Hài hước, một dạng của cái hài ở cấp độ ban đầu, nền tảng tạo nên đặc điểm nghệ thuật trào phúng bằng cách “khéo léo, nhẹ nhàng vạch ra các mâu thuẫn, tạo cái cười bất ngờ, giúp người ta nhận ra sự trớ trêu của tình huống, mỉm cười mà phân biệt đúng sai” [49; 114]. Mâu thuẫn đó thể hiện ở sự mất hài hòa, cân đối giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, hữu lý và vô lý, tất nhiên và ngẫu nhiên, lý tưởng và thực tế. Đọc tác phẩm của các nhà văn hiện thực Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... tiếng cười bật ra một cách tự nhiên khi phát hiện ra xung đột đáng cười. Đầu tiên là xung đột giữa một vẻ ngoài đẹp đẽ, có ý nghĩa với thực chất bên trong là xấu xa, vô nghĩa.
Trong Báo hiếu: trả nghĩa cha, Báo hiếu: trả nghĩa mẹ, Nguyễn Công
Hoan đã khai thác triệt để mâu thuẫn, xung đột giữa bản chất với hiện tượng, giữa hình thức với nội dung. Đây là hai truyện, song thực chất chỉ là một, là sự báo hiếu của một ông con quý tử - chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng ô tô “Con cọp” với đấng sinh thành ra mình. Ở phần một, tác giả dùng ngòi bút khách quan để mô tả một đám giỗ linh đình mà người dự toàn là những thượng khách “tai to mặt lớn” của ông chủ đang báo hiếu cha. Ông mời thật đông thực khách để tỏ rằng mình tuy nhờ trời làm ăn được khá nhưng chẳng phải hạng uống nước quên nguồn, bởi đạo
làm con thì phải báo hiếu cha mẹ, để khỏi phụ công sinh thành dưỡng dục. Ai đến, ông cũng chắp tay vái chào cung kính, rồi mời mọc ân cần, “quí quí hóa hóa, ăn nói rõ ra một nhà nề nếp, gia giáo”. Đến phần sau, tác giả cũng lạnh lùng miêu tả một bà cụ trong cảnh mưa phùn gió rét thấu xương đang lang thang tìm nhà con mình. Bà đã bị ông chủ mắng nhiếc, vứt cho hai hào rồi đuổi bà đi, lại lệnh cấm các xe không được kéo bà ấy “cho mà đi bộ để bận sau chừa”. Bà cụ ấy chính là mẹ ông chủ. Kết truyện, tác giả xót xa: “Mưa để khóc, gió để rên. Rét để cắt đứt ruột mẹ người con, mà họ đương khen là hiếu tử” [67; 244].
Truyện hai Báo hiếu: trả nghĩa mẹ, nhà văn đã xây dựng một vở bi hài kịch hoạt kê đến năm màn nhưng được nén lại trong mấy trang truyện. Ông chủ đã “đuổi mẹ” về, nhưng chắc “bà ấy phải đi bộ về mà lạc đường, mới quay trở lại”. Xung đột giữa ông chủ và bà chủ đã diễn ra căng thẳng: ông chủ thề “tôi không đuổi thì tôi chết”, bà chủ thì lu loa “con gái già, nó hại tôi” và “quyết không để con mẹ ấy yên đêm nay”. Sáng hôm sau, người làm trong nhà xì xào với nhau về cái chết của bà cụ: “Uất mà chết? Thắt cổ? Uống phải thuốc độc?... Chỉ đích thị rằng cái tin cáo phó “cụ chẳng may thụ bệnh” và “sẽ làm lễ an táng tại nghĩa trang hàng tỉnh” được đăng trên mười tờ báo hàng ngày, lại in riêng thêm một nghìn tờ nữa “thành ra ngót bốn vạn tờ ở nhà bưu điện chạy ra như bươm bướm khắp các nơi”. Đám tang thì tổ chức linh đình, bức truyền thần bà cụ quá cố thì áo gấm, giầy văn hài, hoa tai, hột vàng... làm ai cũng phải khen hiếu chủ đã khéo trả nghĩa mẹ, nhất là khi ông chỉ mặc xô gai, quá thương bà cụ như muốn đập đầu vào quan tài chết theo mẹ. Còn bà chủ thì kêu khóc thảm thương, như muốn ngất đi, muốn chết theo mẹ “còn hơn phải bơ vơ như chim mất tổ”. Tác giả phải não lòng kết truyện “Giá bà cụ biết rằng mình được con nó báo hiếu, làm đám ma long trọng dường này, thì hẳn cũng ngậm cười. Mà nhất là giá bà cụ lại trông thấy trước con dâu mình nó thương mình quá thế, thì chắc lúc “thụ bệnh”, cụ chẳng đành tâm mà nhắm mắt!” [67; 252]. Nguyễn Công Hoan đã chế giễu, nhạo báng sâu cay cái bề ngoài giả dối, che phủ cái bề trong vô đạo của nó.
Nguyễn Công Hoan viết nhiều truyện khác nữa mà ý nghĩa trào phúng được khai thác từ xung đột điển hình giữa nội dung và hình thức, giữa bản chất và hiện tượng như Tinh thần thể dục, Xuất giá tòng phu, Xin chữ cụ Nghè, Giá ai cho cháu một hào...Với Tinh thần thể dục thì việc đi xem bóng đá, lẽ ra là một điều thích thú, một biểu hiện của đời sống tinh thần văn minh, hiện đại nhưng nó lại được miêu tả như một thảm họa, một cuộc truy lùng giặc, làm cho người dân sợ hãi, điêu
đứng. Cái chính sách thực dân không xuất phát từ nhu cầu “miếng cơm manh áo” thực tế của người nghèo nên mới xảy ra mâu thuẫn đáng buồn cười đến mức kỳ cục. Trát của Quan tri huyện X.X sức hương lý xã Ngũ Vọng tuân cứ phải “thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng mười hai giờ trưa đến xem, không được khiếm diện” và ai cũng phải “ăn mặc tử tế, đứng nghiêm chỉnh, phải vỗ tay luôn luôn”. Thế là ở làng diễn ra cảnh bắt bớ, quát tháo, dẫn giải đi xem bóng đá trong tiếng kêu than rầm trời “lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết”, “lạy thầy, nhà con thì chưa cất cơn... thầy tha cho nhà con, đừng bắt nhà con đi xem đá bóng vội” [67;220- 221]... Mục đích sự việc bên ngoài có vẻ mang tính chính nghĩa nhưng thực chất phi nghĩa của chính sách phi nhân tính của thực dân. Còn gì kỳ quặc hơn cái chủ trương của thực dân Pháp tránh cho tỉnh thành, phố xá khỏi mất vẻ mỹ quan bằng cách cho giải những người ăn mày về nguyên quán mà không tính chuyện sắp xếp công ăn việc làm cho họ. Mỗi lần giải như thế mất đến tám đồng bạc phụ phí cho tiền tàu xe, tiền ăn đường, tiền phụ cấp cho lính... trong khi thằng bé chỉ cần có một hào để mua nồi đi gánh nước thuê hoặc đi bán nước vối mà không được (Giá ai cho cháu một hào). Ở Chính sách thân dân thì bề ngoài nhân đức mà thực chất bên trong lại bất lương. Ở Đồng hào có ma thì xung đột lại thể hiện ở dạng bề ngoài oai nghiêm sang trọng nhưng bên trong thực chất là “ăn bẩn”, ăn cướp trên mồ hôi nước mắt của người lao động khốn nạn. Thế là mợ nó đi Tây thì bên ngoài tiết hạnh, thủy chung nhưng thực chất là dối trá, hư hỏng, lẳng lơ. Hoặc một sự vô lý như để thăng quan tiến chức “ngài kia” đã dùng “luân lý” “giáo dục” để bắt vợ phải đi ngoại tình với quan trên
(Xuất giá tòng phu).
Từ nhãn quan hiện thực về một xã hội nhố nhăng, vô đạo đức đáng lên án, phỉ nhổ, Nguyễn Công Hoan đã nâng các đặc điểm vốn có của đối tượng lên mức khôi hài, lố bịch, làm cho người đọc nhận thức được mặt trái của hiện tượng đã tới mức phải căm ghét, phẫn nộ, đôi khi có sức kích động “khiến người đọc cảm thấy cần thiết phải tiêu diệt hiện tượng đó và cả những điều kiện sản sinh ra nó trong cuộc sống” [154; 405].
Nguyễn Công Hoan nhìn cuộc đời như là “một sân khấu” mà diễn viên hài chính trên sân khấu ấy là “những con rối”, đang chủ động hoặc bị động làm trò cho thiên hạ. Vũ Trọng Phụng lại nhìn cuộc đời với nhãn quan “vô nghĩa lý” nên ở đâu, cái gì cũng gắn với ba chữ “vô nghĩa lý”: cử chỉ vô nghĩa lý, hành vi vô nghĩa lý, hiện tượng vô nghĩa lý, sự kiện vô nghĩa lý, tính cách vô nghĩa lý... Cho nên xã hội,
con người cũng cần “sửa sang” để trở nên “có nghĩa lý” kiểu như Hải Vân, Tú Anh, Huyện Liên (Giông tố) hoặc Phúc (Vỡ đê)... Cũng như Nguyễn Công Hoan, Vũ
Trọng Phụng luôn nhìn cuộc đời rất thẳng thắn, “nghiêm túc”, tức là dám nhìn sâu vào cái bản chất bên trong của sự vật. Và không những ông thấy được mâu thuẫn mà còn cắt nghĩa sâu sắc mâu thuẫn giữa bản chất xấu xa ẩn dấu bên trong được che đậy bằng cái vỏ hình thức bề ngoài có vẻ đẹp đẽ, sang trọng. Song khác với nhà văn cùng thời của ông ở chỗ là Nguyễn Công Hoan thường nhằm vào những khoảnh khắc hiện thực, tâm lý của một loại nhân vật dồn tụ lại trong thể loại truyện ngắn như các trò mị dân, trò làm phúc, trò công minh chính trực, trò hiếu nghĩa, tiết hạnh... Vì thế, người ta không tìm thấy tiểu thuyết trào phúng trong kho tàng sáng tác của Nguyễn Công Hoan. Còn Vũ Trọng Phụng thì thông qua thế giới hình tượng gồm đủ hạng người với những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp trong cuốn tiểu thuyết Số đỏ điển hình. Những chân dung trào phúng, những cuộc đời vô nghĩa lý được nhà văn xây dựng xuyên suốt và đầy đủ hơn. Truyện là tập hợp những tình huống xung đột, hình tượng trào phúng mà không phải là một hai kiểu xung đột cơ bản. Thế giới hình tượng trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một loạt “những nét
vẽ nguệch ngoạc, tùy tiện, toàn những thằng hề, con rối” (Nguyễn Đăng Mạnh). Còn gì vô lý hơn một mụ Phó Đoan dâm ô, trụy lạc, cả thân thể toát lên một mùi dục tính xác thịt mà lại được ban sắc phong “tiết hạnh khả phong”. Một thằng vô học, lưu manh, ma cà bông như Xuân Tóc Đỏ mở mồm là “mẹ kiếp” “nước mẹ” lại trở thành đốc tờ, thi sĩ, nhà cải cách xã hội, anh hùng cứu quốc. Ông Phán mọc sừng, vợ chồng Văn Minh, Typn mọi hành vi như là những triết gia, nhà văn minh “Âu hóa” nhưng thực chất bên trong rỗng tuếch, vô vị, vô văn hóa. Bản tính xấu xa, bỉ ổi, vô nghĩa lý của các nhân vật được thể hiện trong sự đối lập cao độ giữa nội dung và hình thức. Sự đối lập này đặt trong các tình huống trào phúng nó càng trở nên rõ nét hơn. Vũ Trọng Phụng đặc biệt tài năng trong xây dựng những tình huống trào phúng. Ngoài tình huống trào phúng đặc sắc “có một không hai” đã tốn nhiều bút mực của các nhà lí luận phê bình văn học và chiếm được cảm tình của bạn đọc là Hạnh phúc của một tang gia (chương XV) thì trong hai mươi chương của tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng đã trương lên nhiều tiêu đề mà chưa cần xem nội
dung người ta phải “bật cười” vì sự hiển hiện của xung đột “đáng cười” như: Một
cuộc tranh nhau mọc sừng (chương X), Thuốc chữa lẳng lơ (chương XIX), Nỗi buồn của ông bố vợ không bị đấm (chương XX). “Mọc sừng” - có vợ ngoại tình,
khi được tình nhân của vợ bắc lên ngang hàng với Nã Phá Luân: “Thưa ngài, mọc sừng không phải là cái xấu, nhưng chỉ cái chẳng may, một cái tai nạn vậy. Như Nã Phá Luân đánh Đông dẹp Bắc như thế, lại đẹp giai như thế, mà cũng mọc sừng thì ngài bảo sao?” [167; 372], và đã bị hắn “cướp mất” danh hiệu người chồng mọc sừng. Thì ra bằng lời lẽ vô lý, hắn đã dọa mời luật sư làm chứng cho hắn là người chồng mọc sừng mà ông Phán lại là kẻ “đuối lý” do vô học, thiếu hiểu biết. Hay “thuốc” - chất được bào chế để chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe con người, đằng này này lại đi chữa “bệnh lẳng lơ” - biểu hiện không đứng đắn trong quan hệ nam nữ mà ở truyện này “lẳng lơ” đã đến giới hạn va chạm của xác thịt... Nhà văn đã dùng thủ pháp đánh tráo đối tượng, gán cho những thuộc tính vốn nó không có để mà tạo nên tiếng cười và cũng để phản ánh thực trạng một xã hội mà luân lý, đạo đức đã xuống cấp trầm trọng. Ngoài ra, đối lập các hình diện quan sát, miêu tả với Vũ Trọng Phụng cũng là hình thức tương phản để tạo hài. Nội dung xấu lẩn vào hình thức đẹp, cái nhếch nhác lẩn vào cái trang nghiêm. Nghệ thuật đẩy tương phản lên tính thẩm mĩ, gây khoái cảm nhận thức. Vũ Trọng Phụng tạo ra tương phản bằng cách tạo ra những đối lập lệch pha trong bản thân đối tượng bị châm biếm, nhằm nêu bật cái cọc cạch khấp khểnh ở đối tượng, buộc đối tượng phải phơi lưng trước tiếng cười. Trong Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng tạo đối lập trong những trang miêu tả đám ma cụ cố Tổ. Chi tiết thứ nhất là cảnh cậu Tú Tân bắt bẻ từng người một làm những động tác, giữ những tư thế đau buồn để cho cậu ta chụp ảnh. Chi tiết thứ hai là ông Phán mọc sừng, cái kẻ giả dối và vô liêm sỉ trong gia đình thượng lưu nửa vời kia đã khóc đến tưởng chừng ngất đi. Tuy vậy, giữa lúc oằn người khóc lóc, chính ông ta đã giúi vào tay Xuân Tóc Đỏ món tiền năm đồng vì đã có công gọi ông ta là “người chồng mọc sừng”, chính là cái công gián tiếp khiến cho cụ cố Tổ chết. Nhà văn đã kết hợp hai hình diện quan sát của điện ảnh: vừa viễn cảnh vừa cận cảnh và cho hai hình diện này đối lập nhau để tạo tiếng cười.
Không tiêu biểu như kiểu xung đột giữa hình thức và nội dung, giữa bản chất và hiện tượng nhưng kiểu xung đột giữa phúc và họa, giữa ngẫu nhiên và tất nhiên cũng là những sáng tạo độc đáo của các nhà văn trào phúng. Nhân vật trào phúng trong kiểu truyện này thường là những người gặp may mắn, hạnh phúc nhưng thật ra lại là những tai họa khôn lường hoặc ngược lại như anh Tam (Thật là phúc), Bà Chánh Tiền (Hé! Hé! Hé!) của Nguyễn Công Hoan, Xuân Tóc Đỏ (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng...
Trong Thật là phúc, chị Tam bị Ván - cách sàm sỡ, anh Tam từ đâu chạy về, thấy cảnh tượng định thu xếp cho êm là hơn cả. Vậy mà Ván – cách không biết điều, lại làm già đánh nhau với anh Tam. Tam bị hắn đánh cho sống mũi máu chảy đầm đìa. Anh lên trình quan, trong khi quan đang đánh bài đợi ván ù to nên quan không thèm để ý đến lũ dân đen. Đánh xong ván bài, ông sang sảng truyền xuống như Long thần ban hạnh phúc cho chúng sinh mà dạy rằng: “Đáng lẽ đương đêm chúng bay đánh nhau, thì không biết nếp tẻ ra sao, ông hãy bỏ tù hăm bốn giờ cái đã. Nhưng ông tha về mà làm ăn lương thiện, không được lôi thôi nữa”... “Một tiếng “dạ” dài, anh Tam thụp xuống đất lạy tạ quan hai lạy. Đoạn anh lom khom lui ra, nét mặt vui vẻ như người biết an phận, rỉ tai nói với vợ: May quá! Xuýt nữa thì phải ngồi tù. Thật là phúc! Lạy quan lớn ngàn năm!” [67; 98]. Thật là phúc – con người mới nhỏ bé, nhục nhã biết bao. Truyện đã đề cập đến một nỗi nhức nhối là thói hèn mọn, an bài ăn sâu cố hữu trong thân phận người dân thấp cổ bé miệng không biết bao giờ mới “ngẩng đầu” lên được.
Bà Chánh Tiền (Hé! Hé! Hé!) vợ chánh tổng Đồng Quân, gặp vợ quan tuần phủ, được cụ vồn vã mời chào thân mật vào dinh chơi, cho đi cùng, xưng chị chị em em thân mật, hỏi han gia cảnh. Bà Chánh Tiền xúc động “rơm rớm nước mắt’, “một đời người dù khổ sở thế nào, mà được cụ lớn ban chuyện cho một lát thôi, thì còn ai muốn chết nữa”. Nhưng cuộc làm thân ấy hóa ra lại là một tai họa vì cụ lớn bà đong chịu thóc của bà Chánh Tiền và còn gửi ngay ở nhà bà Chánh “giữ hộ” để đến lúc giá thóc lên cao bà Tuần đưa thư xuống nhờ bà Chánh bán hộ, khi ấy mới trả tiền đong thóc và thu về khoản lãi năm trăm đồng. Món năm trăm ấy, bà phải viết văn tự để vay. Bà hậm hực, tức bực và oán thán cụ lớn lắm. Nhưng mà: “Ấy kìa! Hé! Hé! Hé! Bà chị! Tôi mong mãi! Cụ lớn nắm lấy cánh tay và vồ vập nói thế. Bà Chánh Tiền bỗng quên hết mọi sự. Bà lại cảm động, rơm rớm nước mắt, và hởi lòng hởi dạ