Những xu hướng tìm tòi, thể nghiệm của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 30 - 35)

6. Cấu trúc luận văn

1.1.3. Những xu hướng tìm tòi, thể nghiệm của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ

Việt Nam trong thập niên đầu thế kỉ XXI

Trên thế giới tồn tại nhiều trường phái viết tiểu thuyết lịch sử. Còn ở Việt Nam, nhìn chung, tiểu thuyết lịch sử được viết theo hai khuynh hướng:

Thứ nhất, kế thừa lối viết truyền thống, tôn trọng lịch sử. Trên cơ sở sự kiện, chi tiết, nhân vật lịch sử, tái tạo bức tranh lịch sử một cách sống động. Nhiều tác giả đi theo hướng này và đã có những thành công như Hoàng Công Khanh, Hoàng Quốc Hải, Lê Đình Danh,… Thứ hai, không quá lệ thuộc vào các tư liệu lịch sử và cũng không bị chi phối nhiều bởi quan niệm lịch sử truyền thống mà sáng tạo lại lịch sử, nhào nặn lại lịch sử theo tinh thần hiện đại. Rất nhiều nhà văn đã lựa chọn hướng này như Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo,…

Tuy nhiên, dù viết theo khuynh hướng nào thì các tác giả đều có ý thức tìm tòi, đổi mới trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, đem lại sự hấp dẫn cho thể loại tiểu thuyết lịch sử. Về mặt nội dung, khi lựa chọn các đề tài lịch sử, các tác giả không dừng lại ở một chủ đề quen thuộc là ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc, tôn vinh những vị anh hùng. Thay vào đó là mở rộng hệ thống chủ đề, đa dạng, phức tạp hơn. Chúng ta có thể thấy điều này qua Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Gió lửa của Nam Dao, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Vằng vặc sao Khuê của Hoàng Công Khanh,... Ở những tác phẩm này, những vấn đề thế sự, đời thường như khát vọng tình yêu đôi

lứa, hạnh phúc gia đình, khát vọng về tự do, trăn trở về số mệnh đất nước, vấn đề đổi mới hay bảo thủ… được quan tâm sâu sắc và đan xen, hoà quyện trong nhau tạo nhiều dư ba và suy tư trong lòng người đọc. Sự mở rộng chủ đề trong tiểu thuyết lịch sử đương đại đã thể hiện một quan niệm dân chủ, uyển chuyển hơn về thể loại, mở rộng phạm vi khám phá và giúp nhà văn có thể phát huy đúng sở trường.

Cùng với sự mở rộng hệ thống chủ đề, phạm vi hiện thực được phản ánh trong tiểu thuyết lịch sử đương đại cũng được mở rộng hơn. Các nhà văn không chỉ tái hiện lịch sử trên bề mặt các sự kiện mà còn soi chiếu ở nhiều góc nhìn, ở cả bề sâu, bề xa. Những vùng "khuất tối" của lịch sử được trình bày, những bí ẩn và xung đột của lịch sử được phân tích, để rồi lịch sử được lắng kết ở chiều sâu số phận con người. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Giàn thiêu, Võ Thị Hảo đã khám phá con người thật của nhân vật Nguyên Phi Ỷ Lan qua hành động ra lệnh thiêu sống Hoàng hậu họ Dương và bảy mươi sáu cung nữ. Việc bà xây chùa, thờ Phật chẳng qua chỉ là sự sám hối, sự "hối lộ" Đức Phật mong con trai bà có con nối dõi.

Trong nhiều tác phẩm, lịch sử còn được soi rọi từ góc nhìn văn hoá, nhằm làm sáng tỏ cội nguồn văn hoá của các sự kiện lịch sử. Các tác phẩm như Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải không chỉ đầy ắp những bức tranh lịch sử sinh động mà còn làm sống dậy cả một bề dày văn hoá Việt. Đọc những tác phẩm này, người đọc thực sự bị thuyết phục, lôi cuốn bởi những đánh giá, lý giải về lịch sử của nhà văn. Phản ánh, soi chiếu lịch sử từ nhiều góc nhìn, các tác giả đem đến cho người đọc những nhìn nhận, đánh giá mới về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Chính vì thế, trong tiểu thuyết lịch sử đương đại, cảm hứng minh họa đã được thay thế bằng cảm hứng nhận thức, cảm hứng triết luận. Bên cạnh việc đổi mới về nội dung, tiểu thuyết lịch sử đương đại cũng không ngừng nỗ lực tìm kiếm những hình thức nghệ thuật mới. Cùng với hình thức kết cấu biên niên, các tác giả đã cố gắng vượt thoát khỏi những công thức sáng tác truyền thống, cứng nhắc bằng những hình thức kết cấu

mang tính linh hoạt, ngẫu hứng. Kết cấu phổ biến trong các tiểu thuyết lịch sử đương đại là kiểu kết cấu lắp ghép, đồng hiện theo dòng chảy ý thức. Bên trong mỗi tác phẩm chứa đựng nhiều cuốn tiểu thuyết nhỏ về cuộc đời, số phận từng nhân vật. Ưu thế của văn chương đã cho phép người viết xáo trộn, đảo ngược các sự kiện tạo nên kết cấu rời rạc, lỏng lẻo. Cốt truyện như là sự lắp ghép các mảnh biến cố, sự kiện. Kiểu kết cấu này làm cho cốt truyện trở nên co giãn, linh hoạt và tiểu thuyết lịch sử trở thành một bản giao hưởng nhiều bè. Đồng thời tác phẩm trở thành một cấu trúc mở, giàu tính đối thoại và đạt hiệu quả thẩm mỹ. Đây là cách tân nghệ thuật nổi bật của tiểu thuyết lịch sử đương đại. Chúng ta có thể bắt gặp kiểu kết cấu này ở rất nhiều tác phẩm như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Gió lửa

của Nam Dao, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo,…

Viết tiểu thuyết lịch sử, các tác giả ít nhiều đều sử dụng những yếu tố hư cấu. Sự gia tăng các yếu tố hư cấu đã dẫn tới sự xuất hiện trở lại của bút pháp huyền thoại trong văn học. Giàn thiêu của Võ Thị Hảo là một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà ở đó yếu tố dã sử, huyền thoại dày đặc. Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh với ba kiếp luân hồi. Rồi từ mạch chuyện chính ấy, các huyền thoại khác ra đời. Nhuệ Anh là nhân vật mang ý nghĩa biểu trưng cho tình yêu thuần khiết, nàng gắn liền với huyền thoại về những ngọn gió, những hạt mưa mang đến cho thế giới khô cằn sự sống trong trẻo, mát lành. Nàng sống bằng sức sống của huyền thoại nên dù lao mình xuống thác Oán sông Gâm thì rồi Nhuệ Anh vẫn trở lại với cuộc đời. Ngạn La lại là huyền thoại về một sự sống - một vẻ đẹp trong trẻo, hồn nhiên, bất diệt, nàng mãi là trinh nữ dù dưới hình hài của cô bé bắt cua hay cung nữ mèo hoang. Cuối cùng, trên giàn thiêu nàng trở về với lòng mẹ vẫn vẹn nguyên là trinh nữ.

Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, tiểu thuyết lịch sử đương đại cũng có những tìm tòi, đổi mới. Trước đây, các nhân vật lịch sử được miêu tả trong những sự kiện, biến cố lịch sử, nghĩa là họ chỉ được xem xét trong những giờ phút họ đóng vai trò lịch sử. Khắc phục nhược điểm này, nhiều tác

giả tiểu thuyết lịch sử đương đại dường như không chú ý mấy tới các sự kiện, biến cố lịch sử mà quan tâm đến những biến cố ở trong con người, nhờ vậy đã xây dựng được những nhân vật có sức sống nội tại tạo nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm. Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác là con người hành động, con người của những chiến công hiển hách nhưng ông cũng là người có nhiều suy tư và có những rung cảm thầm kín rất chân thật. Con người tưởng chừng như chỉ biết có chiến đấu và chiến thắng ấy chứa đựng một tình yêu mãnh liệt đối với An. Có lẽ nỗi đau lớn đầu tiên trong cuộc đời Nguyễn Huệ là bất ngờ phải chứng kiến cảnh người yêu đi lấy chồng. Bề ngoài Nguyễn Huệ vẫn tỏ ra bình tĩnh, gương mặt không biến đổi dữ dội nhưng trong lòng đang chịu những dày vò, tiếc nuối. Cùng với Nguyễn Mộng Giác, nhà văn hải ngoại Nam Dao với tiểu thuyết Gió lửa cũng đã xây dựng hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ nhưng có tính chất tổng hợp hơn. Nguyễn Huệ trong tác phẩm được mô tả là một con người dị tướng, hình dáng xấu xí, tính cách hung bạo (thể hiện đoạn đêm hợp cẩn với Ngọc Hân) nhưng đồng thời cũng là người biết nhìn xa trông rộng, có tư tưởng cấp tiến, có cái nhìn vượt thời đại. Khi trở thành hoàng đế, Nguyễn Huệ là một minh quân sáng suốt, có tư tưởng cải cách, chịu nhịn đói để hiểu nỗi khổ của dân. Trước khi chết, biết mình bị người vợ cả đầu độc nhưng sẵn sàng tha thứ,… Ở đây nổi lên một Nguyễn Huệ đi tìm chân lí, một triết gia hơn là một ông vua quyền uy. Có một Nguyễn Huệ với những tính cách trái ngược ấy bởi Nam Dao cũng như Nguyễn Mộng Giác chủ trương "căn bản của tiểu thuyết là chuyện thế sự, là chuyện con người và cuộc đời". Nhà văn không nhìn Nguyễn Huệ như một vĩ nhân mà nhìn Nguyễn Huệ dưới góc nhìn một con người thế sự. Cho nên Nguyễn Huệ trong Gió lửa đã mất đi cái thần tượng vốn có chỉ còn lại nhân vật hư cấu như bao nhiêu nhân vật khác để chuyển tải cái luận đề của nhà văn xem lịch sử như một cái gì chưa hoàn tất. Quan tâm tới vấn đề lịch sử ở trong con người là một hướng tìm tòi mới của các nhà văn. Nó giúp các tác giả đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật và

có cái nhìn đa diện hơn về con người, tạo nên những hình tượng nhân vật giàu sức sống.

Cùng với nghệ thuật xây dựng nhân vật, các nhà văn cũng đã chú ý hơn vấn đề ngôn ngữ và giọng điệu trong tác phẩm. Hầu hết các tác giả đã làm mới ngôn ngữ, giọng điệu bằng cách pha trộn lớp ngôn ngữ cổ kính, quan phương với lớp ngôn ngữ đời thường nhưng giàu chất hiện đại, đồng thời có sự phức hợp, đa thanh về giọng điệu. Điều này giúp cho người đọc đến gần hơn với lịch sử nước nhà qua những nhân vật lịch sử cụ thể.

Sau năm 1986, tiểu thuyết lịch sử đã có nhiều tìm tòi, thể nghiệm táo bạo. Một trong những đổi mới tạo nên thành công cho thể tài này chính là việc thay đổi ngôi kể một cách phóng túng, khi có sự xuất hiện của nhân vật lịch sử được trao vai người kể chuyện xưng "tôi". Có thể nói, đây là một hiện tượng mới, lạ của tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Thông qua người kể chuyện, nhà văn có điều kiện thâm nhập sâu vào mọi hoàn cảnh khác nhau của nhân vật, sự kiện để miêu tả, xem xét, đánh giá các nhân vật, sự kiện được phản ánh. Nhân vật lịch sử đóng vai trò người kể chuyện xưng "tôi" xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nhân vật này có khi trực tiếp tham gia câu chuyện được kể về mình, có khi kể lại một câu chuyện mà mình chứng kiến hoặc nghe người trong cuộc kể lại. Qua lời kể của nhân vật xưng "tôi", các chi tiết trong truyện trở nên khách quan, chân thật, tạo độ tin cậy hơn với người đọc bởi "tôi" là người trực tiếp chứng kiến, tham gia câu chuyện. Kiểu nhân vật này xuất hiện trong các tác phẩm Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh (với nhân vật xưng "tôi" Hồ Nguyên Trừng, Nguyên Hàng, Trần Khát Chân,..), Giàn thiêu của Võ Thị Hảo (nhân vật tự giãi bày nỗi niềm, cảm giác như nhân vật Từ Lộ, Nhuệ Anh,…) đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật rõ rệt, giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử trong con người và lịch sử đời sống khi toàn bộ sự kiện và nhân vật lịch sử hiện lên tươi nguyên, sống động như đang tồn tại, đang diễn ra trước mắt người đọc.

Có thể nói, những xu hướng đổi mới, tìm tòi trên con đường làm mới mình của tiểu thuyết lịch sử đương đại là điều không thể phủ nhận. Sự hấp

dẫn trở lại của một số tiểu thuyết lịch sử trong thời gian gần đây đã mở ra những hướng đi mới, nhiều hứa hẹn cho thể loại này. Chúng ta có cơ sở để hi vọng rằng, tiểu thuyết lịch sử sẽ ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc hôm nay và mai sau.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w