2. Phương pháp tập luyện phát triển các tố chất vận động (tố chất thể lực)
2.4. Phương pháp rèn luyện phát triển sức bền
• Sức bền là năng lực duy trì hoạt động với một cường độ cho trước hay còn gọi sức bền là năng lực khắc phục mệt mỏi.
• Những tiền đề quan trọng của năng lực sức bền là: - Năng lực làm việc của hệ thống tim-mạch.
- Quá trình trao đổi chất (có đủ ô xy và thiếu ô xy). - Khả năng tiết kiệm năng lượng.
- Các phẩm chất tâm lý-ý chí.
• Căn cứ vào yêu cầu của sức bền trong hoạt động thể lực nói chung và trong thi đấu TDTT nói riêng, ta có thể phân chia sức bền ra 2 loại:
- Sức bền cơ sở (sức bền chung) là năng lực chống lại mệt mỏi trong các hoạt động kéo dài với tốc độ vận động nằm trong giới hạn trao đổi năng lượng có đủ ô xy tham gia).
Mục đích huấn luyện sức bền cơ sở là nâng cao khả năng hấp thụ ô xy và năng lực trao đổi năng lượng có đủ ô xy tham gia, phát triển các phẩm chất tâm lý- ý chí .
- Sức bền chuyên môn: là năng lực chống lại sự mệt mỏi trong các hoạt động cụ thể (trong các môn TDTT).
• Phương tiện huấn luyện sức bền:
- Để phát triển sức bền chung ta sử dụng các bài tập phát triển chung, mà cụ thể là sử dụng phong phú các bài tập thể chất nói chung (các môn TDTT khác nhau).
- Để phát triển sức bền chuyên môn ta sử dụng các bài tập thi đấu có cường độ vận động và điều kiện gần giống như thi đấu.
• Phương pháp tập luyện:
- Phương pháp tập luyện kéo dài là phương pháp tập luyện mà lượng vận động kéo dài không có quãng nghỉ, phương pháp này có thể được thực hiện ở 2 dạng sau:
+ Tập luyện liên tục: Duy trì tốc độ vận động trong một thời gian dài, cường độ vận động được dễ dàng xác định qua mạch đập giao động trong khoảng 140→170 lần/ phút.
+ Tập luyện thay đổi: Thay đổi tốc độ vận động một cách có kế hoạch nhằm tạo sự căng thẳng cho cơ quan cung cấp năng lượng, tạo nên những quãng thời gian thiếu ô xy trong quá trình vận động (ví dụ: chạy biến tốc).
- Phương pháp giãn cách là phương pháp tập luyện mà trong đó có sự luân phiên một cách hệ thống giữa giai đoạn vận động ngắn hay trung bình, dài với các quãng nghỉ ngắn (quãng nghỉ căng thẳng) không dẫn tới sự hồi phục đầy đủ kết hợp với quãng nghỉ vượt mức để hồi phục vượt mức.