Gắn với sáng tác ngôn từ của những thời đại khác nhau, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học in dấu những xu hướng tiến hóa của tư duy nghệ thuật khác nhau. Tiêu biểu cho sử thi là con người đã được lý tưởng hóa trong vẻ đẹp kỳ vĩ, đại diện cho sức mạnh thể lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của cộng đồng, dân tộc. Ở văn học hiện đại, chủ yếu là những con người đời thường được đặt trong những mâu thuẫn, xung đột tại thời điểm lịch sử xã hội nhất định. Một trong những kiểu nhân vật khá phổ biến từ văn học dân gian đến văn học bác học là kiểu nhân vật anh hùng nghĩa hiệp. Được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn, kiểu nhân vật này đại diện cho lý tưởng thẩm mĩ, khát vọng xây dựng một “thể chế” xã hội công bằng, tự do của nhà văn. Xét trên tiêu chí thuận nghịch với đạo đức xã hội, nhân vật anh hùng nghĩa hiệp là nhân vật chính diện (tích cực), biểu hiện những giá trị tinh thần, phẩm chất đẹp đẽ, hành vi cao cả của con người được miêu tả trong tác phẩm. Đó là những Thạch Sanh, Cẩu Khây... trong truyện cổ tích; Từ Hải, Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Hớn Minh... trong văn học trung đại; Trọng Khang, Đoàn Hữu, Lê Phong, Kòn Trô, Châu Phiên... trong văn học hiện đại. Thậm chí có nhà văn trở nên nổi tiếng một phần là nhờ sáng tạo ra kiểu nhân vật người hùng - trường hợp Lê Văn Trương.
Là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, theo một số nhà nghiên cứu, Lê Văn Trương có đến 200 tác phẩm kể từ tập truyện ngắn đầu tay Trước cảnh hoang tàn
Đế Thiên Đế thích. Trong số tác phẩm đồ sộ đó của ông cũng có một phần là loại sách viết để “kiếm sống” chứ không phải gửi gắm tâm huyết. Song kiểu nhân vật người hùng trong hàng loạt tác phẩm của ông thực sự là sáng tạo kỳ công. Nói như
Vương Trí Nhàn thì “... xung quanh nhân vật người hùng của Lê Văn Trương: Một sự thực đập ngay vào mắt mọi người nghiên cứu là bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào có dịp nhắc tới Lê Văn Trương, người ta cũng nhắc tới ngay loại nhân vật này. Đối với người viết văn, đó là một điều đáng ao ước” [145; 17]. Nhân vật người hùng của Lê Văn Trương có nguồn gốc xuất thân rất phong phú đa dạng. Nhiều nhất là những thanh niên tiểu tư sản với đủ thất bại trong cuộc đời như thất nghiệp, phá sản, vỡ nợ... nhưng họ đã nhanh chóng đứng lên làm lại cuộc đời một cách vẻ vang như Trọng Khang (Trường đời), Chí (Trận đời), Đoàn Hữu (Cô Tư Thung)... hay những thiếu niên tuổi nhỏ tài cao như Thằng Còm (Thằng Còm), Đức, Cu Nhớn (Ba ngày luân
lạc)... Đặc điểm đầu tiên và xuyên suốt trong tính cách các nhân vật này là triết lý sức
mạnh mà nhiều người say mê tác phẩm Lê Văn Trương cho rằng ông ảnh hưởng từ Nietzsche. Phạm trù trung tâm triết học của Nietzsche là “cuộc sống”. Cuộc sống được hiểu như là sức mạnh, là quyền lực và phải cạnh tranh. Mọi sinh vật đều đấu tranh và khao khát chiến thắng để đem lại sự tiến bộ của cuộc sống. Nhân vật Linh trong Một người là viên tham tá trẻ tuổi, con nhà giàu có. Vì mâu thuẫn với viên sếp người Pháp nên Linh đã bỏ việc mặc lời mắng nhiếc của bố, giọt nước mắt của mẹ và lời van xin của vợ. Từ một kẻ ăn chơi có hạng, tiêu tiền không tiếc, Linh đã thay đổi hoàn toàn. Chàng phải bán hết cả đồ đạc, tư trang cá nhân, phải chắt chiu từng đồng để đảm bảo cuộc sống. Cuối cùng chàng đã trở thành một nhà văn có tiếng, luôn thể hiện những ý tưởng đẹp đẽ về con người, đất nước trên các trang báo. Trọng Khang
(Trường đời) cũng được sinh ra trong một gia đình giàu có ở Hà Nội, nhưng chẳng
may cha mẹ mất sớm, để lại cho hai anh em chàng số vốn gần một vạn đồng. Sau bốn năm làm ăn buôn bán, chàng đã tăng số vốn lên hơn hai vạn. Chàng quyết định dồn tất cả vào một chuyến buôn gỗ chở về xuôi, nhưng gặp bão nên bè vỡ và trở thành tay trắng. Chàng không tiếc hai vạn đồng, chỉ buồn vì việc ấy làm ảnh hưởng đến hạnh phúc tương lai của em gái mình. Rồi chàng nghĩ cách làm ăn mới như buôn lậu, nhưng không thành. Chàng làm thông ngôn và thư ký cho ông chủ thầu Nam Long. Trong hành trình vất vả từ Lào Cai sang Trung Quốc, với bao hiểm nguy rình rập (giặc cỏ, chó sói, lũ rừng, suối sâu, đèo cao...) Trọng Khang có dịp tỏ rõ bản lĩnh, trí thông minh, lòng dũng cảm. Điều đó khiến cho Khánh Ngọc, con gái ông Nam Long ngưỡng mộ, nể phục và dần dần yêu chàng say đắm, mặc dù nàng đã hứa hôn với Francois Giáp, một kỹ sư cầu cống vừa du học ở Pháp về. Có lần Trọng Khang đã cứu sống Giáp, cứu sống một tướng giặc nên từ “kẻ thù” không đội trời chung chàng đã được họ rất quý trọng. Sau khi trở về Hà Nội, Khánh Ngọc đã phá bỏ hôn
ước với Giáp, còn Giáp thì tìm gặp Trọng Khang và đề nghị chàng hãy nhận lấy tình yêu của Khánh Ngọc. Nhìn chung, “hành trang” vào đời của các nhân vật trong tác phẩm Lê Văn Trương thường bắt đầu từ những con số không. Nhưng họ không đầu hàng trước hoàn cảnh, số phận mà sẵn sàng dấn thân vào thử thách. Kết thúc mỗi truyện là một dư âm có hậu như Chí trong Trận đời, Hữu trong Những đồng
tiền xiết máu... tựa như một bản anh hùng ca dành cho những con người ưu tú nhất.
“Người hùng” trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương không đồng nhất hoàn toàn với nhân vật anh hùng - người luôn đứng trên đỉnh cao của lịch sử, có tính chất phi phàm, trí tuệ hơn người và mang trong mình những khát vọng dân tộc kiểu như Rama (Ramayana), Asin (Iliat), Uylix (Odixe), Đam san (Trường ca Đam san)... Họ là những con người rất đỗi bình thường và rất có thể bị hòa lẫn trong đám đông. Hơn chăng ở họ chỉ có cái ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong mọi cương vị và biết thực hiện hoàn thành trách nhiệm ấy một cách trọn vẹn.
Bên cạnh những “người hùng nghĩa hiệp” trong tiểu thuyết của nhà văn họ Lê, người đọc còn chứng kiến hệ thống nhân vật có nhiều nét tương đồng bởi phẩm chất trí tuệ, tính cách phóng khoáng và tinh thần nghĩa hiệp trong truyện kể lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Đó là những nhân vật trong truyện phiêu lưu, trinh thám của Thế Lữ (Vàng và máu, Gói thuốc lá, Lê Phong phóng viên...); của Phạm Cao
Củng (Vết tay trên trần, Gia tài nhà họ Đặng, Chiếc tất nhuộm bùn, Người một mắt, Kỳ Phát giết người, Đám cưới Kỳ Phát...); của Bùi Huy Phồn (Lá huyết thư, Gan dạ đàn bà, Mối thù truyền nghiệp)... Nếu như những nhân vật trong các tác phẩm của Bùi Huy Phồn còn dấu vết của lịch sử thì nhân vật trong các tác phẩm của Phạm Cao Củng, Thế Lữ là sản phẩm hư cấu, sáng tạo của trí tưởng tượng phong phú. Chúng luôn bị đặt vào những tình huống khốc liệt, thử thách hết sức chông gai buộc phải vận dụng tất cả sức lực, trí tuệ để vượt qua. Mọi bức màn bí mật lần lượt được con người vén lên ở kết thúc mỗi tác phẩm. Series Kỳ Phát của Phạm Cao Củng thuộc nhóm trinh thám suy luận. Nhân vật Kỳ Phát mang đậm dáng dấp của Sherlock Holmes. Cũng giống như gã thám tử lừng danh người Anh - Sherlock Holmes, chàng Kỳ Phát tôn thờ phép suy luận. Trong cả cuộc đời, chàng lấy suy luận làm phương cách phá án. Dùng trí óc để suy xét, đề cao lý trí và lôgic các sự kiện, tên tuổi trinh thám của chàng gắn với phép suy luận. Đương thời, các nhà xuất bản in sách của Phạm Cao Củng dưới tiêu đề Trinh thám Kỳ Phát. Truyện khai
thác những khung cảnh bí hiểm, những câu chuyện lắt léo rùng rợn, các nhân vật liên quan đến các băng đảng phổ biến trong truyện kiếm hiệp, truyện đường rừng bấy
giờ để xây dựng hình tượng thám tử tài ba, trọng nghĩa khinh tài. Vào những năm trước cách mạng tháng Tám, ở các đô thị, người ta chờ đợi Trinh thám Kỳ Phát,
không phải là cho đến khi in thành quyển, mà hồi hộp ngay từ những kỳ báo trước đó. Series Lê Phong của Thế Lữ lại là sự kết hợp của trinh thám suy luận và
trinh thám hành động. Nhân vật Lê Phong - một nhà báo hào hoa, năng lực nhạy cảm đặc biệt với những tình huống “có vấn đề” của các vụ án xuất hiện lần đầu tiên năm 1937. Trong một lần được cử đi tường thuật vụ án ở Bắc Ninh, Lê Phong đã tỏ rõ bản năng quan sát và phán đoán sắc sảo. Chàng dày dạn kinh nghiệm qua các vụ án: từ việc khám phá vụ buôn lậu ở Lạng Thương đến khám phá các vụ giết người, các băng đảng bí mật ở Hà Nội... Kết luận vụ án mạng trong Gói thuốc lá là cả một lập luận có hệ thống sản sinh từ tư duy lôgic của Lê Phong: “... một điều quan sát không mấy khi ta lưu tâm đến - có thể gọi là một sự nhận xét vô tình của ... tiềm giác bao giờ cũng tinh tường - nghĩa là có một điều lúc thường tôi bỏ qua, nhưng bấy giờ đến mách bảo tôi, khiến tôi ngờ ra hung thủ”... “Tôi lại nghĩ ra được một mẹo nhỏ, và sau đó mười phút tôi đến gần bảo Thạc - :Anh trả tôi gói thuốc lá chứ! Gói thuốc lá anh mượn từ lúc ngồi xem xi-ne kia mà! Thạc hình như chợt nhớ ra, lấy gói thuốc lá trả tôi, và tôi hiểu rằng mưu của tôi đã thành. Vì thực ra thì trong lúc ngồi ở nhà chiếu bóng, tôi có cho Thạc mượn gói thuốc lá nào đâu? Bây giờ thì hẳn anh Huy và cô Mai Hương đã hiểu ra ý nghĩa câu hỏi vu vơ của tôi lúc chiều; lúc ấy tôi đòi Huy một cái bật lửa mà tôi không có và bởi vậy không hề cho Huy mượn bao giờ ... Đó cũng là một cách thử ngược bài tính" [107; 576].
Lập luận để kết thúc vụ án phức tạp trong truyện trinh thám Mai Hương và Lê Phong, ngoài việc thể hiện tư duy lôgic còn phản ánh được cái tâm thiện, vì
cuộc sống bình yên hạnh phúc cho từng người và cho cả xã hội của nhân vật Lê Phong: “Nói mấy câu chuyện với cô là tôi hiểu được cái cớ chủ động vụ ám sát: đó là năm cuốn sách thuốc mua ở Sa pa. Tôi tìm cách ăn trộm về, để xem có điều gì lạ không, nhưng cũng để ông ngờ thêm tôi một lần nữa. Không ngờ năm cuốn sách đó là năm cuốn sách giả, không có giá trị gì ... còn như ông muốn biết tại sao tôi lại dở những trò kỳ quặc kia ra. Tôi xin trả lời: tôi làm thế chỉ vì... nhưng ông thử đoán hộ xem... tôi muốn cho ông làm việc mau chóng hơn chút nữa. Một vụ âm mưu chu đáo như thế, nếu không tìm cách khám phá cho mau, thì còn tai hại nhiều nữa, mà có lẽ khi biết ra các đầu mối, thủ phạm đã tẩu thoát từ lâu rồi...” [107; 788]. Khi mới công bố, series truyện này vô cùng cuốn hút độc giả. Nhóm tác phẩm của Thế Lữ mang nhiều nét lãng mạn và nhiều yếu tố kịch, đặc biệt là những nhân vật tài
hoa, hiệp nghĩa. Đây là phong cách rất riêng làm nên dấu ấn của nhà văn trong lĩnh vực truyện phiêu lưu, trinh thám.
Bước sang mảng truyện đường rừng, nhân vật trong các tác phẩm của Thế Lữ cũng không kém phần mạnh mẽ, tài hoa. Nhân vật được đưa vào môi trường thử thách với những mối hiểm nguy kỳ bí, ghê rợn, nơi không dành cho những kẻ “non gan”, “yếu bóng vía”. Đó là hình ảnh núi Văn Dú với hang thần Văn Dú trong Vàng
và máu. Theo truyền thuyết, Hang Văn Dú đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh
mạng của đồng bào người Thổ nơi đây. Họ là những thanh niên lực lưỡng muốn phá tan lời nguyền độc địa, là những cô gái trinh trắng bị giết quăng xuống suối làm vật tế thần. Người Thổ không chỉ có tấm lòng kính cẩn phảng phất đối với mọi cảnh bát ngát cao cả, họ còn “sợ hãi Văn Dú như một vật có tri giác, có quyền phép làm hại người. Ở những miền quanh đó và trong thời bấy giờ, ai nói tới Văn Dú là một sự gở lạ. Họ chỉ gọi đến tên quả núi trong những khi tức giận nhau mà chửi rủa hay những khi thề bồi. Một người say rượu lớn tiếng xúc phạm đến Văn Dú cũng đủ làm cho khắp cả một châu biết đến tên mình; họ thuật lại những lời nói và cử chỉ của anh ta một cách e dè...” [107; 304]. Điều đó làm nổi bật thêm cái dữ dội của thiên nhiên, cái hồn nhiên ngây thơ của con người nơi núi rừng và hơn cả là làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng nhân vật viên quan người Thổ ở Châu Nga Lộc, người đã khiến cho Văn Dú “mất thiêng”, mất đi uy lực giết người và phá tan phép yểm bùa độc địa, thủ đoạn hại người nhằm giữ kho báu của bọn người Tầu. Vẻ đẹp ngời sáng qua cốt cách nghiêm nghị, dũng cảm, trí tuệ của quan Châu Nga Lộc là vẻ đẹp lý tưởng mà đồng bào Thổ hằng mơ ước, tạo cho họ một niềm tin bất diệt về sức mạnh con người và công cuộc khám phá, chinh phục thiên nhiên: “Dần dần họ đã dám khai khẩn và cày cấy ở gần quả núi đá. Lại có lần người ta rủ nhau vào tận hang xem. Núi Văn Dú trông vẫn ngất ngưởng cao lớn nhưng người ta chỉ coi là một ngọn núi cao lớn thường. Đến nỗi cái tên đã làm khiếp đảm mấy châu huyện ngót ba trăm năm trời, họ cũng quên dần đi. Bây giờ thì không mấy ai biết đến nữa.” [107; 352].
Sáng tác cùng thời gian với Thế Lữ, Lan Khai, TchyA, nhưng ở Nam Bộ, truyện đường rừng của Lý Văn Sâm được nhiều độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Truyện đường rừng của ông không đơn giản chỉ đem lại cho người đọc hương vị của cảnh núi rừng hay những phong tục lạ, chuyện lạ miền ngược như các tác giả khác đã làm mà lúc nào trong truyện cũng có hơi thở của thời cuộc, của những ý hướng tranh đấu. Những truyện được viết trước 1945 ông thường xây dựng các kiểu nhân vật như Kòn Trô (Kòn Trô), Châu Phiên (Rồng bay trên núi Gia Nhang)…
Chúng đáp ứng khát vọng về tự do, nhân nghĩa, về sự công bằng trong xã hội của người dân trước cách mạng mà nhà văn gửi gắm. Khi người dân Nam Bộ cùng nhân dân cả nước vùng lên giành độc lập tháng 8-1945, rồi ngay sau đó lại bước vào những ngày chiến đấu chống Pháp ác liệt, chúng ta gặp lại mẫu hình tượng ấy của Lý Văn Sâm nhưng trong một tư thế khác. Họ đang ở chiến khu, trên đường hành quân, hay đang chiến đấu, truy đuổi quân thù… Có khi, họ bị đặt vào hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh không tiếc nuối vì chính nghĩa, vì đất nước. Mảng truyện đường rừng của Lý Văn Sâm không chỉ nhiều về số lượng mà còn có ý nghĩa xã hội, có chất văn học đậm đà, góp phần khẳng định chỗ đứng của ông trong lòng bạn đọc cả nước. Cách nhìn cuộc sống rừng núi, cách xây dựng nhân vật của Lý Văn Sâm ít nhiều gần gũi với Lan Khai. Hình tượng con người trong truyện đường rừng của Lý Văn Sâm là hình tượng người anh hùng nghĩa hiệp. Tính cách nghĩa hiệp ở những con người này trước hết thể hiện ở khát vọng muốn giúp đời xây dựng một xã hội tự do, công bằng, giàu nghĩa tình. Nhiều nhà văn bấy giờ thường quan niệm rằng cuộc sống rừng núi hoặc là chốn bí hiểm, man rợ, hoặc là nơi không thể cải hoá được. Còn với Lý Văn Sâm, đó là nơi mà các nhân vật cuả ông có thể xây dựng nên một thế giới “đẹp như mơ”, dù chỉ là trong một phạm vi nhỏ, một sóc, một làng nào đó bằng chính công sức của mình như