Khung: truyện kể về “cái đương đại đang tiếp diễn”

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 113 - 116)

Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 gồm ba kiểu truyện kể cơ bản: lãng mạn, bi kịch, trào phúng đã khái quát loại hình không gian văn hóa tiêu biểu về “khung” tinh thần thời đại của một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Nếu không gian nổi bật của truyện kể lãng mạn là cái khung về sự “khởi nguyên”, truyện kể bi kịch là khung về cái “chung cục” thì khung của truyện kể trào phúng lại về “cái đương đại đang tiếp diễn”. Toạ độ không - thời gian của cái “đương đại đang tiếp diễn” là khu vực cư ngụ phổ biến của hình tượng tiểu thuyết. Đó là thế giới của những chuyện phù vân, giang giở. Ở đây, các chủ thể lời nói được đặt trên một mặt bằng giá trị và tách ra thành một quan hệ “đối thoại”. Cái “khởi nguyên” là cái bất tử, ở đây “chết” chẳng qua là chuyển sang một không gian khác để chuẩn bị cho sự tái sinh. Đó là thế giới vĩnh hằng, vận hành theo quy luật tuần hoàn, chẳng bao giờ biết tới cái “chết” và sự “kết thúc”. Cái “chung cục” là một bước tiến mới trong tư duy truyện kể của nhân loại. Nó gợi ra vấn đề về tính mục đích và ý nghĩa của tồn tại. Vì thế cái “chết” và sự “kết thúc” là những phạm trù có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cấu trúc truyện kể. Nó đặt cái “chết” vào chỗ kết thúc của truyện kể, đồng nhất cái chết với sự kết thúc của cái ác.

Không gian truyện kể trào phúng mang đặc điểm không gian của một sân khấu hài đời. Mọi sự vật, sự việc, sự kiện truyện kể diễn ra như bản thân hiện thực đem đến cho người đọc cảm nhận về sự tiếp diễn, không hoàn kết. Đặc điểm này khiến truyện có thể dung nạp những “tạp chất” bộn bề của cuộc sống, tạo nên sự dư thừa so với khung truyện kể thông thường, khó có thể xác định đâu là điểm “mở đầu” hay “kết thúc” sự kiện, hành động truyện kể. Không gian của cái đương đại đang tiếp diễn cho phép người nghệ sĩ “tiếp cận tối đa” với hiện thực trên nhiều bình diện, thâm nhập vào bản chất đối tượng để quan sát, miêu tả. Vì thế, ở truyện kể trào phúng nhà văn không tạo nên nhiều xung đột bên ngoài giữa hai lực lượng đối lập mà trọng lực của họ là thể hiện trạng thái xung đột trong bản thân sự vật. Nhân vật không nhất thiết lần lượt đứng ở hai đối cực khác nhau về môi trường sống, địa vị xã hội, phẩm chất đạo đức. Cơ chế tổ chức truyện kể có thể là sự phân thân, hoàn nhập trong bản thân hình tượng nhân vật.

Không gian “đương đại” được mỗi nhà văn khái quát khác nhau trong truyện kể của mình. Vũ Trọng Phụng thường sử dụng những khái niệm mang tính khái quát về không gian, thời gian hiện thực như: sự đời, ở đời, trên đời, loài người, kiếp

người, con người ta, khi cuộc đời là cuộc đời, từ xưa đến nay, bao giờ cũng... với mong muốn “đưa hết thảy hiện thực lên sân khấu” bằng triết lý bi quan định mệnh chủ nghĩa và nhãn quan “vô nghĩa lý”. Nói như Hoàng Như Mai: những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là “những câu trắc nghiệm, hoặc nói ví von cho dễ hình dung hơn, là một tấm gương có pháp thuật, người nào soi vào đấy sẽ thấy tất cả y phục, thịt xương trở nên trong suốt để phơi bày ra tất cả những gì ẩn kín, giấu kín trong lòng, tất cả đều hiện lên rõ ràng không tài nào bưng bít được” [155; 284- 285]. Tác giả của những thiên tự sự trào phúng xuất sắc Số đỏ, Trúng số độc đắc, Cơm

thầy cơm cô... đã phát triển kho tàng trào phúng Việt Nam, bổ sung những kiểu

cười mới, thêm hoàn thiện lớp từ về cười cợt trong Tiếng Việt, như Nguyễn Tuân nhận định: “tạo thành một biên chế đầy đủ thang bậc”. Mỗi thời xã hội lại có sự hỗn loạn, lố lăng một kiểu, nhưng sự lố lăng thời Vũ Trọng Phụng đã một đi không trở lại. Đó là sự lố lăng giao thời giữa văn hoá Đông - Tây mà thời đại và lịch sử đã tạo ra. Ngoài yếu tố “văn tài” ra, Vũ Trọng Phụng rất may mắn là gặp thời để tạo ra dấu ấn điển hình, nhân vật điển hình. Ví dụ như hình tượng Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan chính là những sản phẩm điển hình của đô thị hoá, chắc chắc ta không bao giờ tìm được nhân vật này ở nông thôn ngày đó cũng như ở đô thị của bất kì một thời nào khác. Sự ghi chép tỉ mỉ, chân thực và tinh tế của nhà văn đã tạo ra một nhân vật tiêu biểu cho một loại người. Tất cả đã tạo ra một cái không gian đặc trưng, không gian một thời “không bao giờ trở lại” trong văn học nghệ thuật Việt Nam.

Nguyễn Công Hoan cũng quan niệm đời là những người, những sự việc xấu xa của bối cảnh xã hội mới đầy nhố nhăng. Bọn thực dân, phong kiến như một phường chèo, vẽ mặt, đeo râu, hò hét, múa may để lừa bịp thiên hạ. Bọn tư sản Âu hóa thì xa hoa, bóng bẩy đến kệch cỡm, nhặng xị. Chúng là những diễn viên hài đích thực trên sân khấu cuộc đời, là “con đẻ” của xã hội thời Tây. Không gian trong

Đào kép mới, Kép Tư Bền... là bức tranh sống động, nhân vật “cựa quậy”, nói năng,

đi lại, mặc nhiên phô bày hết bản chất của mình trước “bàn dân thiên hạ”. Bức tranh ấy là không gian sống, không gian của cái đương đại đang diễn ra trước mắt người đọc, không giống như không gian quá khứ tuyệt đối của sử thi hay không gian huyền thoại cổ tích để người ta có thể tìm và cắt nghĩa dễ dàng về điểm “mở đầu” và “kết thúc” sự kiện.

Khác với Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Công Hoan, các nhà văn Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển... không hoàn toàn bi quan, phủ định sạch trơn mọi giá trị để xem

con người và cuộc đời là vô nghĩa lý, cũng không rơi vào triết lý định mệnh chủ nghĩa. Họ vẫn tin vào khả năng phát triển rất cao về tài năng, đức độ và nhân cách của con người. Ý nghĩ sâu sắc của các nhà văn này là nhìn cuộc sống một cách bao dung, độ lượng nhưng lại vấp phải một thực tế đau xót là con người hầu như ai cũng sống trong cảnh “chết mòn”. Từ ý thức “chết mòn” về mặt tinh thần của con người, một kiểu chết không thể nào cứu vãn, họ vô cùng đau đớn khi thấy con người sống như con người có tư tưởng, có tâm hồn, có văn hóa, nhân cách, chủ yếu do sự đói khát trước cảnh “áo cơm ghì sát đất” mà trở thành những con người ích kỉ, nhỏ nhen, đố kị, hèn nhát, giả dối... Không gian trong các truyện kể Sống mòn, Đời thừa, Cười, Quên điều độ, Nhỏ nhen (Nam Cao); Giăng thề (Tô Hoài), Cái đồng hồ (Bùi Hiển)... rất đặc trưng cho cuộc sống tầng lớp trí thức tiểu tư sản trước cách

mạng. Đặc biệt, yếu tố tự truyện trong số một tác phẩm có tính chất tự trào của Nam Cao khiến nó càng bám sâu vào mảnh đất hiện thực, tinh thần thời đại. Trong Sống

mòn, tuy Nam Cao không dùng ngôi thứ nhất để thể hiện, nhưng người đọc vẫn có

thể nhận thấy bóng dáng cuộc đời của nhà văn qua nhân vật Thứ. Cũng nghèo túng, lận đận, vất vả, cũng bi quan, vỡ mộng rồi tự vượt lên chính mình để tạo ra một cuộc đời mới. Cuộc đời của Thứ có nhiều nét cơ bản được khai thác từ cuộc đời chính tác giả. Vì thế mà cái khung truyện kể không tách rời cái đương đại đang tiếp diễn tựa như cái “tiểu sử” của nhà văn và nhân vật.

Cái khung đương đại đang tiếp diễn còn thể hiện qua các hình thức “kết thúc” ở mỗi truyện. Cụ thể hơn, cuộc hành trình của nhân vật có thể khép lại nhưng truyện kể vẫn tiếp tục. Hoặc sự “kết thúc” truyện chỉ là tạm thời, hành động truyện tiếp tục hồi cố và phát triển. Cuối truyện Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), lão thầy số “thao thao bất tuyệt” rằng “ông Xuân tôi thật là số anh hùng, vĩ nhân. Ấy chính là khoa quyền lộc cung, vua biết mặt, chúa biết tên, lại vợ cũng đẹp, con cái cũng lắm...” [167; 494]. Mở đầu truyện bằng chương “Số đào hoa của Xuân Tóc Đỏ” ông thầy số đoán mệnh Xuân Tóc Đỏ: “Sau này danh phận cũng to cơ đấy” để thấy ông không nói sai, nhân vật đã đi đúng “lộ trình”, “quỹ đạo”. Trên mảnh đất “màu mỡ”, nhiều điều thuận lợi cho nhân vật tiếp tục phát triển. Còn cụ Cố Hồng thì “chỉ những muốn đấm vào mặt ông ấy (ông thầy số) vì cái tức không được ông ấy đấm vào mặt mình, cụ Hồng nhắm mắt lại, ho lụ sụ lên một cách cổ điển, ôm ngực mà khặc khừ: Biết rồi, khổ lắm!... nói mãi!!!” [167; 494]. Đây là câu nói “vô nghĩa lý” thứ 1873 của Cố Hồng sau 1872 câu mà thằng bồi tiêm đã đếm được trong khi chuẩn bị tang lễ với tinh thần “phấn khởi”, “hạnh phúc” cho cụ thân sinh ra ông. Sự

xuất hiện của nó vào lúc này khiến cho mạch truyện kể chưa thể dừng lại, nhân vật đã “trở về” với bản chất và câu chuyện lại tiếp tục.

Cuối mỗi truyện kể của Nam Cao thường là một định đề giàu tính khái quát, triết lý khiến nó cắm sâu rễ, bền gốc vào thế giới hiện thực, vào cái khung đương đại: “người điều độ thật là một người khôn ngoan” (Quên điều độ), “liều thuốc

dùng để giải uất: tiếng cười” (Cười), “cuộc sống vốn không tha thứ cho những gì quá thơ” (Một truyện xuvơnia), “người ta chỉ được hưởng cái gì mình đang hưởng thôi” (Sống mòn)... Không gian “đương đại” phù hợp với các truyện kể trào phúng, thể hiện sự gắn kết giữa hình thức thể loại với tài liệu hiện thực tạo nên câu chuyện về cái nực cười.

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 113 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)