Đặt nhân vật vào các tình huống mâu thuẫn xung đột tâm lí

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 74 - 77)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3.1.Đặt nhân vật vào các tình huống mâu thuẫn xung đột tâm lí

Để khám phá nhân vật với các trạng thái tâm lý, tính cách không gì đắc địa hơn là đẩy nhân vật vào các tình huống mâu thuẫn và xung đột tâm lý bởi "các mâu thuẫn, xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm cho nhân vật bộc lộ cái phần bản chất sâu kín nhất của nó" [57, 291]. Thực tiễn sáng tác cho thấy, gần như các tác phẩm văn học đều ẩn chứa những xung đột và mâu thuẫn, vấn đề là ở mức độ nào, lớn hay nhỏ.

Nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly hầu hết là những nhân vật có cuộc đời thăng trầm, nhiều biến động nên tác giả tập trung khắc họa nội tâm và diễn biến tâm lý của họ. Để khám phá nhân vật, Nguyễn Xuân Khánh chủ yếu đặt nhân vật vào các tình huống mâu thuẫn, xung đột tâm lý, vì chỉ những lúc này bản chất, tính cách, nội tâm nhân vật mới bộc lộ một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Mỗi nhân vật có hoàn cảnh riêng nên xung đột tâm lý và sự giằng xé nội tâm của mỗi người không giống nhau. Đôi lúc, chúng ta có cảm giác nhân vật của Nguyễn Xuân Khánh lúc nào cũng như đứng giữa ngã ba đường, luôn phân vân không biết chọn hướng nào. Họ khan hiếm những giây phút bình yên, phẳng lặng trong tâm hồn, cho dù đó là một vị vua, một ông quan hay là một thường dân.

Hồ Qúy Ly là một trong những nhân vật thường xuyên bị đẩy vào trạng thái xung đột tâm lý, bởi trong ông luôn tồn tại hai con người - con người lí trí và con người tình cảm. Chính vì vậy, mỗi khi quyết định làm việc gì ông đều thấy băn khoăn, day dứt, mà đây là một điều tối kị đối với một nhà chính

trị. Mỗi lần thấy bà Huy Ninh nước mắt dàn dụa, quỳ trước bàn thờ Phật, ông lại thấy mình có lỗi vì đã có những việc làm tàn nhẫn. Giết Đa Phương xong, ông lại băn khoăn day dứt vì Đa Phương là con trai của Thầy dạy Hồ Quý Ly. Ông tôn thờ nhà Trần một thời vàng son nhưng không chấp nhận sự tồn tại của một nhà Trần mục ruỗng nên trong khi tiến hành các kế hoạch chuẩn bị cho việc thoán nghịch, vẫn có lúc ông thấy có lỗi với sự tin tưởng, gửi gắm của vua Trần Nghệ Tông, có lỗi với con rể Thuận Tông, có lỗi với cháu ngoại ông - vua trẻ Trần Thiếu Đế. Mỗi khi bị đẩy vào tình huống xung đột tâm lý và phải đưa ra quyết định, ông luôn thể hiện là người quyết đoán, tham vọng đôi khi tàn nhẫn nhưng ở góc độ nào đó lại là người rất tình cảm. Vì có tình nên ông mới phải băn khoăn khi làm việc ác, làm tổn thương những người thân. Qua việc xây dựng những xung đột, những mâu thuẫn trong con người Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã cho bạn đọc cảm nhận và thấy rõ hai mặt sáng tối của nhân vật này.

Cùng với người cha của mình, Hồ Nguyên Trừng cũng là nhân vật luôn phải dằn vặt, đấu tranh để chọn lựa giữa cái nên và không nên. Nhận vật được đặt giữa ngã ba đường, đôi lúc thấy như bị mất phương hướng, vô định. Trong cuộc hôn nhân với công chúa Quỳnh Hoa, Nguyên Trừng phải đối diện với một bên là toan tính của cha khi muốn lợi dụng cuộc hôn nhân này lôi kéo sự ủng hộ của quan thái bảo (cha Quỳnh Hoa), một bên là quan thái bảo luôn muốn biết tình hình và kế sách của thái sư để tìm cách đối phó, và một bên là tình nghĩa vợ chồng với Quỳnh Hoa - nàng công chúa nhỏ bé, yếu ớt. Sau những giằng xé, day dứt để chọn lựa, Nguyên Trừng đã thể hiện là người vừa có tình lại vừa có nghĩa. Ông và vợ đã đứng riêng về một phía, không ủng hộ ai mà cũng không phản đối ai để cho quan thái sư và quan thái bảo tự dùng trí mà đấu với nhau, kiên quyết không để phe phái nào lợi dụng tình yêu giữa hai người. Sau này, khi bắt đầu lại tình yêu với kĩ nữ Thanh Mai, con nuôi thượng tướng Trần Khát Chân, lại một lần nữa Nguyên Trừng chông chênh trước sự lựa chọn, lúc này cũng một bên là cha, một bên là tình yêu. Như Nguyên Trừng đã nói "dù may mắn được dự vào cõi cực lạc" thì cũng

sẵn sàng từ bỏ tất cả, sẵn sàng dâng hàng nghìn kiếp của mình để buồn vui cùng thế gian, vì vậy mà Hồ Nguyên Trừng không thể rời bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của con tim. Qua đấu tranh nội tâm từ những mâu thuẫn quanh cuộc đời của nhân vật, người đọc nhận ra Nguyên Trừng là một người đàn ông đa cảm, đa sầu, dễ cảm thông với người khác, đặc biệt là rất nặng tình. Và cũng là người không tham vọng, cả đời chỉ ước mong được thảnh thơi "du sơn ngoạn thuỷ" mà thôi.

Công chúa Huy Ninh là nhân vật bị đẩy vào các tình huống mâu thuẫn, xung đột tâm lý sâu sắc và điển hình. Mâu thuẫn tạo nên xung đột chính là việc bà đứng giữa sự tranh chấp quyền lực giữa chồng và gia tộc. Luôn thấy mình có tội với cả hai bên vì không thể làm tròn chữ hiếu mà cũng không thể ủng hộ tham vọng của chồng, bà chỉ có thể ngồi nhìn hai bên tranh giành địa vị, quyền lực và gây tổn thất cho nhau. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, bà tìm cách tránh xa vòng tục lụy, ngồi bên bàn thờ Phật cầu xin điều lành cho gia tộc và cầu xin sự lượng thứ cho tham vọng và những việc làm tàn bạo của chồng mình. Chính ở xung đột tâm lý này, nhân vật Huy Ninh hiện lên là một người phụ nữ có nội tâm sâu sắc, vừa thấu hiểu chồng, vừa hướng về dòng họ nhà Trần. Dù trong hoàn cảnh nào, ở bà cũng toát lên vẻ dịu dàng, vị tha, hướng ánh mắt từ bi đến cả nhân gian. Cũng mang trong mình nhiều trăn trở, băn khoăn và giằng xé như bà Huy Ninh, quận chúa Quỳnh Hoa (con gái Trần Nguyên Hàng lấy Hồ Nguyên Trừng) và hoàng hậu Thánh Ngẫu (con gái Hồ Quý Ly lấy vua Thuận Tông) là hai người phụ nữ luôn phải đứng giữa tình thân và tình yêu, chọn lựa con đường nào cũng mang lại đau khổ nên không lúc nào họ có giây phút bình yên. Trong nỗi đau của sự giằng xé và nhiều xung đột ấy, Quỳnh Hoa và Thánh Ngẫu hiện lên là người vợ, người mẹ giàu tình cảm, sẵn sàng hi sinh cho chồng con.

Khám phá nhân vật qua các tình huống mâu thuẫn, qua những xung đột tâm lý là một trong những thủ pháp độc đáo của Nguyễn Xuân Khánh khi xây dựng nhân vật. Tác giả đã thể hiện sự sắc sảo khi đẩy nhân vật của mình

vào các tình huống mâu thuẫn, xung đột tâm lý khác nhau tuỳ thuộc vào bản chất và tính cách của nhân vật ấy cũng như tuỳ thuộc vào việc nhà văn muốn nhân vật của mình xuất hiện là người như thế nào.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 74 - 77)