- Thảo luận nhóm (30 phút) Câu hỏi thảo luận:
1. Bài tập thể chất.
1.1. BTTC là phương tiện chuyên môn cơ bản của GDTC
BTTC là hành động vận động được lựa chọn để giải quyết các nhiệm vụ của GDTC (tổ chức thực hiện các hoạt động vận động phù hợp với quy luật của GDTC).
BTTC là những động tác được hình thành trong cuộc sống nhằm mục đích cụ thể là giải quyết các nhiệm vụ của GDTC (theo cơ chế phản xạ có điều kiện).
Trong cuộc sống, con người thực hiện rất nhiều hành động, nhiều động tác … song không phải tất cả chúng đều được coi là BTTC. Đặc điểm quan trọng nhất của BTTC là sự phù hợp các hình thức và nội dung với bản chất và quy luật GDTC.
Hoạt động lao động và đời sống của con người cũng là những hành động vận động bị chi phối bởi các quy luật của cuộc sống và xã hội, cho nên nói chung chúng không thể được coi là BTTC.
Ta có thể so sánh BTTC với hoạt động lao động, chúng khác nhau ở chỗ:
- Về đối tượng tác động: BTTC tác động lên con người; hoạt động lao động tác động vào thế giới vật chất.
- Về mục đích: BTTC nhằm phát triển thể chất, tiến tới sự hoàn thiện thể chất cho mỗi người; hoạt động lao động nhằm tạo ra sản phẩm vật chất.
- Về kết quả hoạt động: BTTC sẽ không ngừng củng cố, nâng cao sức khoẻ , phát triển con người cân đối, toàn diện…, hoạt động lao động sẽ tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Tuy nhiên, bất kỳ động tác nào của lao động và đời sống cũng có thể được cải biến để trở thành phương tiện GDTC (tức BTTC), nếu việc thực hiện đó tuân theo qui luật của GDTC.
Dấu hiệu đặc trưng của BTTC là sự lặp lại nhiều lần động tác, để từ đó hình thành nên kỹ năng- kỹ xảo vận động và phát triển các tố chất vận động .
ã Nguồn gốc và bản chất của BTTC
Các công trình nghiên cứu lịch sử TDTT cho thấy: BTTC đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của loài người. Nhân tố làm quan trọng nhất làm nảy sinh ra BTTC là điều kiện sinh hoạt vật chất và hoạt động lao động của người nguyên thuỷ. Tất nhiên đó chỉ là nguyên nhân khách quan, cùng với nó có nguyên nhân chủ quan quyết định sự ra đời của BTTC là nhận thức của con người về hiện tượng tập luyện.
Người nguyên thuỷ đã nhận thức được rằng: Cần phải truyền thụ kinh nghiệm vận động và tập luyện để phát triển thể lực con người từ thế hệ trước cho thế hệ sau.
Các BTTC nảy sinh nhằm đáp ứng nhu cầu trực tiếp của lao động và cuộc sống con người được gọi là các bài tập tự nhiên.
Trong quá trình phát triển lịch sử và khoa học, đã xuất hiện BTTC không bắt nguồn từ lao động, từ cuộc sống, nhưng nó có giá trị to lớn trong việc chuẩn bị cho con người những điều kiện thuận lợi để tham gia tốt các hoạt động lao động và cuộc sống, đó chính là các bài tập phân tích. Như vậy: BTTC nói riêng, TDTT nói chung và lao động chân tay tồn tại mối liên hệ hữu cơ. BTTC (hay TDTT) được hình thành trên cơ sở lao động và nhằm chuẩn bị cho lao động.
Bản chất BTTC là các hoạt động vận động được tổ chức thực hiện theo quy luật của GDTC (hình thức và nội dung hoạt động được tổ chức hợp lý nhằm giải quyết các nhiệm vụ của GDTC).
* Nội dung BTTC là các động tác cấu thành bài tập và những quá trình cơ bản diễn ra trong cơ thể, phản ánh tác động của BTTC với người tập.
Dưới góc độ tâm - sinh lý: BTTC là các động tác tự ý (là những động tác được điều khiển bằng trí tuệ và ý chí).
Về phương diện sinh lý học: BTTC là sự chuyển cơ thể lên mức hoạt động chức năng cao hơn so với trạng thái không vận động. Nó là nhân tố tích cực làm tăng khả năng chức phận và hoàn thiện cấu trúc cơ thể.
Theo quan điểm sư phạm: BTTC nhằm phát triển hợp lý năng lực con người cùng với hình thành kỹ năng- kỹ xảo vận động nhất định.
Như vậy, xem xét tác động của BTTC đối với con người phải xem xét toàn diện các mặt tâm - sinh lý, ý thức, hành vi con người… BTTC được coi là phương tiện giáo dục con người toàn diện.
* Hình thức BTTC, phụ thuộc vào đặc điểm nội dung .
Trong triết học: Hình thức được hiểu là phương thức tồn tại của nội dung, là kết cấu của nội dung… Nói cách khác, hình thức là cấu trúc bên trong và bên ngoài của BTTC.
Cấu trúc bên trong là mối liên hệ qua lại, tương hỗ, phối hợp và tác động lẫn nhau của các quá trình sinh lý diễn ra trong cơ thể khi tập luyện.
Cấu trúc bên ngoài là hình dạng có thể nhìn thấy khi thực hiện động tác, là sự tương quan giữa các thông số: Không gian, thời gian, động lực học của động tác.
Hình thức và nội dung BTTC liên quan hữu cơ với nhau, trong đó nội dung là mặt quyết định và chỉ đạo hình thức. Tuy nhiên hình thức cũng ảnh hưởng đến nội dung, hình thức chưa hoàn thiện sẽ cản trở sự phát huy tối đa khả năng chức phận của cơ thể và ngược lại.
Trong thực tế: Các BTTC có hình thức khác nhau có thể có nội dung giống nhau (ví dụ: Chạy, bơi lội cùng một vùng cường độ); các BTTC có nội dung khác nhau nhưng hình thức lại giống nhau (ví dụ: Đi bộ điền kinh và chạy).
Như vậy nội dung và hình thức không tách rời nhau, nhưng giữa chúng có thể tồn tại mâu thuẫn hoặc không tương ứng với nhau. Nhận thức đúng đắn bản chất BTTC sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng chúng vào thực tiễn giáo dục.
Thông qua việc sử dụng BTTC, chúng ta mới có thể giải quyết được một cách toàn diện các nhiệm vụ của GDTC. Tuy nhiên, nếu biết phối hợp chặt chẽ việc sử dụng BTTC với các điều kiện tự nhiên và các yếu tố vệ sinh thì hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ GDTC càng tốt hơn. Do đó, ta có thể kết luận rằng: BTTC là phương tiện chuyên môn cơ bản của GDTC.
1.2. Các nhân tố xác định tác động của BTTC
Mỗi BTTC đều gây tác động nhất định đến con người, sự tác động đó tuỳ thuộc vào nội dung và hình thức của mỗi BTTC.
Tuy nhiên, các BTTC có thể tác động xấu đến cơ thể nếu chúng không được sử dụng đúng quy luật của GDTC. Do vậy, nhà sư phạm cần phải biết tổ chức thực hiện các BTTC đảm bảo quy luật GDTC nhằm nâng cao hiệu quả của nó với con người.
Hiệu quả tác động của BTTC không chỉ phụ thuộc vào nội dung và hình thức của nó mà còn phụ thuộc vào hàng loạt điều kiện khác nhau, trong đó: nhân tố chung nhất xác định tác động BTTC là sự tổ chức buổi tập đúng phương pháp sư phạm và tuân thủ các quy luật GDTC.
Ta có thể khái quát các nhân tố xác định tác động của BTTC như sau:
- Bản thân BTTC: Mỗi BTTC khác nhau (có cấu trúc, lượng vận động, độ phức tạp, tính mới lạ… khác nhau) sẽ gây phản ứng khác nhau lên cơ thể.
- Đặc điểm cá nhân người tập (lứa tuổi, giới tính, trình độ sức khoẻ, trình độ chuẩn bị thể lực…) khi thực hiện cùng BTTC sẽ có tác động khác nhau đối với mỗi người.
- Đặc điểm điều kiện bên ngoài cũng ảnh hưởng tới tác động của BTTC lên con người. - Phương pháp tập luyện khác nhau sẽ làm cho BTTC tác động lên con người khác nhau. Như vậy, để có thể xác định trước được hiệu quả BTTC, nhà sư phạm phải trả lời được 4 câu hỏi: Ai tập? Tập cái gì? Tập ở đâu? Tập như thế nào?
1.3. Phân loại các BTTC
Để có thể đạt được mục đích giáo dục nói chung và GDTC nói riêng, khi phân loại các BTTC phải căn cứ vào dấu hiệu sư phạm. Cho đến nay vẫn chưa có cách phân loại BTTC chung nhất mang tính khoa học đầy đủ.
Trong các tài liệu chuyên môn ta thường thấy các BTTC được phân thành 4 nhóm lớn: TD, TT, trò chơi và du lịch. Đó là những phương tiện, phương pháp lớn có tính chất độc lập, được hình
thành trong xa hội loài người, từ những hoạt động thực tiễn. Mỗi nhóm trên lại được chia thành các nhóm nhỏ (ví dụ: TD có TD có bản, TD phát triển chung, TD thi đấu…).
Một trong những cách phân loại được công nhận và phổ biến rộng rãi hiện nay trong thực tiễn là phân loại theo tố chất vận động và một số dấu hiệu phụ khác. Cụ thể ta có: các bài tập sức mạnh tốc độ, các bài tập sức bền có chu kỳ, các bài tập phối hợp vận động theo chương trình định mức chặt chẽ, các bài tập phát triển tố chất tổng hợp trong các tình huống và hình thức luôn thay đổi.
Bên cạnh đó, các môn khoa học phụ cận cũng có cách phân loại các BTTC theo quan điểm riêng của mình.
Ví dụ: Trong sinh cơ học người ta chia BTTC ra ba loại: Bài tập có chu kỳ, bài tập không có chu kỳ và bài tập hỗn hợp; trong sinh lý học thì người ta chia BTTC theo các vùng cường độ: cực hạn, dưới cực hạn, lớn và trung bình.
1.4. Kỹ thuật BTTC
• Khái niệm
Kỹ thuật BTTC là cách thức thực hiện hành động vận động mà nhờ đó nhiệm vụ vận động được giải quyết một cách hợp lý với hiệu quả tương đối cao.
Trong thực tế hoạt động TDTT, mỗi động tác (bài tập) đều có nhiệm vụ vận động và cách thức giải quyết nhiệm vụ đó.
Trong nhiều trường hợp để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể, có thể có nhiều cách giải quyết (ví dụ: khi nhảy cao có thể chạy đà từ nhiều góc độ khác nhau với điểm dậm nhảy gần, xa xà ngang khác nhau), nhưng trong có một cách giải quyết được nhiệm vụ vận động tốt nhất tạo thành kỹ thuật bài tập.
Khái niệm kỹ thuật BTTC và khái niệm hình thức BTTC dường như giống nhau, trong đó khái niệm hình thức BTTC rộng hơn khái niệm kỹ thuật BTTC.
Sự khác biệt giữa 2 khái niệm này là: thuật ngữ kỹ thuật BTTC không áp dụng cho mọi hình thức BTTC, nó chỉ ứng với một hình thức nhất định đưa lại hiệu quả cao và được hình thành trên cơ sở quy luật chuyển động.
Hiệu quả kỹ thuật BTTC phụ thuộc đặc điểm cá nhân từng người, nó là mức hoàn thiện cao nhất trong quá trình tiếp thu kỹ thuật của mỗi cá nhân. Do đó việc bắt chớc kỹ thuật cá nhân của một người nào đó (dù là VĐV ưu tú) là mù quáng, thiếu suy nghĩ, gây ảnh hưởng xấu tới thành tích TT.
Kỹ thuật của các VĐV cấp cao thường có tính ổn định, tính biến dạng, độ bền vững tính tự động hoá cao.
• Với một BTTC không chu kỳ, kỹ thuật có thể chia thành 3 giai đoạn: Chuẩn bị, cơ bản, kết thúc.
- Giai đoạn chuẩn bị: Tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện giai đoạn cơ bản. - Giai đoạn cơ bản: Nhằm giải quyết trực tiếp nhiệm vụ vận động .
- Giai đoạn kết thúc: Nhằm giữ thăng bằng cho cơ thể, nó thường được thực hiện chạm lại một cách tiêu cực hoặc "phanh" lại một cách tích cực.
Kỹ thuật BTTC ở mỗi thời điểm cụ thể chỉ mang tính tương đối, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển mà nó không ngừng được hoàn thiện dần.
Kỹ thuật BTTC được tách thành: Nguyên lý kỹ thuật, khâu cơ bản, các chi tiết kỹ thuật.
• Nguyên lý kỹ thuật BTTC là tổ hợp các khâu, các đặc tính trong cấu trúc động tác (động học, động lực học, nhịp điệu) cần thiết để giải quyết nhiệm vụ vận động theo một cách thức nhất định. Ví dụ: Nguyên lý kỹ thuật đập bóng chính diện theo phương lấy đà thể hiện sự phối hợp các bước: Chạy đà - dậm nhảy - vung tay đánh bóng theo một tuần tự phối hợp nhất định hết sức chặt chẽ nhằm đảm bảo thực hiện được động tác đập bóng.
• Khâu cơ bản của kỹ thuật BTTC là phần quyết định, quan trọng của Phương thức thực hiện nhiệm vụ vận động. Ví dụ: Trong nhảy cao là dậm nhảy kết hợp với đá lăng, trong các môn ném đẩy là ra sức cuối cùng.
• Chi tiết kỹ thuật là những đặc điểm thứ yếu không ảnh hưởng tới cơ chế cơ bản của động tác, nó thường phụ thuộc vào đặc điểm cá nhân.
Ví dụ: Trong nhảy cao, chân đá lăng có thể co nhiều hay ít; trong đập bóng, chạy đà có thể xa hay gần là do đặc điểm cá nhân của mỗi người.
Kỹ thuật BTTC được xây dựng phù hợp với đặc điểm cá nhân được gọi là kỹ thuật cá nhân.
1.5. Các đặc tính động tác
1.5.1. Đặc tính không gian
Các đặc tính không gian của kỹ thuật BTTC gồm có: Tư thế cơ thể và quỹ đạo chuyển động của các bộ phận cơ thể.