- Phân loại các phương pháp giảng dạy TDTT
2. Các phương pháp thực hiện BTTC không định mức chặt chẽ lượng vận động
(trò chơi và thi đấu)
Trò chơi và thi đấu có những đặc điểm riêng của nó, đó là khi chơi hay thi đấu (dù là bằng hình thức nào), nó có tác dụng làm cho HS hưng phấn, hào hứng tập luyện, qua đó phát huy được các năng lực vận động của HS và đánh giá khách quan kết quả học tập và rèn luyện của HS.
2.1. Phương pháp trò chơi
Trong GDTC ở những tình huống, điều kiện nhất định, trò chơi có ý nghĩa không kém phần quan trọng so với các phương pháp tập luyện có định mức chặt chẽ lượng vận động.
Trò chơi phát sinh, phát triển cùng với sự phát sinh, phát triển của xã hội loài người. Nó đã và đang làm thoả mãn các nhu cầu khác nhau của con người, đó là:
- Làm con người nhận thức và tiếp xúc với thế giới khách quan. - Phát triển về thể chất và tinh thần cho con người.
- Nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí…
Song, một trong những chức năng chủ yếu nhất của trò chơi là chức năng sư phạm. Trò chơi là một trong những phương tiện, phương pháp cơ bản, hữu hiệu của giáo dục nói chung và GDTC nói riêng.
Trong GDTC, trò chơi phản ánh chủ yếu đặc điểm mang tính chất phương pháp của nó. Theo các đặc điểm tổ chức hoạt động trò chơi cho người tập và các dấu hiệu quan trọng khác về mặt sư phạm, trò chơi có thể áp dụng cho bất cứ BTTC nào.
• Phương pháp trò chơi trong GDTC có những đặc điểm sau:
- Tổ chức hoạt động trò chơi trên cơ sở chủ đề có hình ảnh hoặc là những quy ước nhất định để đạt mục đích nào đó, trong điều kiện và tình huống luôn thay đổi và thay đổi đột ngột.
- Tính đa dạng của các cách thức đạt mục đích và hoạt động trò chơi là hoạt động tổng hợp dựa trên cơ sở các hoạt động vận động: Đi, chạy, nhảy, nhào lộn...
- Trò chơi là hoạt động độc lập, rộng rãi, có yêu cầu cao về sự nhanh trí, sáng tạo vận động, khéo léo của người chơi.
- Xây dựng mối quan hệ căng thẳng giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm người này với nhóm người khác, tạo cảm xúc mạnh mẽ, qua đó thể hiện rõ cá tính của người chơi.
- Khả năng định mức và điều chỉnh lượng vận động bị hạn chế.
Phương pháp trò chơi, đối với HS các lớp đầu cấp tiểu học nên tập bắt chước các động tác linh hoạt của con người và động vật như: Bay giống chim, nhảy như thỏ, chạy như ngựa phi, các
động tác bổ củi, chèo thuyền... Các động tác bắt chớc như vậy sẽ làm tăng hứng thú và tình cảm
yêu thiên nhiên và con người cho các em.
Tổ chức trò chơi cho HS tiểu học cần chú ý đến tính nhịp điệu khi làm động tác để thu hút sự chú ý cao của các em. Những động tác bắt chước trong trò chơi phải gần gũi với đặc điểm ngây thơ của trẻ và cần luôn nhắc nhở các em chú ý đến những nét chính của động tác trò chơi yêu cầu. Đặc biệt, để tránh vui chơi quá sức và để đảm bảo an toàn trong khi chơi cho HS, GV cần quan tâm đúng mức tới lượng vận động phù hợp đặc điểm lứa tuổi các em và yêu cầu cao về chấp hành quy định của trò chơi.
Nhược điểm cơ bản của phương pháp trò chơi là do khả năng định mức và điều chỉnh lượng vận động bị hạn chế, cho nên có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt trong quá trình GDTC cho người tập. Ví du: Tập luyện quá sức, phá vỡ kỹ năng, kỹ xảo vận động, làm xuất hiện những yếu tố tâm lý không lành mạnh: hiếu thắng, hám danh…
2.2. Phương pháp thi đấu
Cũng như trò chơi, thi đấu thuộc về các hiện tượng xã hội được phát triển rộng rãi nhằm tổ chức và kích thích hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống (trong đó có TDTT). Thi đấu cũng là một phương tiện và phương pháp cơ bản, hữu hiệu của GDTC.
Phương pháp thi đấu có tác dụng tốt trong việc giải quyết các nhiệm vụ của GDTC, đó là: - Củng cố, hoàn thiện các kỹ năng, kỹ xảo vận động và năng lực sử dụng hợp lý chúng trong các điều kiện, tình huống khác nhau.
- Giáo dục các tố chất thể lực và tâm lý- ý chí.
- Thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các khả năng chức phận của cơ thể.
- Giáo dục các phẩm chất đạo đức: Tính mục đích, tính sáng kiến, tính tự chủ, lòng dũng cảm, tinh thần tập thể, ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật…
Thi đấu trong GDTC cũng là một trong những phương pháp tập luyện có hiệu quả, bởi vì:
Đặc điểm cơ bản của thi đấu là sự so sánh lực lượng trong các điều kiện ganh đua về thứ bậc, giành vị trí vô địch hoặc để đạt thành tích cao nhất tuỳ thuộc vào mục đích của cuộc thi, vì vậy mà:
- Những người tham gia thi đấu có cảm xúc và sinh lý đặc biệt, nó làm tăng tác động của lượng vận động và thúc đẩy các khả năng chức phận của cơ thể biểu hiện ở mức độ cao nhất.
- Do sự ganh đua về thành tích cho nên trong những cuộc thi đấu cá nhân thì biểu hiện rõ cá tính của mỗi người; trong những cuộc thi đấu đồng đội thì biểu hiện rõ tính tập thể, tình đồng chí-đồng đội, tính tổ chức kỷ luật...
- Đối với quá trình giảng dạy động tác thi đấu cho phép củng cố, hoàn thiện các kỹ năng- kỹ xảo vận động và năng lực sử dụng hợp lý chúng trong các điều kiện và tình huống khác nhau, phát triển các tố chất thể lực, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các khả năng chức phận của cơ thể...
Phương pháp thi đấu thường được sử dụng với những động tác, bài tập hay môn TT mà HS đã nắm vững động tác, bài tập, như: Thi ai nhảy xa nhất, ai chạy nhanh nhất, ai ném giỏi nhất, thi ném trúng đích, thi dành cờ, thi kéo co...
Khi sử dụng phương pháp này, GV cần chú ý những điểm sau: - Khối lượng vận động thích hợp.
- Hình thức phong phú, không phức tạp, không đòi hỏi nhiều dụng cụ, không tốn thời gian điều động đội ngũ.
- Tổ chức hợp lý, đảm bảo an toàn cho HS
Nhược điểm cơ bản của phương pháp thi đấu là do khả năng định mức và điều chỉnh lượng vận động bị hạn chế, cho nên có thể gây tập luyện quá sức, phá vỡ kỹ năng, kỹ xảo vận động, làm xuất hiện những yếu tố tâm lý không lành mạnh: Hiếu thắng, hám danh…Vì vậy, phương pháp thi đấu chỉ giữ được vai trò của mình trong GDTC khi có sự hướng dẫn sư phạm đúng đắn với trình độ chuyên môn cao của các nhà sư phạm.
" Nhiệm vụ
" 1: Toàn lớp nghe GV giảng bài kết hợp đàm thoại (90 phút)
Một số câu hỏi đàm thoại:
1. Thế nào là tập luyện hoàn chỉnh ? Cho ví dụ
2. Thế nào là tập luyện phân đoạn (phân chia- hợp nhất) ? Cho ví dụ
3. Các phương pháp tập luyện có định mức chặt chẽ lượng vận động có nghĩa là tập luyện như thế nào ?
4. Các phương pháp tập luyện không định mức chặt chẽ lượng vận động có nghĩa là tập luyện như thế nào ?
6. Thế nào là tập luyện lặp lại ổn định ? Cho ví dụ 7. Trò chơi có những đặc điểm gì ?
8. Thi đấu có những đặc điểm gì ?
" 2: - Làm việc cá nhân (SV tự nghiên cứu tài liệu- 15 phút)
- Thảo luận nhóm (15 phút). Câu hỏi thảo luận:
Lấy ví dụ về các phương pháp tập luyện
1. Mỗi tổ lấy 2 ví dụ điển hình cho mỗi phương pháp tập luyện - Tập luyện hoàn chỉnh
- Tập luyện phân đoạn - Tập luyện lặp lại ổn định - Tập luyện lặp lại thay đổi
2. Lập sơ đồ hệ thống các phương pháp giảng dạy TDTT
" 3: Trao đổi, thảo luận cả lớp (15 phút).
SV: Đại diện từng tổ báo cáo kết quả thảo luận. GV: Nhận xét, đánh giá và kết luận.
/ Đánh giá: Làm các bài tập:
- Lập bảng so sánh đặc điểm phương pháp tập luyện hoàn chỉnh với phương pháp tập luyện phân đoạn ?
- Lập bảng so sánh đặc điểm phương pháp tập luyện lặp lại ổn đinh với phương pháp tập luyện biến đổi ?
- Bảng tổng hợp đặc điểm phương pháp trò chơi và phương pháp thi đấu ?
Hoạt động 3- Xác định: Phương pháp sửa chữa động tác sai trong giảng dạy TDTT (2 tiết)
³Thông tin cơ bản
Phương pháp sửa chữa động tác sai
Khi tập luyện TDTT HS sẽ không tránh khỏi việc thực hiện động tác, kỹ thuật có sai sót, nên việc áp dụng phương pháp sửa chữa động tác, kỹ thuật sai là rất cần thiết, nó sẽ góp phần kịp thời giúp cho HS thực hiện đúng, chính xác kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp thu kỹ thuật động tác mới nhanh chóng và chính xác, phòng tránh chấn thương.
Điều quan trọng của phương pháp này là phát hiện kịp thời các sai sót, tìm nguyên nhân và biện pháp sửa chữa sai sót phù hợp nhiệm vụ và đối tượng.