hình truyện kể cơ bản của văn bản trần thuật, tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật ngôn từ. Nhưng thực tiễn chứng tỏ, ở Việt Nam, khi văn học bước vào giai đoạn vận động theo hướng hiện đại hoá, các mô hình ấy chẳng những phát triển rực rỡ, mà còn song song cùng tồn tại.
Loại hình truyện kể lãng mạn chủ yếu là nhóm các sáng tác của các tiểu thuyết gia Tự lực văn đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo...). Bên cạnh đó, nhóm truyện đường rừng, truyện phiêu lưu, trinh thám của các tác giả Lan Khai, Thế Lữ, Lê Văn Trương, Phạm Cao Củng... cũng có thể xếp vào dạng cấu trúc này, bởi ta dễ dàng nhận ra những lớp truyện ưu trội như không gian truyện kể là cái
“khởi cuộc”, “câu chuyện về người chiến thắng” và hệ thống chức năng truyện kể của nhân vật như chức năng chinh phục, trợ giúp hay cản trở... Các lớp truyện, ở những lúc khác nhau sẽ bộc lộ một cách rõ nét hoặc ngầm ẩn tùy theo đặc trưng từng nhóm truyện. Như truyện đường rừng, trinh thám không đặt trọng tâm khai thác các xung đột cá nhân nhằm phác họa bức tranh thế giới lưỡng phân khốc liệt được quy định bởi nền tảng nhân sinh định hướng giá trị thẩm mĩ mà lại tập trung đặt con người trước hoàn cảnh để thử thách làm nổi bật những chiến công của họ. Tuy nhiên, có hiện tượng nhiều tác phẩm đã “phá vỡ” khung loại hình truyện kể ở cấp độ khái quát. Bình diện hành động của nhân vật nhường chỗ cho bình diện tâm lý. Kết thúc tác phẩm không nhất thiết phải khép lại một cách máy móc mà có thể là một thế giới mở ra, phù hợp với đặc điểm truyện hiện đại.