Trở về nước năm 1930 Nhất Linh cùng Hoàng Đạo và Thạch Lam xin cấp phép xuất bản tờ báo trào phúng Tiếng Cười. Nhất Linh nhận thấy báo chí thời bấy giờ nếu không thông tin một chiều thì tờ báo chỉ lí luận suông chán ngắt. Mặc dù khi bấy giờ đã có tờ báo châm biếm là tờ Duy Tân do Nguyễn Đình Thấu đứng tên chủ nhiệm và chỉ có hai ký giả là Lãng Nhân (Phùng Tất Đắc) và Tchya (Đái Đức Tuấn). Báo chủ trương: "Cười cợt để sửa đổi phong hóa" thực ra báo cũng châm biếm thời thế, châm biếm phong hóa hủ lậu, châm biếm thực dân Pháp và nhiều đồng nghiệp nữa. Bởi thế báo bị mọi phía đều ghét nên chỉ xuất bản được 22 số.
Dư luận tin rằng tờ Tiếng Cười xuất bản thay thế thì chắc chắn được quần
chúng mến mộ tựa như một cuộc cách mạng trong làng báo quốc ngữ. Nhất Linh lo tìm kiếm những ai cùng chí hướng để tổ chức toà soạn và đã được Tú Mỡ khi đó đang làm việc cho chính quyền bảo hộ nhận làm trợ bút phụ trách mục thơ trào phúng thật thích hợp với sở trường riêng mà Nhất Linh đã khám phá thấy. Tú Mỡ
sáng tác khá nhiều thơ cho tờ Tiếng Cười nhưng chờ mãi vẫn không được cấp giấy phép. Nhất Linh không chịu khuất phục cố xoay sở mọi cách, lại tiện có tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh đang dở sống dở chết sắp đóng cửa nên điều đình thuê lại
và tổ chức mới hoàn toàn từ hình thức đến nội dung biến thành tờ báo trào phúng đầu tiên của làng báo ngày đó. Kể từ ngày 22.9.1932 báo Phong Hóa ra tám trang, chú trọng về văn chương và trào phúng, với chủ trương: "Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới. Không khuất phục thành kiến. Không làm nô lệ ai, không xu phụ một quyền thế nào. Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động. Lấy thành thực làm căn bản. Lấy trào phúng làm phương pháp, lấy tiếng cười làm vũ khí." [245]. Thế là từ một tờ báo không ai biết đến, nó trở thành một tờ báo thu hút được mọi tầng lớp quần chúng ngay từ số ra mắt, cả nước biết tới, tạo niềm vui sống khi con người buồn chết vì khổ đau, vạch mặt làm bia chế giễu những kẻ tai to mặt lớn, sống trên sự đè nén bóc lột kẻ dưới, cấp trên thì luồn cúi đã gây nhiều căm thù trong quần chúng. Phụ trách báo Phong Hóa gồm cả Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Tú Mỡ. Nhưng Tú Mỡ phụ trách mục thơ tráo phúng "Giòng nước ngược" vẫn là chủ công tạo nên sức sống của Phong Hóa. Mục thơ này nhằm cười đời một cách hóm hỉnh, thanh nhã mà chua cay. Thời kỳ đầu, báo quan tâm nhiều hơn đến đời sống dân nghèo, nhưng về sau những đối tượng này được phản ánh mờ nhạt dần, dành dung lượng cho giới trí thức, tiểu tư sản thành thị. Nói cách khác, báo ngày càng xa rời quần chúng, tiến gần hơn đến tầng lớp trên trong xã hội, đến đầu năm 1936 buộc phải đóng cửa và nhường lại diễn đàn cho báo Ngày Nay, Hà Nội báo ...
Khái lược lịch sử hình thành và phát triển diễn đàn của văn thơ trào phúng nửa đầu thế kỷ XX để thấy rằng ý thức xây dựng môi trường cho thể loại này của giới nghệ sĩ nước nhà đã hình thành từ sớm với thái độ trăn trở, quyết tâm đầy trách nhiệm. Trước khi nở rộ tiểu thuyết và truyện ngắn trào phúng, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện cũng như thành tựu của nhiều thể loại khác như thơ trào phúng (Tú Mỡ), phiếm luận trào phúng (Phùng Tất Đắc), tiểu luận trào phúng (Ngô Tất Tố), phóng sự trào phúng (Tam Lang)... với tinh thần “cười cợt để sửa đổi phong hóa” đem lại sự thăng bằng cho cuộc sống, sàng lọc tinh thần con người, xã hội. “Phong hóa”, nói một cách tổng quát nhất là “phong tục, tập quán và nếp sống của một xã hội” [166; 782]. Văn học trào phúng nói chung và văn xuôi trào phúng nói riêng cần gìn giữ, phát huy truyền thống thuần phong mĩ tục, nề nếp của xã hội. Do đó cái “mã phong hóa” chính là định hướng giá trị thẩm mĩ của thể loại này.
Xã hội Việt Nam trước cách mạng 1945 diễn ra hai cảnh trái ngược: giai cấp cần lao nghèo khổ ngày càng cơ cực, kiệt quệ đến thảm hại về nhân hình, nhân tính. Còn tất cả các tầng lớp khác vừa làm giàu trong dịp kinh tế khủng hoảng bằng bóc lột, đàn áp, đầu cơ, tích trữ, cho vay, bỗng vùng dậy ăn chơi xa xỉ đến cùng độ, hưởng lạc đến điên cuồng. Nói như Thiều Quang thì “cái văn minh tư sản Tây phương gieo rắc những tác hại trên đất nước Việt Nam, đẻ ra những hạng người mất gốc, những con người thiếu nhân bản, dập tắt ở con người tất cả cái gì là người nhất (cái liêm sỉ, cái tự trọng, cái lương tâm) để cấy thay vào bằng cái chủ nghĩa khoái lạc, cái nhục dục, cái dâm dật, cái tính ích kỉ, vụ lợi, xảo quyệt, cái cam tâm bán linh hồn, bán dân, bán nước để mưu vọng những cái hão huyền chốc lát. Rồi là kiêu căng, lên mặt, bắt nạt, đàn áp” [171; 613]. Dưới con mắt của các “phóng viên điều tra xã hội học” và nghệ thuật trào phúng, giọng điệu giễu nhại, mọi hiện tượng xã hội đã được khái quát thành những hình tượng nghệ thuật giàu sắc thái ý nghĩa.
Phong trào Âu hóa là tinh thần của lớp thanh niên mới (nhất là giới nữ), kẻ thù của luân lý gia đình phụ quyền gia trưởng. Xét về nhiều phương diện, nó có yếu tố tích cực, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, nhưng không phải không có những tiêu cực, hệ lụy. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài và một số nhà văn trào phúng khác hướng vào những tiêu cực của phong trào này để giễu nhại, châm biếm. Đối với Vũ Trọng Phụng, Âu hóa là trụy lạc, xa xỉ và là “đất diễn hài” của những con rối Văn Minh, Tuyết, Typn, Phán mọc sừng... Nào là phụ nữ theo mới phải có “hai cái tình”, có chồng thôi mà không có nhân tình là hèn, là xấu, không có đức hạnh, không nhan sắc thông minh gì cả nên “chẳng ma nào nó thèm chim”. Nào là mốt tín ngưỡng theo lối Phật giáo cho hợp thời trang kiểu như sư đi hát cô đầu, ăn thịt chó hầm rựa mận và bút chiến theo lối nhà Phật, nghĩa là nguyền rủa nhau là “ghẻ ruồi”, “ghẻ tầu”, “ghẻ lào”, “hóa hủi”, “cụt chân cụt tay”... Nào là cổ xúy “mốt bình dân”, ai cũng tự xưng bình dân và Xuân Tóc Đỏ là “mẫu mực” của bình dân. Nào là mốt khai trí quốc dân bằng cách bổ sung và từ điển Hội Khai trí Tiến đức những từ như “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”... Hay là cổ xúy tinh thần thể thao: một cuộc đắc thắng của thể thao, một sự tiến bộ của Việt Nam, sự “cường thịnh của nòi giống”...
Nguyễn Công Hoan, do xuất thân từ gia đình nhà Nho thất thế nên ông thường đứng trên lập trường phong kiến để phê phán những cái gì trái với đạo đức, nề nếp gia đình phong kiến. Ông cảm nhận rất rõ sự biến dạng trong từng “tế bào xã hội” đến sự đảo lộn mọi giá trị của toàn xã hội. Thế giới khúc xạ qua lăng kính
Nguyễn Công Hoan vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Nhà văn thừa nhận: “Tôi sinh trưởng trong một gia đình phong kiến suy tàn vì chế độ đổi thay, nên bị lép vế. Do đó, tôi đã chịu sự giáo dục hằn học với bọn quan lại ôm chân đế quốc để mưu cầu phú quý trên lưng những người nghèo hèn” [66; 312]. Cũng chế giễu lối “Âu hóa” nhưng sắc thái giọng điệu Nguyễn Công Hoan nhẹ nhàng hơn, ví dụ như chế giễu các cô gái mới trong Truyện Trung kỳ, Cô Kếu - gái tân thời... Trong Truyện Trung kỳ, tác giả chế giễu sự hư hỏng của cô gái mới qua diễn
tả quá trình chuyển đổi nhanh chóng thái độ, hành vi nhân vật trong quan hệ luyến ái nam nữ. Trước lời tán tỉnh của người trai trẻ, lần thứ nhất cô khinh bỉ “nhổ nước bọt”, lần thứ hai phản ứng quyết liệt “bằng cách lặng im”, lần thứ ba cô còn đi chơi với anh chàng và bóc cam cho người tình ăn (trong khi bố cô đang ốm nằm ở nhà và những quả cam cô mua về cho bố). Còn cô Bạch Nhạn (tên cúng cơm là cô Kếu) trong Cô Kếu - gái tân thời lại bị tác giả chế giễu trong tình huống giằng co, vật lộn giữa cái “cổ điển” và cái “Tây hóa”. Cái tên “Cô Kếu” nghe quê mùa, quanh năm cô chỉ được “mặc đồ thâm như người có trở, trông tối sầm như bà cụ”. Cô mơ màng đến ngày cưới cô, “quyết thế nào cũng xin mặc quần trắng, áo xa-tanh hồng, thêu hoa to bằng cái bát, mặc lối tân thời từ đỉnh đầu đến dưới gót”. Rồi cô thèm quá, không chịu nổi, đành liều, giấu bà cụ đi sắm một mẻ toàn những thứ tân thời (giầy cao gót, quần lụa Nhật Bản, áo sơ mi viền đăng-ten, áo dài sặc sỡ chi chít hoa lá, cái ví đầm bằng da hung hung để đựng đồ trang sức...). Nhưng những thứ ấy cô không dám để ở nhà mà gửi ở nhà bạn. Chiều nào cũng sang để vận thử những đồ đó “trong độ nửa giờ”. Những hôm “trời mưa lướt sướt cả ngày, thì cô nóng ruột quá. Mà cứ đến cái giờ ấy, quái lạ, cô nằm bẹp dí, chẳng thiết làm cái phải gió gì cả” [67; 279].
Thói lẳng lơ, trăng hoa, dâm đãng làm bại hoại gia phong, nhân phẩm con người cũng bị các nhà văn trào phúng phản đối gay gắt bằng cách hướng ngòi bút để chế giễu, bỡn cợt. Truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan nhan nhản những “tấm gương” như thế. Quan bà (Một tấm gương sáng) được nhận bốn chữ
vàng “Tiết hạnh khả phong” bằng cách vứt bỏ chính cái danh tiết của mình mà “bò dần vào từng bộ giường ngủ” của các quan khác. Bà đốc (Thế là mợ nó đi Tây) “trả nghĩa” chồng bằng cách “lấy thêm ông chồng mới”. Cô vợ ngồi nghe chồng và anh bạn chồng nói chuyện mà “con mắt đưa tình, miệng cười chúm chím”, “mấy đầu ngón chân nghí ngoáy trên đùi” bạn của chồng (Samandji). Một ông quan nọ “dạy vợ” bằng cách vác ba toong nện vợ vì không nghe lời ông đi ngủ với quan trên
Vũ Trọng Phụng viết khiêu dâm đã lật tẩy một xã hội dâm “từ trong ruột”: “nó dâm, mẹ nó dâm, vợ nó dâm, con nó dâm, dâm trong nhà, dâm ngoài đời... thằng bé chưa ráo máu đầu cũng biết dâm...” với suy nghĩ “Phải như thế mới giáo hóa nổi cái xã hội này. Lấy vi trùng bệnh mà trị bệnh, cứ thuốc bổ mà tiêm cho đời mãi thì chúng nó chỉ càng phì nộn ra, bệnh càng lẩn vào trong và càng nguy hiểm” [171; 611]. Xã hội trong Giông tố và Số đỏ được Vũ Trọng Phụng miêu tả thể hiện tất cả “cái dâm” ấy với mong muốn “chữa bệnh cho phong hóa” bằng những “biệt dược”.
Các nhà văn trào phúng không chỉ phê phán, chế giễu lối sống hiện đại “Tây quá” khiến tinh thần thời đại lung lay mà còn chế giễu mặt trái truyền thống luân lý, đạo đức bị uy quyền của đồng tiền, dục vọng và lực lượng phản nhân văn phá vỡ. Đây chính là nguyên cớ cốt lõi của tình trạng suy đồi phong hóa, mọi nỗi xấu xa của xã hội. Việc báo hiếu cha, mẹ là truyền thống đạo lý tốt đẹp muôn đời của mọi dân tộc nhưng cách báo hiếu của ông chủ hãng xe Con cọp trong Báo hiếu: trả nghĩa
cha, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ (Nguyễn Công Hoan) thì thật tàn nhẫn, đau xót. Tiếng cười phát ra ngay lập tức thấm lẩn ngược như sát muối tâm can. Cũng tình huống tương tự, gia đình cụ Cố Hồng trong Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) lại báo hiếu ông cha bằng cách tổ chức đám tang vô cùng hoành tráng, hoan hỉ, hạnh phúc. Niềm vui sướng tột độ không kìm giữ được trong nội bộ gia đình mà tràn ngập sang cả những người bên ngoài. Những người đi đưa đám ai cũng có sắc mặt “rất đúng mốt”, trong lòng lại dưng dưng một niềm vui sướng riêng.
Đồ Phồn tên thật Bùi Huy Phồn sinh năm 1911 trong truyện Một Chuỗi Cười diễn tả thái độ tình cảm thương xót của con cái trước tin về cái chết của bà mẹ
già. Người con trai lo lắng bởi trước đó đã bịa ra chuyện mẹ chết để xin nghỉ phép đi chơi với người tình và đã nhận đồ phúng điếu nay làm sao về? Không về thì gia tài năm mẫu ruộng sẽ chia chác ra sao? Còn cô con gái nữa giải quyết sao? Đây xem điễn biến thảm kịch đó:
“Lúc cô ta đang đánh tổ tôm thì bà vú già đến bảo:
- Bẩm mợ, có dây thép ở nhà quê của ông Cả đánh lên nói cụ nhà mệt nặng lắm, cậu con bảo mợ phải về ngay! Mặt mợ Tham bỗng tái đi. Tay mợ cầm bài bỗng run lên. Ai nấy đương chờ một tiếng hét, một cái ngã vật xuống giường, hay ít ra, một tràng khóc rống lên khi nghe cái tin sét đánh ấy!
Người ta đã đoán trúng. Vì quả nhiên mợ hét lên: Ôi mẹ ôi! Thế là tôi mất…ù tam văn!” [245].
Phong hóa như là điểm tựa định hướng giá trị thẩm mĩ trong các truyện kể trào phúng. Nó được bộc lộ qua nhiều mối xung đột, mâu thuẫn nhưng xung đột thế sự giữa các lực lượng xã hội, giữa tầng lớp trên - tầng lớp dưới, giữa giàu - nghèo giữ vai trò chủ yếu. Tiếng cười trong văn xuôi Việt Nam trước cách mạng là tiếng cười có ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc, gắn yếu tố chủ quan của người nghệ sĩ với khách quan hiện thực. Nên những “nụ cười ấy đau khổ hơn cả tiếng khóc”. Nhà văn và chúng ta cười những Xuân Tóc Đỏ, Phó Đoan, Typn, Cố Hồng, Kép Tư Bền, Cô Kếu, Thị Nở, Trạch Văn Đoành, Lang Rận... cũng có nghĩa là nhà văn và chúng ta quan niệm con người phải lương thiện, đạo đức, chân thật, cương nghị, dũng cảm... “Ấy là một chủ nghĩa nhân văn chân chính, cao đẹp. Nhà văn muốn được tin cậy vào con người nhưng con người ấy phải đúng là con người” [155; 236].