Nhân vật hư cấu

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 74)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.2.Nhân vật hư cấu

Để những nhân vật có thật trong chính sử thật sự sống động với các mối quan hệ đa chiều, Nguyễn Xuân Khánh đã sáng tạo ra một số nhân vật không hề được ghi chép trong chính sử, nhưng lại hoàn toàn ăn nhập với guồng chuyển động của tâm lý và tính cách các nhân vật có thật ấy. Với sự sáng tạo này, Nguyễn Xuân Khánh đã chứng tỏ năng lực hư cấu và sự tưởng tượng phong phú của mình, để từ đó làm cho nhân vật lịch sử trở nên "tiểu thuyết" hơn. Trong số những nhân vật do nhà văn sáng tạo ra, chúng tôi đặc biệt chú ý tới ba nhân vật: Sử Văn Hoa, Phạm Sinh và Thanh Mai. Đây là những nhân vật không có mặt trong chính sử, nhưng lại là những nhân vật có vai trò xúc tác và đưa đến những thông điệp mới mẻ cho tác phẩm.

Nhân vật Sử Văn Hoa là một hư cấu đặc sắc của Nguyễn Xuân Khánh, khiến người đọc gợi nhiều liên tưởng đến nhà sử học nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Trung Hoa là Tư Mã Thiên. Thời xưa, triều đại nào cũng có những nhà chép sử. Chỉ có điều, ít ai say mê với lịch sử dân tộc, "suốt đời ghi chép sử đi tìm hồn núi sông, dù trong tù ngục vẫn giải một câu đố về sự thái hòa dân tộc" và có hoài bão "phải viết một cuốn quốc sử thật đàng hoàng, thật trung thực" như Sử Văn Hoa. Đây cũng là một nhân vật luôn thiết tha, day dứt với ý nghĩ "cần phải nói ra sự thật" lịch sử cho hậu thế hiểu rõ. Qua ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh, Sử Văn Hoa còn là người có tài đọc và giải mã những

giấc mơ. Từ giấc mơ của Hồ Nguyên Trừng thủa nhỏ đến những giấc mơ của các bậc đế vương: Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Hồ Quý Ly,... Điều đáng khâm phục ở nhân vật này là ông không hề khiếp sợ quyền uy. Ngay cả trước sự tham vọng và đa sát như Hồ Quý Ly, Sử Văn Hoa vẫn không chấp nhận bẻ cong ngòi bút. Giữa thời buổi các phe phái tranh giành quyền lực, Sử Văn Hoa là người khách quan nhất trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Tuy bị Hồ Quý Ly tống giam vì việc ông dâng tấu biểu can ngăn việc thiên đô, với lý lẽ "Cốt ở đức, không cốt ở nơi hiểm trở" nhưng khi thượng tướng Trần Khát Chân yêu cầu ông phải viết một cuốn sách, vạch ra đủ mọi tội ác từ cuộc sống tư riêng đến việc triều chính về Hồ Quý Ly, thì Sử Văn Hoa đã từ chối: "Ta là người bị Quý Ly hành hạ nhiều. Nhưng lúc này còn quá sớm để khen chê ông ta. Chỉ biết rằng đất nước mình đang cần lột xác, Quý Ly là một người đầy táo bạo… Ta không thích ông ta, nhưng cũng không muốn viết cuốn sách mà thượng tướng đã giao cho" [50, 636]. Sau khi được Hồ Quý Ly tha bổng, Sử Văn Hoa trở về với vợ con. Nhưng những ngày tháng ấy hết sức ngắn ngủi khi ông và vợ phải hứng chịu một kết cục bi thảm, đó là bị thiêu sống. Tuy nhiên cái chết của vợ chồng Sử Văn Hoa vẫn là một điều bí ẩn, là một nghi vấn, một dấu chấm hỏi cho người đọc. Có thể nói, Sử Văn Hoa là nhân vật "phát ngôn" cho nhà văn cách nhìn nhận, đánh giá về con người và các hiện tượng lịch sử. Đồng thời, với nhân vật hư cấu này, Nguyễn Xuân Khánh còn muốn gửi gắm quan niệm của mình về mẫu hình lý tưởng của một nhà sử học chân chính; ấy là biết lắng nghe hồn nước, gắn bó với đời sống nhân dân, trung thực, không sợ quyền uy để nói lên sự thật lịch sử, sự thật lòng người trước thời cuộc. Không có Sử Văn Hoa, có lẽ tiểu thuyết Hồ Quý Ly sẽ nhạt đi nhiều không khí lịch sử mà nhà văn đã cố gắng tạo dựng trong tác phẩm. Nhân vật Sử Văn Hoa đại diện cho khát vọng của nhân dân trong bối cảnh lịch sử, khi đất nước cần có những con người trung thực. Đúng như lời Hồ Nguyên Trừng nhận định: "Người như ông Sử đâu có nhiều. Hàng trăm năm mới có vài người" [50, 490].

Một hình tượng nhân vật hư cấu khác cũng nhận được sự yêu quý của độc giả, đó là Phạm Sinh. Cuộc đời của Phạm Sinh giống như một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ. Phạm Sinh là kết quả của mối tình vụng trộm giữa nhà sư phản loạn Phạm Sư Ôn và cô nô tì cắt cỏ ở đầm Thiên Nhiên. Khi mẹ sắp qua đời Phạm Sinh mới được mẹ kể về người cha của mình. Tìm gặp được cha, nhưng Phạm Sinh chưa dám nhận vì nghe theo lời mẹ dặn. Đến khi Phạm Xuân Ôn bị đưa ra pháp trường xử bắn, thì Phạm Sinh đành bất lực nép mình bên gốc cây nhìn cha chịu hành quyết. Khi ánh mắt của người tử tù hướng về anh, cảm nhận anh là con trai của ông ta thì Phạm Sinh chỉ biết "rên rỉ trong lòng: Cha ơi! Cha ơi!" [50, 257]. Những tiếng gọi trìu mến và muộn màng ấy đã thôi thúc Phạm Sinh tìm gặp Hồ Quý Ly để trả thù. Được sự ủng hộ của Trần Khát Chân và một số huynh đệ khác, lại mang trong mình sự tài hoa của một nho sĩ, Phạm Sinh đã tiếp cận và lấy được lòng tin của Hồ Quý Ly. Nhưng khi đã gặp được kẻ thù giết cha, giết thầy, Phạm Sinh lại "đồng thời cũng bị hấp lực táo bạo của ông ta cuốn hút". Được Sử Văn Hoa chỉ đường mách lối, Phạm Sinh đã quyết định ra đi, tìm hạnh phúc cho mình cùng với Hạnh (con gái Sử Văn Hoa). Đọc tác phẩm, có thể thấy rõ Phạm Sinh là nhân vật duy nhất trong tác phẩm vượt ra khỏi vòng xoáy của lịch sử thời bấy giờ, chạy trốn khỏi hận thù, khỏi mưu đồ và danh vọng, để được sống đúng với chính mình. Thông qua nhân vật Phạm Sinh, Nguyễn Xuân Khánh muốn gửi gắm một thông điệp, hay ít ra là một quan niệm về người trí thức trong thời tao loạn. Người trí thức không thể là công cụ phục vụ cho một ý đồ chính trị hay một triều đại nào. Là người thoát ra khỏi vòng xoáy của xã hội, mang khát vọng phục vụ chân lý ở đời, họ không thuộc về một giai cấp nào trong xã hội ấy.

Trong số những nhân vật nữ được Nguyễn Xuân Khánh sáng tạo, nhân vật kĩ nữ Thanh Mai là người được tác giả dày công miêu tả khi dành hẳn chương VI để viết về những thăng trầm cuộc đời của nhân vật này. Thanh Mai được tác giả nhìn nhận trong vẻ đẹp của sức sống phồn thực, viên mãn, đối lập với người phụ nữ chốn cung đình. Chính vì lẽ đó, cuộc đời truân

chuyên của cô là cuộc đời của người phụ nữ đời thường với những mất mát, hi sinh mà chúng ta có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới ở một vùng hạ lưu sông Hồng, cha mẹ đều là những người hát hay nên Thanh Mai được thừa hưởng giọng trầm của bố, giọng cao của mẹ. Năm Thanh Mai 13 tuổi, cha nàng bị quân Chiêm Thành giết hại, mẹ nàng vì có tí nhan sắc nên bị bắt làm tì thiếp, sau một tháng nhịn ăn thì bỏ xác nơi đất khách quê người, còn Thanh mai "bị xung vào đội ca múa của vua Chế Bồng Nga". Cũng từ đây, Thanh Mai "tinh thông mọi ngón đàn ca" và trở thành thị tì cho vua Chiêm. Khi Trần Khát Chân đánh bại Chế Bồng Nga, Thanh Mai được giải thoát và trở thành con nuôi của thượng tướng. Sự gặp gỡ giữa Thanh Mai và Nguyên Trừng là do sự xếp đặt của thượng tướng Trần Khát Chân, vì thế Thanh Mai cũng chỉ là con rối trong âm mưu chính trị. Và khi âm mưu ấy đổ vỡ, Thanh Mai cô độc bước đi giữa chốn không người khi cả cha nuôi và người yêu đều không còn ở bên nàng.

Không chấp nhận việc chỉ trình bày các nhân vật của mình trong các tư thế lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh đã tận dụng ưu thế của tiểu thuyết khi cấp cho nhân vật lịch sử gương mặt đời thường của họ. Bởi hơn ai hết, nhà văn hiểu rõ, tiểu thuyết không phải chỉ là bài ca của những con người anh hùng, mà còn là bài ca của những con người đời thường. Thành công của Nguyễn Xuân Khánh là đã sáng tạo ra những nhân vật chưa từng có mặt trong những trang sử của dân tộc nhưng lại là những nhân vật soi sáng lịch sử và kiểm định lịch sử ấy. Những nhân vật ấy thường được khắc họa tương đối chi tiết dù đó chưa hẳn là nhân vật chính. Việc xây dựng các nhân vật này thể hiện ý đồ tư tưởng của nhà văn, góp phần cho tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly mang màu sắc chủ quan và đậm chất nhân sinh.

2.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly

Đối với tiểu thuyết lịch sử, nghệ thuật xây dựng nhân vật là một phương diện quan trọng, là nhiệm vụ mà nhà văn phải quan tâm hàng đầu, cũng là nơi thử thách nhà văn nhiều nhất. Bởi, khi nhà văn sáng tạo ra tác phẩm thì các nhân vật lịch sử đã có tên tuổi, hành động, việc làm được ghi

trong sử sách. Nhà tiểu thuyết phải làm thế nào biến các cá nhân lịch sử trở thành các nhân vật văn học có sức sống (chứ không phải là mang về những bức tượng vô hồn) mà vẫn đảm bảo tính chân thực lịch sử, phù hợp với thời đại họ sống nhưng không quá xa lạ với người đọc. Nhà văn có quyền tưởng tượng, hư cấu, để xây dựng nhân vật một cách sống động nhất. Với nhiều khía cạnh đặc sắc trong việc khám phá, sáng tạo về con người, Hồ Quý Ly

của Nguyễn Xuân Khánh được đánh giá là đã có những thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật của nguyễn xuân khánh trong tiểu thuyết hồ quý ly luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 70 - 74)