Nhân vật lịch sử

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 65 - 70)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.1. Nhân vật lịch sử

Sự có mặt của những nhân vật lịch sử là tất yếu đối với bất cứ một tiểu thuyết lịch sử nào, bởi lẽ mỗi thể loại văn học đòi hỏi kiểu nhân vật nhất định cho riêng nó. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly cũng không là ngoại lệ. Có thể nói số lượng nhân vật có thật trong tác phẩm chiếm tỉ lệ rất cao (hơn 50 nhân vật) và chủ yếu đó là những nhân vật chính của tác phẩm. Ngoài hai nhân vật trung tâm là Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng, tác phẩm đã đề cập đến 5 đời vua nhà Trần: Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế và những nhân vật quan quân, tướng lĩnh nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong triều đình: Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, Trần Nguyên Uyên, Đặng Tất,… cùng những người phụ nữ có danh phận cao cả: công chúa Huy Ninh, công chúa Quỳnh Hoa, hoàng hậu Thánh Ngẫu,... đến cả nhà sư Phạm Sư Ôn nổi loạn, hay vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga,... Tất cả đều được khắc họa sinh động nhưng vẫn dựa trên cái khung của lịch sử, làm nên diện mạo chính sự từng có trong sử sách thời cuối Trần đầu Hồ. Họ hiện lên vừa như những con người của lịch sử thời bấy giờ nhưng đồng thời cũng mang những tính cách, tâm trạng và số phận của nhân vật tiểu thuyết. G.Lukacs đã từng nói: "Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao cho sự sống, còn các cá nhân lịch sử thì đang sống" [20, 131]. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã làm được điều đó. Nguyễn Xuân Khánh đã phối hợp khá nhuần nhuyễn tính chính xác sử liệu và hư cấu tưởng tượng. Hai yếu tố này được

ông sử dụng với một liều lượng vừa đủ. Nghĩa là Nguyễn Xuân Khánh không quá trung thành với nguyên mẫu lịch sử cũng không quá thiên về sự hư cấu. Qua một số nhân vật có thật xuất hiện nhiều trong tác phẩm chúng ta sẽ rõ hơn về điều này.

Trước hết, trong tác phẩm, chúng ta thấy Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng những vị vua có thật ở đời Trần. Vị vua được tác giả nói nhiều trong tác phẩm là Trần Nghệ Tông - ông vua có thực quyền cuối cùng của nhà Trần và cũng là ông vua "phải gồng đôi vai già gánh vác việc non sông" [50, 146]. Nghệ Tông hoàng đế tên húy là Trần Phủ, con thứ ba của vua Trần Minh Tông, ở ngôi vua 3 năm và làm thái thượng hoàng 27 năm cho ba đời vua: Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế và Trần Thuận Tông. Nhà Trần lúc suy vi, bắt đầu từ ông vua Trần Dụ Tông ăn chơi xa xỉ, hoang dâm vô độ. Dương Nhật Lễ nối ngôi (với loạn phường chèo) cũng hoang dâm vô độ không kém. Nhật Lễ bị giết và Nghệ Tông lên ngôi. Theo nhận xét của thầy học Chu Văn An, Nghệ Tông "là người sáng suốt nhân từ", nổi tiếng là ông vua hiền, đức độ, muốn thay đổi, chỉnh đốn cương thường trong nước nhưng lại sợ nhiễu sự, không dám làm. Ba năm trung hưng nhà Trần của Nghệ Tông, đất nước Đại Việt vô sự, lại không đói kém, mất mùa. Sau vụ xâm lấn của Chế Bồng Nga, Nghệ Tông nhường ngôi cho em trai là Trần Kính (tức Duệ Tông hoàng đế) và lên làm thái thượng hoàng, nhân dân quen gọi là Nghệ hoàng.

Duệ Tông xuất hiện trong tác phẩm rất ít. Đây là một ông vua hữu dũng vô mưu. Qua việc Sử Văn Hoa đoán giấc mộng của Duệ Tông, càng chứng tỏ con người này không xứng tầm của một bậc quân vương. Làm vua trong bối cảnh "quân Chiêm Thành do vua Chế Bồng Nga chỉ huy đã mấy lần tấn công, uy hiếp", Trần Duệ Tông không nghe theo lời khuyên can của bá quan văn võ mà vội vàng đem quân đánh Chiêm Thành, cuối cùng bị tử trận. Sau khi Duệ Tông chết, Nghệ Hoàng liền truyền ngôi cho cháu là Đế Nghiễn (tức vua Trần Phế Đế, con trai Duệ Tông). Làm vua 12 năm, vua Trần Phế Đế bị ông vua già truất ngôi rồi giết chết, Nghệ Tông cho con út là Thuận Tông lên ngôi.

Ông vua trẻ Trần Thuận Tông lên ngôi năm 1388, khi mới mười ba tuổi. Là một vị vua "giống cha một cách lạ lùng, từ khuôn mặt khôi ngô đến cái vóc dáng gày guộc, thâm trầm, từ nết chăm chỉ đọc sách đến đức độ nhân từ hiếm có, sự nhân từ mà người đời vẫn hằng ca tụng ở các đấng minh quân" [50, 156]. Nhưng thực lòng Thuận Tông không muốn làm vua, ông chỉ thích đọc sách, thích tìm hiểu về đạo, thích trở thành kẻ tu hành, muốn một cuộc đời nhàn rỗi, sống ngoài vòng cương tỏa. Tuy làm vua, nhưng mọi quyền hành trong triều đều do một tay thượng hoàng quyết định và sự can gián của Hồ Quý Ly. Sau khi ông vua già băng hà, Thuận Tông hoàn toàn bị cô lập. Dù là ông vua của một nước, lại là học trò, con rể của Hồ Quý Ly nhưng Thuận Tông cũng không tránh khỏi việc bị Hồ Quý Ly bức tử, mặc dù lúc này ông đã truyền ngôi cho con trai (vua Trần Thiếu Đế) lên núi làm kiếp tu hành.

Nhân vật có thật và cũng là nhân vật trung tâm, xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm và được Nguyễn Xuân Khánh dụng công xây dựng chính là nhân vật thái sư Hồ Quý Ly. Thuở nhỏ, Hồ Quý Ly đã là một chú bé "thông minh dĩnh ngộ,… rất có chí, đã làm gì là quyết làm cho bằng được" [50, 542]. Điều này thể hiện rõ trong việc Hồ Quý Ly rất thích chơi với lửa và "muốn một ngọn lửa không khi nào tắt". Đây cũng chính là "một bản năng khát khao thầm kín của con người muốn giữ một ngọn lửa đời đời" [50, 542] và cũng là điều dự báo về một con người có thể lay trời chuyển đất. Ngay từ chương I, Hồ Quý Ly đã xuất hiện với vai trò là quan thái sư - vị quan đầu triều luôn ở bên cạnh vua. Có thể nói với vị trí này, ông được xem là người "dưới một người trên vạn người". Nhưng đứng trước sự mục ruỗng của vua quan nhà Trần, Hồ Quý Ly không can tâm làm một chức quan yên phận. Chính vì thế ông nung nấu một sự cách tân đất nước mà ông sẽ là người toàn quyền quyết định. Với suy nghĩ này, Hồ Quy Ly đã làm được một số điều tốt cho triều đình, cho muôn dân, nhưng ông lại nhận được rất ít sự ủng hộ của bá quan văn võ cũng như của người dân. Từ đây, Hồ Quý Ly trượt dài theo vết xe đổ khi ông không lấy muôn dân làm gốc, mà chỉ vội vã đưa ra những

chính sách đổi mới đất nước theo ý riêng, để rước thêm bao kẻ thù vây quanh mình. Nhằm hướng đến mục đích tiêu diệt nhà Trần, dựng xây triều đại mới cho nhà Hồ, Hồ Quý Ly bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả việc thanh trừng anh em bên nhà vợ, giết chết con rể, ra tay với con trai thầy học của mình và thủ tiêu các quan quân, tướng lĩnh nắm những trọng trách thiết yếu trong triều đình như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng,…

Tội ác của Hồ Quý Ly không kể xiết, bởi vậy dù ông đã có những sách lược tốt đẹp mang lại lợi ích cho trăm họ nhưng ông vẫn là người cô độc, luôn đau đáu đi tìm những người tin mình và những người mình tin. Ở bề mặt chính trị là vậy, còn ở khía cạnh đời tư thì Hồ Quý Ly lại mang bi kịch của một kẻ cô đơn. Vợ mất sớm khi Hồ Nguyên Trừng ba tuổi, ông đành gửi con cho cha vợ dạy bảo, một mình bươn chải giữa chính trường khốc liệt, một mất một còn. Năm năm sau, được sự quan tâm của vua Trần Nghệ Tông, Quý Ly "tái hôn" với người phụ nữ mà ông đã từng cảm mến trong quá khứ đó là công chúa Huy Ninh (có chồng là Trần Nhân Vinh bị Dương Nhật Lễ giết) và có với nhau hai mặt con là Thánh Ngẫu và Hán Thương. Hạnh phúc không bền lâu khi bà Huy Ninh lâm bệnh ra đi. Hồ Quý Ly choáng váng và rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên với những cơn ác mộng, với những giây phút trò chuyện tâm tình bên pho tượng đá bà Huy Ninh và với cả những giọt nước mắt cay đắng xót xa cho trò đùa của số phận, bắt ông nếm trải sự cay đắng, chua chát của một kẻ đi tiên phong không gặp thời. Bằng tài năng, sự sáng tạo của mình, Nguyễn Xuân khánh đã tinh lọc, gọt dũa khiến nhân vật Hồ Quý Ly hiện lên với dáng vẻ và đời sống nội tâm chứ không chỉ đơn thuần là nhân vật "mang quân phục lịch sử để diễu hành". Xét về một phương diện nào đó, xây dựng nhân vật Hồ Quý Ly trong cái nhìn đa chiều chính là việc đưa ra những nghi vấn của tác giả trong cách nhìn nhận về con người lịch sử, câu chuyện lịch sử. Đồng thời, Nguyễn Xuân khánh muốn biện minh, chiêu thuyết cho một nhân vật mà hơn 600 năm qua vẫn để lại nhiều tranh cãi.

Một nhân vật quan trọng trong triều đình nhà Trần bấy giờ là Thượng tướng Trần Khát Chân. Vị đô tướng trẻ này tinh thông binh pháp nên được

Nghệ hoàng giao cho trọng trách tiêu diệt quân Chế Bồng Nga. Nhờ tên tạo phản Ba Lậu Kê (kẻ luôn kề cận bên vua Chiêm Thành), Trần Khát Chân đã lấy được thủ cấp Chế Bồng Nga, đại thắng quân Chiêm Thành. Nguyễn Xuân Khánh khi miêu tả nhân vật này, đã dành nhiều tình cảm và sự kính trọng. Bởi đây là một vị tướng có nghĩa khí, dù đứng về phe bảo thủ, muốn giữ vững cơ nghiệp nhà Trần nhưng Trần Khát Chân kiên quyết không cầu cứu nhà Minh, không cầu cứu ngoại bang mà cùng với các quan đại thần khác tìm cách tiêu diệt Hồ Quý Ly. Việc không thành, Trần Khát Chân cùng với hàng trăm kẻ khác bị Hồ Quý Ly "bêu đầu" ngoài cửa Tiền.

Hồ Nguyên Trừng cũng là một nhân vật có thật mà Nguyễn Xuân Khánh dày công vun đắp. Đây là nhân vật có mặt từ đầu chí cuối tác phẩm, tham gia với tư cách vừa là nhân vật vừa là người kể chuyện. Cuộc đời Hồ Nguyên Trừng là một bi kịch của người tri thức lớn. Ông thấm nhuần ý thức của một người con trung thành với cha nhưng lại muốn mưu việc lớn theo chí nam nhi, thủy chung trong tình yêu với Thanh Mai nhưng lại muốn chạy trốn khỏi cung điện nhiều cạm bẫy để đến với "núi rừng Yên Tử",.... Trong nhân vật này, luôn có sự đấu tranh giằng xé, là cầu nối giữa hai phe cách tân và bảo thủ. Hồ Nguyên Trừng vừa phải đối diện với tham vọng của cha, vừa phải đối mặt với những người ủng hộ nhà Trần, vừa tự chọn cho mình một con đường đi khác. Với Hồ Quý Ly, ông là đứa con trung hiếu, với Trần Khát Chân, ông là bạn vong niên tri kỷ, với triều đình, ông là một triều thần, là con rể của nhà vua. Chính vì đóng vai trò quan trọng trong những mối quan hệ khác nhau, cho nên Hồ Nguyên Trừng rơi vào bi kịch của kẻ luôn tự dằn vặt mình, luôn sầu não. Khi cưới công chúa Quỳnh Hoa, ông trở thành vật trao đổi, là con mồi trong tay Hồ Quý Ly và dòng họ nhà Trần. Khi đến với kĩ nữ Thanh Mai bằng tình yêu chân thành, mặn nồng thì lại vướng phải rào cản chính trị bởi Thanh Mai là con nuôi của Trần Khát Chân. Bằng ngòi bút tài hoa, Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ nên bức chân dung Hồ Nguyên Trừng sinh động. Nhân vật này đã bước ra sử sách để trở thành một nhân vật của tiểu thuyết lịch sử. Đó là một con người có tư chất nghệ sỹ, có tâm hồn phóng

khoáng và hiểu rất rõ sự được thua trong cõi nhân gian. Ông không thích tranh giành quyền lợi, chỉ mong thiên hạ được thái bình, đó là "cái chí của kẻ khoáng đạt, coi danh lợi chỉ là đám mây trôi…" [50, 797].

Như vậy, từ việc điểm qua một số nhân vật có thật, được Nguyễn Xuân Khánh khắc hoạ rõ nét trong tác phẩm, có thể thấy, Nguyễn Xuân Khánh đã thành công trong việc xây dựng các nhân vật có thật trong chính sử. Tác giả đã làm cho nhân vật lịch sử trở nên sống động hơn bằng những chi tiết nghệ thuật hư cấu về cuộc đời cũng như các mối quan hệ của nhân vật. Người đọc có cảm tưởng như đang tiếp xúc với nhân vật, đang sống cùng với nhân vật. Chính vì lẽ đó, lịch sử trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn đối với bạn đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w