- Thảo luận nhóm (30 phút) Câu hỏi thảo luận:
1. Mục đích, nhiệm vụ GDTC và TT trường học Mục tiêu GDTC và TT trường học cho HS tiể u h ọ c
Mục đích hay mục tiêu là những dự báo về kết quả hoạt động, phản ánh nhu cầu khách quan của xã hội. Mục đích phản ánh bằng kết quả cuối cùng của hoạt động, trải qua một quá trình; còn mục tiêu phản ánh kết quả hoạt động trong một giai đoạn cụ thể. Thông qua kết quả đạt được ở các giai đoạn (thực hiện mục tiêu) mà ta có được kết quả cuối cùng của hoạt động (thực hiện mục đích).
Mục đích của giáo dục nói chung, GDTC nói riêng là những kết quả hoạt động giáo dục (hay GDTC) cần phải đạt được để đáp ứng các yêu cầu của xã hội và nhu cầu của con người. Không thể có và không thể đề ra mục đích một cách tuỳ tiện, mà khi xác định mục đích giáo dục (hay mục đích GDTC) phải xuất phát từ những nhu cầu khách quan của cuộc sống từ yêu cầu giáo dưỡng con người để phát triển toàn diện.
Để xác định mục tiêu GDTC cho HS tiểu học, trước hết ta cần căn cứ vào mục đích GDTC XHCN Việt nam.
Mục đích GDTC XHCN Việt nam được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của công cuộc xây dựng CNXH và gắn liền với mục đích của giáo dục chung. GDTC là một hình thức giáo dục chuyên biệt, cùng với các hoạt động giáo dục khác: Đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, lao động kỹ thuật, góp phần giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện.
Mục đích GDTC Việt nam là: "Khôi phục và tăng cường sức khoẻ cho nhân dân, góp phần
xây dựng con người phát triển toàn diện, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam XHCN".
Mục tiêu GDTC cho HS tiểu học phải được xây dựng từ mục đích chung của GDTC và nhu cầu PTTC của HS tiểu học, đồng thời phải phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý của HS tiểu học. Mục tiêu của GDTC cho HS tiểu học là: Góp phần bảo vệ, tăng cường sức khoẻ, phát triển
thể lực toàn diện cho các em, cung cấp những kiến thức cơ bản về vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường... hình thành thói quen tập luyện TDTT, giữ gìn vệ sinh và biết thực hiện một số động tác cơ bản trong TDTT (các bài tập thực dụng)...tạo nên sự phát triển tự nhiên của trẻ, gây cho trẻ có một cuộc sống vui tươi lành mạnh.
GDTC trong nhà trường phổ thông nói chung và cho HS tiểu học nói riêng còn nhằm góp phần: phát hiện và bồi dưỡng bước đầu các tài năng TT cho Đất nước.
Có 3 mục tiêu cơ bản mà môn học thể dục cho HS tiểu học cần phải đạt đựợc, đó là:
- Góp phần bảo vệ và tăng cường sức khoẻ cho HS, phát triển các tố chất thể lực, đặc biệt là tố chất mềm dẻo và khéo léo, tạo điều kiện cho cơ thể các em phát triển bình thường theo quy luật lứa tuổi và giới tính.
- Trang bị cho HS một số tri thức, kỹ năng sơ giản cần thiết nhằm rèn luyện tư thế cơ bản, làm giàu vốn kỹ năng vận động để HS học tập, sinh hoạt có hiệu quả hơn và chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc học tập tiếp các nội dung TD ở các lớp, các cấp tiếp theo.
- Góp phần giáo dục đạo đức, rèn luyện cho HS nếp sống lành mạnh, vui chơi có tổ chức kỷ luật, tạo tiền đề hình thành nhân cách con người XHCN.
So sánh mục tiêu GDTC cho HS tiểu học ở chương trình cũ (1996) và chương trình mới (ban hành năm 2001), chúng ta thấy:
Chương trình GDTC cho HS nói chung và HS tiểu học nói riêng trước đây, đã xác định mục tiêu: Trang bị kiến thức, hình thành kỹ năng thực hiện động tác là quan trọng nhất (mục tiêu
số 1) cho nên khi giảng dạy giáo viên giảng giải, làm mẫu nhiều và dành nhiều thời gian cho việc
sửa chữa động tác; HS tập luyện ít, không sinh động, chủ yếu “HS nghe tập, xem tập” do vậy hiệu quả giảng dạy thấp (không hình thành được kỹ năng vận động) và sức khoẻ, thể lực của HS cũng không được tăng cường.
Chương trình GDTC mới lấy mục tiêu sức khoẻ, phát triển thể lực cho HS là quan trọng nhất (mục tiêu số 1), điều này giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa kiến thức và kỹ năng, sức khoẻ, thể lực của HS. Tranh thủ thời gian cho HS tập luyện, vui chơi, rèn luyện nếp sống, tư thế tác phong. Đồng thời chương trình mới còn xác định thêm một mục tiêu rất quan trọng trong GDTC ở HS tiểu học là: Góp phần phát hiện và bồi dưỡng bước đầu các tài năng TT cho Đất nước. Đây là một vấn đề rất cần thiết cho việc đào tạo các tài năng TT nhằm góp phần đưa TT Việt Nam tiến kịp các nước trong khu vực, châu lục và trên thế giới.
1.2. Nhiệm vụ, yêu cầu của GDTC và TT trường học trong nhà trường tiểu học.
Để đạt được mục tiêu GDTC cho HS tiểu học, trên cơ sở căn cứ vào đặc điểm của GDTC và các nhiệm vụ chung của GDTC; căn cứ vào đặc điểm cấu tạo giải phẫu, đặc điểm tâm - sinh lý HS tiểu học, cần xác định cụ thể nhiệm vụ và yêu cầu GDTC cho HS tiểu học.
- Thúc đẩy sự phát triển toàn diện các tố chất vận động (sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo, tính khéo léo); nâng cao dần khả năng thích ứng của cơ thể đối với những biến đổi bất lợi của thời tiết, khí hậu và tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật cho các em.
- Trang bị cho các em những kiến thức cần thiết, cơ bản nhất về TDTT, hình thành các kỹ năng vận động cơ bản trong TDTT làm cơ sở cho các em rèn luyện cơ thể, vui chơi giải trí..., tạo cho các em lòng ham thích và thói quen tập luyện TDTT, rèn luyện thân thể hàng ngày.
- Thông qua các hoạt động TDTT trong nhà trường nhằm: bồi dưỡng cho các em những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, hình thành những phẩm chất đạo đức XHCN, biết vận dụng và thể hiện những phẩm chất đó trong học tập, lao động và cuộc sống hàng ngày (cần cù, chịu khó, dũng cảm, sống chân thành, có quan hệ tốt với mọi người...)
- Góp phần phát hiện và bồi dưỡng bước đầu các tài năng TT cho Đất nước
Các nhiệm vụ GDTC cho HS tiểu học có mối quan hệ khăng khít, tác động tương hỗ lẫn nhau, do vậy: trong hoạt động GDTC nói chung, giảng dạy TDTT nói riêng cho HS tiểu học cần quán triệt thực hiện đầy đủ cả bốn nhiệm vụ trên, đồng thời cần phải vận dụng tốt mối quan hệ đó trong việc giải quyết bất cứ nhiệm vụ nào nhằm đạt được mục tiêu GDTC cho HS trong nhà trường tiểu học.