Người trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 84 - 85)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.Người trần thuật

Nhà lí luận người Pháp - Jonathan Culler từng cho rằng, bất cứ trần thuật nào đều phải có người trần thuật, bất kể người trần thuật ấy có được xác nhận rõ ràng hay không. Bởi vì vấn đề trung tâm của chủ đề mỗi câu chuyện đều là vấn đề về mối quan hệ giữa người trần thuật hàm ẩn và câu chuyện mà nó kể ra.

Người trần thuật hoặc là một nhân vật hư cấu, hoặc là có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Trong trần thuật viết phi văn học (như lĩnh vực báo chí, lịch sử) thì người trần thuật nói chung đồng nhất với tác giả. Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật thường bị trừu tượng hoá đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn, hoặc hiện trong tác phẩm. Có thể phân chia người trần thuật lộ diện và người trần thuật ẩn tàng. Theo thuật ngữ thông dụng, người trần thuật lộ diện là người trần thuật theo ngôi thứ nhất, còn người trần thuật ẩn tàng là người trần thuật theo ngôi thứ ba. Người trần thuật có thể can thiệp vào câu chuyện, thúc đẩy tiến trình của nó, phát triển, phân tích, miêu tả, mách bảo,

chỉ điểm cho người đọc hoặc biểu hiện trạng thái cảm xúc. Người trần thuật đảm nhiệm những chức năng khác nhau, nhưng tựu trung lại, có năm chức năng cơ bản: chức năng kể chuyện - trần thuật, chức năng truyền đạt đóng vai trò của một yếu tố tổ chức tự sự, chức năng chỉ dẫn, chức năng bình luận và chức năng nhân vật hoá.

Nhìn chung, trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, người trần thuật luôn luôn biến hoá linh hoạt, có khi lộ diện, có khi ẩn mình. Khảo sát tác phẩm, chúng tôi nhận thấy có sự cách tân nghệ thuật trần thuật tập trung ở hai dạng thức kể chuyện cơ bản, đó là: trần thuật ở ngôi thứ ba và trần thuật ở ngôi thứ nhất (người kể chuyện xưng tôi). Cả hai hình thức trần thuật này đều được thực hiện khá thành công và để lại dấu ấn đậm nét trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 84 - 85)