“Khung” của truyện kể được tạo thành bởi hai yếu tố: mở đầu và kết thúc. Trong truyện kể lãng mạn, yếu tố mở đầu và kết thúc của tác phẩm thường trùng
khuýp với hành động truyện. Diễn tiến câu chuyện được triển khai theo trục tuyến tính, kết cấu bề mặt tương đối thống nhất với kết cấu bề sâu. Phạm trù mở đầu và kết thúc ở “khung” của truyện kể bi kịch cũng giữ vai trò đặc biệt trong việc mô hình hóa và có quan hệ trực tiếp với những mô hình văn hóa phổ quát nhất. Nếu như khung truyện kể lãng mạn là không gian của cái “khởi cuộc” và câu chuyện về người chiến thắng thì khung truyện kể bi kịch lại là không gian của cái “chung cục” và câu chuyện về sự thảm bại.
Chung cục là giai đoạn kết thúc của sự kiện, “cử chỉ” sau cùng trong hành động truyện và là khúc mạt kì của thời đại, lịch sử xã hội. Không khí chung về cái kết sự kiện truyện kể là tính chất bi kịch được bộc lộ khá đậm đặc. Văn học hiện thực, với tham vọng “phản ánh toàn diện thực tại bằng hình tượng có thể đạt tới tính xác thực cảm giác – thị giác” [62; 282] đã xây dựng được những “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” qua hệ thống tác phẩm ở dạng thức cấu trúc ngôn từ quy mô khá đồ sộ. Khung mỗi truyện kể được các tác giả xây dựng trên nhiều chương, phần, mục: Tắt đèn - 26 chương, Lều chõng - 21 chương (Ngô Tất Tố); Bước đường cùng - 30 chương, Cái thủ lợn - 28 chương (Nguyễn Công
Hoan); Giông tố - 30 chương, Vỡ đê - 3 phần, 25 chương (Vũ Trọng Phụng); Sống
mòn - 20 chương (Nam Cao); Con trâu - 3 phần, 16 chương (Trần Tiêu); Quê người - 3 phần, 18 chương (Tô Hoài); Lầm than - 18 chương (Lan Khai); Ngoại ô
- 4 phần, 20 chương (Nguyễn Đình Lạp); Sống nhờ - 5 phần, Làm lẽ - 3 phần
(Mạnh Phú Tư)...
Trước hết, điểm tựa làm mã nền cho khung các truyện kể bi kịch là hiện thực lịch sử, xã hội của đất nước trước cách mạng 1945. Khái niệm “trước cách mạng” ngầm quy ước trong tư duy về một bối cảnh không còn phù hợp, lạc hậu, ấu trĩ, kém văn minh, các nhân tố “phản cách mạng” đang hoành hành nên cần sự thay đổi cho phù hợp, văn minh tiến bộ hơn. Tương ứng với các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945 của khung lịch sử chúng ta cũng chứng kiến sự phân chia ranh giới các thời kỳ phát triển của văn học khá rõ nét. Thời kỳ đầu, những tác phẩm hiện thực mới ở giai đoạn đang khẳng định sự tồn tại nên chưa có nhiều thành tựu xuất sắc, thậm chí nhiều nhà văn còn viết những truyện tình lãng mạn, nhạt nhòa về nội dung, nghèo nàn về hình thức như Nguyễn Công Hoan: Tắt lửa lòng (1933), Lê Dung (1934), Lá ngọc cành vàng, Cô giáo Minh (1935), Vũ Trọng Phụng với Dứt tình (1934)... Thời kỳ thứ hai, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào Mặt trận dân chủ, văn học hiện thực phát triển rực
rỡ. Bút lực các nhà văn đều dồi dào, sung sức và đạt tới đỉnh cao trong văn nghiệp của họ: Nguyễn Công Hoan (Bước đường cùng), Vũ Trọng Phụng (Giông tố, Số
đỏ), Ngô Tất Tố (Tắt đèn), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ)...Đặc biệt, có những nhà văn
vốn thuộc khuynh hướng văn học khác cũng chuyển hướng viết về bi kịch của những con người khốn cùng dưới đáy xã hội như Lan Khai (Lầm than, Mực mài
nước mắt), Thạch Lam (Gió đầu mùa), Trần Tiêu (Con trâu)... Sang đến thời kỳ
thứ ba, tình hình xã hội ngày càng tối đen, văn học hiện thực vẫn phát triển với nhiều tên tuổi mới như Nam Cao (Sống mòn, Chí phèo), Tô Hoài (Quê người,
Giăng thề), Mạnh Phú Tư (Sống nhờ, Làm lẽ), Nguyễn Đình Lạp (Ngoại ô, Ngõ
hẻm)...
Khi nào xã hội ở vào “khúc đau thương nhất” thì khi đó văn học lại xuất hiện những thiên tài nghệ thuật. Giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn Đàng ngoài và Đàng trong trở nên khốc liệt, xã hội rối ren, phong trào đấu tranh nhân dân diễn ra mạnh mẽ chính là “khung thời đại” của các kiệt tác Truyện Kiều, Văn chiêu hồn (Nguyễn Du),
Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều),
Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô Gia Văn Phái), thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Vịnh...
Từ 1930 - 1945, ở khúc “mạt kì” của lịch sử, “mạt vận” của chế độ phong kiến đã ngự trị suốt hàng nghìn năm mà các nhà văn - “sứ giả cân bằng trạng thái tinh thần xã hội” như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... đang muốn thay đổi nó từng ngày từng giờ. Với họ, xã hội ấy đang “thối nát”, “rữa ra”, là “chó đểu”, “vô nghĩa lý” cùng cảnh “vùng vẫy giữa bùn lầy”, “áo cơm ghì sát đất”... cần được thay bằng một xã hội khác. Bản chất của thời mạt là đói khát, giết chóc, giặc giã hoành hành, thiếu vắng nhân tài, thú tính nổi lên khiến nhân tâm li tán, đẩy xã hội vào cảnh tao loạn. Các nhà văn gợi lên tình thế ấy trong các tác phẩm Bước đường cùng, Tắt đèn, Lều chõng, Số đỏ, Vỡ đê, Cái thủ lợn, Lầm
than, Sống nhờ... Khúc cuối của lịch sử đã tạo nên cái không gian “chung cục” trong các truyện kể giai đoạn văn học này. Cùng với thời đại văn chương Nguyễn Du, “đây là thời đại văn chương đáng xem là rạng rỡ nhất trong trường kì lịch sử văn học dân tộc đến trước 1945. Thậm chí, so với thời văn chương Nguyễn Du, nó lại có sự đồng bộ, đa dạng hơn” [151; 354].
Không gian “chung cục” còn ở lý lẽ là cái “mở đầu” và “kết thúc” của truyện không đồng nhất với sự kiện đầu cuối. Cấu trúc sự kiện đảo lộn trật tự. Chính sự “tăng cường chức năng mô hình hóa của nhân tố kết thúc văn bản (đời sống con người, cũng như sự miêu tả đời sống ấy, được xem là những văn bản đặc biệt chứa đựng trong bản thân sự thông tin về cái trọng đại) luôn luôn gợi sợi dây sự phản kháng chống lại việc xem cái kết thúc như là nhân tố biểu nghĩa cơ bản” [140; 161- 162]. Trong những truyện kể bi kịch, khái niệm kết thúc bao giờ cũng gắn với những tình huống truyện nhất định. Điều đó chứng tỏ chức năng của nhân tố kết thúc như là khung của văn bản. Mỗi truyện kể là một chuỗi truyện được quán xuyến bởi không gian của cái “chung cục”. Truyện Chí phèo của Nam Cao bắt đầu bằng
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại” [13; 11]. Mở ra câu chuyện không bắt đầu từ “mở đầu” mà từ cái “kết cục” của nhân vật như thế, tác giả đã hướng cái nhìn của người đọc vào “trọng tâm” tấn bi kịch cuộc đời Chí Phèo - bi kịch tha hóa, phá sản từ nhân hình đến nhân tính.
Bỉ vỏ (Nguyên Hồng) bắt đầu bằng cái không gian ngột ngạt, nhuốm màu bi
kịch: “Bữa cơm chiều nay khác hẳn mọi ngày, buồn bã và uể oải lắm”. Thanh âm vang lên chỉ là tiếng quát tháo, chửi mắng, đay nghiến đầy bực bội, xót xa của vợ chồng bác lái Thìn - bố mẹ của Bính; tiếng đứa con khóc oa oa và tiếng khóc “thì thầm”, “nức nở trong bóng tối” của Bính đã hé mở tấn thảm kịch số phận một người phụ nữ. Nguyên nhân sự tình ấy đã cách nay gần một năm, dạo mà Bính thường gánh gạo lên chợ huyện bán, lần nào cũng bắt gặp một người vận quần áo Tây, chải chuốt ngắm trông sang trọng. Cả cái tên “quan tham đạc điền nghe cũng khác lạ. Nó hứa với Bính bao nhiêu sự sung sướng hãnh diện chứ đâu như cái tên nhiêu, khán,
trương của những ngôi thứ tầm thường nhỏ mọn ở thôn quê” [69; 11]. Nhưng đến nay Bính mới rõ cái bề ngoài che đậy sự khốn nạn độc ác thì muộn lắm rồi. Cô chắc rằng sẽ phải đau khổ mãi mãi với sự lừa dối đó thôi.
Giông tố của Vũ Trọng Phụng là một thế giới rộng, nhiều lớp nhân vật đan
xen trong môi trường xã hội khác nhau đều quay cuồng đảo lộn trong sự bất công và thối nát. Nó khẳng định sự phá sản tất yếu của tầng lớp tư sản đại địa chủ bản xứ qua gia đình Nghị Hách - một điển hình nghệ thuật bất hủ với lối sống xa hoa, dâm đãng. Sự phá sản, tan vỡ là kết cục lôgic trong sự phát triển tính cách nhân vật. Không gian truyện được mở đầu bằng cảnh “đêm khuya tịch mịch, trên con đường
quan lộ, mà thỉnh thoảng mới có một vài cây xoan không lá khẳng khiu và tiều tụy như thứ cây trong những bức họa về cảnh chết” [167; 171]. Không gian “chết chóc” ấy bắt nguồn cho một chuỗi truyện dần dần được sáng tỏ. Truyện Thị Mịch bị Nghị Hách cưỡng hiếp; ông bà đồ Uẩn - bố mẹ của Mịch và lý dịch trong làng đưa đơn kiện, nhưng Nghị Hách được quan Tổng đốc che chở nên đã thắng kiện; Mịch được Tú Anh thu xếp thành vợ bé của Nghị Hách trong khi đó cô lại là vợ chưa cưới của Long - con trai Nghị Hách; chuyện Tú Anh, đứa con trưởng mà Nghị Hách luôn yêu quý, tin tưởng lại là con của Hải Vân chứ không phải là con của hắn... Tuyến sự kiện đan bện chằng chịt toát lên sự loạn luân, vô nhân tính đến thối nát không thể cứu vãn của giai cấp tư sản bản xứ. Cái chết của Long ở phần kết câu chuyện như là hệ quả của sự tha hóa nhân cách đến cùng cực, không còn thấy nghĩa lý cuộc sống ở đời.
“Đêm tối”, “tiếng khóc”, “mất mát”, “tuyệt vọng”, “cái chết”... đều gắn với phạm trù của cái “kết thúc”, cái “chung cục” và trở thành mô - tip tạo nghĩa của không gian truyện kể bi kịch. Nó trái ngược với không gian “khởi cuộc” gắn với các mô - tip “ánh sáng”, “tiếng cười”, “tái sinh”... trong truyện kể lãng mạn. Toàn bộ sự kiện Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Giăng thề (Tô Hoài), Ngõ hẻm (Nguyễn Đình Lạp), Bỉ
vỏ (Nguyên Hồng), Một đám cưới (Nam Cao)... đều được diễn ra trong đêm tối hoặc những gam màu tối, góp phần làm nổi bật cái không gian “chung cục” của các truyện kể. Mở đầu Tắt đèn mới canh một, nửa đêm: “Bắt đầu từ gà gáy một tiếng, trâu bò lục tục kéo trâu cày đến đoạn đường phía trong điếm tuần... Dưới bóng tối của rặng tre um tùm, tiếng trâu bò thở phì phò, tiếng đập đuôi đen đét, xen với tiếng người khạc khúng khắng” [106; 9]. Kết truyện: “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị” [106; 108]. Giăng
thề bắt đầu là “Những vòng bánh xe sắt quay lọc cọc... Trời tối mịt. Vào tới đèn
mới nhận ra mặt ba người” và kết thúc là “Ngoài kia, trăng đã xế” [108; 256- 310].
Ngõ hẻm bắt đầu từ “Nhớn ngửng đầu, bần thần nhìn bóng mình rập rờn trên vách
đất... Ngọn nến đặt trên cái bàn gỗ mộc vẫn âm thầm cháy, từ từ rỏ xuống chân nến, xuống mặt bàn những giọt lệ trắng ngần. Ánh sáng yếu đuối, âm u quá” đến “các ngóc ngách như những vết loang lổ, chấm vội trên một bức tranh thủy mặc tối màu” [108; 1042- 1208]. Những chi tiết cuối của tác phẩm gợi ra một quy luật có tính cấu trúc - chức năng về cái kết thúc truyện kể.
Khác với khung truyện kể lãng mạn, kiểu kết thúc ở truyện kể bi kịch là kết thúc mở, không phải là cái gì đó đã xong xuôi, nhân vật không thể “thay đổi vị thế”, không “mang lại được cái gì” lúc “trở về” sau khi đã “vượt qua ranh giới một
trường nghĩa”. Thậm chí, cái kết cục bi kịch ấy lại có “cơ hội” lặp lại một cách tuần hoàn, trở thành phương diện thi pháp của văn học hiện thực. Truyện khép lại nhưng sự kiện vẫn tiếp tục mở ra tạo dư âm ám ảnh người đọc. Kết thúc cuộc đấu tranh đòi quyền được làm người là cái chết tức tưởi của Chí Phèo (Chí phèo), còn Thị Nở “nhìn nhanh xuống bụng... bây giờ hắn chết rồi, thì làm thế nào. Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại” [13;47]. Kết thúc Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan): “Pha giơ hai cánh tay bị trói lên trời, nắm chặt bàn tay run run vào ngực để tỏ nỗi căm hờn, nghiến răng rồi nhắm nghiền mắt lại, kệ cho hai giòng lệ cứ tuôn tràn ra, và kệ cho ba anh em theo mình, không biết đến đâu mới trở lại...” [68; 312]. Chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố) thì “choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”. Vỡ đê (Vũ Trọng Phụng) khép lại bằng hình ảnh “Nhìn những bong bóng phập phồng hết nở ra lại tan trên mặt nước, nhớ đến đứa cháu, Phú tựa lưng vào cột tre khẽ ngâm một giọng buồn rầu: Giời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?” [167; 257]. Kết cục của Tám Bính trong Bỉ vỏ (Nguyên Hồng): “Thoáng phút giây Bính thấy hết cả mọi sự tuyệt vọng tối tăm từ nay trở đi không lúc nào không xâu xé tâm can Bính, và Bính sẽ sống một đời khốn nạn dài vô cùng tận. Tám Bính đưa mắt ướt đầm đìa trông Năm lắc đầu: Thế là hết!” [69; 225]. Cuối truyện Làm lẽ (Mạnh Phú Tư), nhân vật Trác định tâm “nghĩ đến cảnh ăn gửi nằm nhờ trong những ngày còn lại, nàng rùng mình. Bỗng nàng có ý định xong công việc ma chay, sẽ dắt con đi. Nhưng đi đâu? [108; 377]...
Không biết “đi đâu”, “đến đâu” và “chấm hết”, “đêm tối”, “cái chết”... xuất hiện với tần xuất cao trong kết thúc của các truyện kể bi kịch. Băn khoăn của nhân vật phần nào phản ánh sự bế tắc của tác giả trong quá trình tìm lối thoát cho những con người đang bị nguy cơ tước đoạt “giá trị người”. Mặt khác nó là không gian chung, đặc trưng của mô hình nghệ thuật, đồng thời bộc lộ những nét dư thừa so với khung truyện kể nhằm kéo thêm sự đa dạng của hiện thực vào sơ đồ truyện - biểu hiện thường thấy của văn xuôi, nhất là tiểu thuyết hiện đại.