Nhân vật và vai trò nhân vật trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 63 - 64)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Nhân vật và vai trò nhân vật trong tiểu thuyết

Trong một tác phẩm văn học, nhân vật là sự biểu hiện khả năng chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật cùng với tư tưởng nghệ thuật, lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Do nhân vật có vị trí như vậy nên nhiều nhà văn rất coi trọng việc xây dựng nhân vật trong quá trình sáng tác. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực.

Theo soạn giả Lại Nguyên Ân trong Từ điển văn học (bộ mới), "nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người; nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy. Ý nghĩa của nhân vật văn học chỉ có được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể" [36, 1254-1255].

Với thể loại tiểu thuyết, nhân vật luôn được xem là một yếu tố quan trọng vì tiểu thuyết ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống

xã hội còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là yếu tố chi phối các yếu tố khác của nghệ thuật biểu hiện nhân vật. Chính vì thế Trần Đình Sử đã khẳng định: "nhân vật là hình thức miêu tả con người một cách tập trung nhất" [76, 26]. Nhân vật trong tiểu thuyết có vai trò khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gắn liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm, cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn đã lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết để bộc lộ quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vậy, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời. B.Brecht từng cho rằng: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả" [28, 18].

Có thể nói, nhân vật là một trong những phương diện đặc sắc, thể hiện tư duy nghệ thuật, đánh dấu sự trưởng thành của nhà văn trên hành trình sáng tạo của mình. Và như thế, mỗi nhà văn sẽ có con đường riêng, lối đi riêng để chiếm lĩnh đời sống. Cũng chính vì vậy, văn học không thể thiếu nhân vật. Nhân vật tồn tại trong tác phẩm có vai trò triển khai cốt truyện, tái hiện những tính cách tiêu biểu của thời đại và cũng là phương tiện để nhà văn khái quát đời sống. Nghĩa là những điều nhà văn muốn nói về con ngưòi đều được kí thác, gửi gắm qua hình tượng nhân vật. Sức sống của nhân vật làm nên vinh quang cho tên tuổi của nhà văn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 63 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w