Kết cấu chương hồ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 52 - 54)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.1. Kết cấu chương hồ

Kết cấu chương hồi là kiểu kết cấu cổ điển và chỉ có trong tiểu thuyết. Ở Trung Quốc, kiểu kết cấu chương hồi rất phổ biến thời Minh - Thanh với hàng loạt bộ tiểu thuyết trường thiên nổi tiếng, như: Tam quốc diễn nghĩa

của La Quán Trung gồm 120 hồi; Thuỷ hử của Thi Nại Am gồm 70 hồi;

Tây du ký của Ngô Thừa Ân gồm 100 hồi,… Ở Việt Nam, tiểu thuyết ra đời muộn, đến thế kỷ XVIII mới phát triển thể loại tự sự này theo kiểu kết cấu chương hồi như tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Cho đến văn học đương đại, tiểu thuyết Việt Nam phát triển rực rỡ, đạt nhiều thành tựu cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Trong đó, kết cấu của tiểu thuyết cũng có nhiều đổi mới nhưng kết cấu chương hồi vẫn là kiểu kết cấu được ưu tiên trong hàng loạt tiểu thuyết lịch sử như: Sông Côn mùa của Nguyễn Mộng Giác gồm 102 chương (1442 trang), Gió lửa của Nam Dao gồm 13 chương, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh gồm 70 chương (778 trang), Hoàng đế Quang Trung của Nguyễn Thu Hiền gồm 19 chương (658 trang), Bão táp cung đình của Hoàng Quốc Hải gồm 29 chương,… Những dẫn chứng trên đây cho thấy, kết cấu chương hồi là kiểu kết cấu cơ bản dành cho tiểu thuyết (chỉ ở những tiểu thuyết có dung lượng lớn, còn những tiểu thuyết có dung lượng ngắn không sử dụng kiểu kết cấu này). Mặt khác, tiểu thuyết kết cấu chương hồi không hạn định số chương, mà tuỳ thuộc vào nội dung tác giả sẽ ấn định số chương phù hợp. Ngoài ra, trong mỗi chương lại có độ dài ngắn khác nhau, không theo một khuôn khổ nhất định nào cả.

Có thể thấy, Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết Hồ Quý Ly theo kết cấu chương hồi khi thể loại tiểu thuyết và kết cấu chương hồi đã có nhiều cách tân, thay đổi. Vì vậy, cùng với việc kế thừa truyền thống, Nguyễn Xuân Khánh đã sáng tạo nên những nét mới đem lại cho cuốn tiểu thuyết sức hấp dẫn riêng, ngay khi người đọc mới tiếp xúc với tác phẩm. Hình thức kết cấu chương hồi trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly trước hết được thể hiện qua số chương. Số chương của tác phẩm (gồm 13 chuơng, 802 trang) nằm ở mức

trung bình, phù hợp với nội dung phản ánh. Nếu như số trang trong mỗi chương ở các tiểu thuyết chương hồi thường dao động từ 30 đến 40 trang thì trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly lại dao động từ 37 đến 95 trang. Cụ thể chương I ngắn nhất, có 37 trang; chương II; III; IV; VI; VII; VIII; IX; X xê dịch từ 41 đến 53 trang, chương XIII có 61 trang, chương V; XI đều có 87 trang, riêng chương XII dài nhất, có 95 trang. Độ dài ngắn giữa các chương không đồng đều là do nội dung được phản ánh trong mỗi chương. Chẳng hạn, chương I của tác phẩm chỉ mang tính giới thiệu, chưa đi vào nội dung chính cho nên số trang ngắn, còn những chương dài như chương V, XII, XIII là những chương đề cập nhiều đến các sự kiện, biến cố cũng như số phận và cuộc đời riêng của mỗi nhân vật.

Đặc biệt, kết cấu chương hồi trong các tiểu thuyết thường được bắt đầu bằng chương và số chương (Ví dụ: Chương I, Chương II,…). Còn trong tiểu thuyết Hồ QuýLy, ngoài chương và số chương thì bắt đầu mỗi chương lại có tên đề mục của chương, nhằm định hướng khái quát cho độc giả biết trước nội dung chính của chương sẽ nói về ai, về vấn đề gì. Chẳng hạn, chương I có tên gọi Hội thề Đồng Cổ, đây là một đề mục mang tính thâu tóm nội dung chính của chương mà tác giả đề cập đến. Nội dung của chương xoay quanh hội thề Đồng Cổ có nguồn gốc từ thời vua Lý Thái Tông, được nhân dân Thăng Long hưởng ứng nồng nhiệt. Tuy bên cạnh nội dung nói về hội thề, vẫn có đan xen một số nội dung phụ khác nhưng nó chỉ có vai trò làm nền cho sự kiện chính đang diễn ra là hội thề Đồng Cổ. Cũng vậy, ở chương V, có tên gọi là Trần Khát Chân, từ tên gọi này chúng ta ngầm hiểu nội dung chính của chương xuay quanh nhân vật Trần Khát Chân từ khi còn là một vị tì tướng cho đến khi được vua Nghệ Tông, Hồ Quý Ly tin dùng, giao cho sứ mệnh cao cả là đi đánh quân Chiêm Thành, chiến thắng trở về được cất nhắc làm thượng tướng. Ngoài các sự kiện chính có liên quan đến cuộc đời Trần Khát Chân, còn có một số chi tiết khác về triều Trần, về các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành, về nhà sư nổi loạn Phạm Sư Ôn,… nhưng tất cả các

sự kiện nhỏ đó đều làm nổi bật tài năng quân sự và những chiến công của Trần Khát Chân.

Ngoài ra, trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, khi nói về các nhân vật chính hay sự kiện chính, Nguyễn Xuân Khánh thường dành trọn một chương để viết về nhân vật hoặc sự kiện ấy. Trong 13 chương thì có đến 8 chương Nguyễn Xuân Khánh kì công xây dựng các nhân vật riêng. Điều này thể hiện ngay ở tiêu đề của các chương II, III, IV, V, VI, VII, IX, X. Tuy trong mỗi chương, tác giả vẫn đề cập đến các sự kiện khác, các nhân vật khác nhưng trọng tâm vẫn là khắc họa nhân vật được chọn làm đề mục ở đầu chương. Tuỳ vào vai trò của nhân vật ấy trong tác phẩm mà tác giả xây dựng số chương riêng. Chẳng hạn, đối với nhân vật trung tâm là Hồ Quý Ly, tác giả đã dành trọn 2 chương (chương IX và chương X) để viết về cuộc đời Hồ Quý Ly từ khi ông chưa làm quan cho đến khi ông nắm được quyền lực trong tay. Với nhân vật vua Trần Nghệ Tông cũng vậy, Nguyễn Xuân Khánh đã dành hẳn 2 chương (chương III và chương IV) để viết về ông vua nhân từ, đức độ nhưng không giữ được cơ nghiệp của nhà Trần.

Như vậy, việc sử dụng sáng tạo kết cấu chương hồi đã mang lại cho tiểu thuyết Hồ Quý Ly tính chỉnh thể và khái quát cao, giúp tác giả dễ dàng tập trung nói về một vấn đề nào đó, một nhân vật nào đó mà không làm loãng nội dung cũng như không đẩy tác phẩm rơi vào gián đoạn, ngắt quãng giữa chừng.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w