Cấp tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5 dành cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi (đối với những em không có điều kiện bình thường để đi học đúng tuổi có thể học muộn 1-2 năm, nghĩa là học sinh tiểu học có thể có trẻ em ở tuổi 13-14)[1]. Học sinh tiểu học có các đặc trưng sau:
- Học sinh tiểu học là một thực thể hồn nhiên nên ngây thơ, trong sáng. Bản tính của trẻ em luôn được thể hiện ra bên ngoài không hề che giấu, không
hề đóng “đóng kịch”. Chính vì thế mà người xưa luôn có câu “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Trong những hoàn cảnh nhất định, do tác động không đúng từ bên ngoài, từ phía người lớn nên nhiều trẻ em đã tập nhiễm tật xấu mà ta thường gặp, đó là tật “nói dối’. Hiện nay, nhiều nền giáo dục văn minh tiên tiến đang hướng tới việc giữ gìn và tôn trọng bản tính hồn nhiên của trẻ em.
- Học sinh tiểu học là những nhân cách đang hình thành, là những thực thể đang lớn lên, đang hoàn thiện về cơ thể (sinh lí) và đang phát triển về tâm hồn (tâm lí). Trẻ em ở lửa tuổi tiểu học là nhân cách đang hình thành chứ chưa phải là một cá nhân đã định hình đầy đủ và ổn định (cho dù chỉ là tương đối), chưa trường thành đạt độ chín như một nhân cách công dân. Học sinh tiểu học chưa đủ ý thức, chưa đủ phẩm chất và năng lực để tồn tại như một công dân trong xã hội, mà các em luôn cần sự bảo trợ, giúp đỡ của người lớn, của nhà trường, gia đình và xã hội.
Trẻ ở lứa tuổi tiểu học thực hiện bước chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang hoạt động học tập là chủ đạo. Hoạt động học tập có ý nghĩa và vai trò đặc biệt đối với sự phát triển tâm lý của học sinh tiểu học.
Đối với học sinh tiểu học thì tất cả còn ở phía trước, các em sống luôn hướng tới ngày mai, hướng tới tương lai, các em dễ thích nghi, dễ tiếp nhận cái mới.
- Học sinh tiểu học có thể phân ra theo hai cấp độ phát triển
+ Cấp độ thứ nhất gồm lớp 1,2,3, Lớp 1 là đầu vào của cấp Tiểu học. + Cấp độ thứ hai gồm lớp 4,5, Lớp 5 là đầu ra của cấp Tiểu học.