, có thể nói nếu cá tính nhà văn mờ nhạt thì không tạo được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng cho tác phẩm.

Trong lịch sử văn học, những tác phẩm có giá trị, giọng điệu thường rất đa dạng, có nhiều sắc thái, song vẫn dựa trên một giọng điệu cơ bản, chủ đạo. Đó là giọng điệu thể hiện tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật. Không thể có giọng điệu, nếu tác giả không có những rung động sâu sắc, những nỗi đau, những xót xa trước thân phận con người, không sẻ chia với họ niềm vui

và tình yêu cuộc sống,…Chỉ một khi thực sự rung động, chỉ một khi trái tim đập những mạch đập chân thành, nồng nhiệt, người nghệ sĩ mới tạo được tiếng nói đích thực của riêng mình. "Mọi sự giả giọng, mượn giọng, lặp lại giọng của người khác, nếu không nhằm để tạo nên một "chất" mới thì đó chỉ là cái nhăn mặt của Đông Thi mà thôi. Nó không bao giờ vươn tới được cái chau mày của Tây Thi" [24, 13].

Trong văn xuôi tự sự nói chung, tiểu thuyết nói riêng, giọng điệu trần thuật giữ vai trò quan trọng trong việc sắp xếp, liên kết, phối hợp các yếu tố hình thức với nhau để tạo nên tác phẩm. Đồng thời, giọng điệu không ngừng được sáng tạo bởi mối quan hệ, lập trường, tư tưởng, thái độ của người kể chuyện với các đối tượng được miêu tả trong tác phẩm. Đối với nhà văn hiện đại, giọng điệu không chỉ là yếu tố hàng đầu tạo phong cách mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức tác phẩm. Qua giọng điệu, chiều sâu tư tưởng, thái độ, tình cảm, vị thế, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của nhà văn đều được bộc lộ một cách rõ nét.

Như vậy, giọng điệu của tác phẩm được tạo ra bởi một "bức vẽ" phức tạp của từ ngữ, đồng thời cũng là thước đo không thể thiếu để xác định thần thái và phong cốt của người nghệ sĩ. Nhà văn chỉ có thể nói một lời nói mới mẻ khi tạo được "tiếng nói của mình", và tiếng nói đó càng mạnh bao nhiêu, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ xác thực và rõ nét bao nhiêu thì cống hiến của nhà văn vào nghệ thuật càng lớn bấy nhiêu. "Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật" [32, 134-135].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 100 - 101)