Những nhân vật con rối trên sân khấu hà

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 141 - 145)

Cái hài, theo định nghĩa trong Mỹ học do Hoài Lam chủ biên, “là một phạm trù mỹ học dùng để khái quát những hiện tượng thẩm mĩ tiêu cực (cái xấu), nhưng lại tìm cách ngụy trang bằng vỏ của cái tích cực (cái đẹp)” [94; 72]. Theo quan niệm của Secnưsepxki thì hài chẳng qua là “sự trống rỗng và sự vô nghĩa bên trong được che đậy bằng một vẻ bề ngoài huênh hoang tự cho rằng nó có nội dung và ý nghĩa thực” [94; 198]. Cuộc đời như một sân khấu mà hài kịch chỉ là một “cảnh” và nhân vật chính là “những hiện tượng thẩm mĩ tiêu cực”, “sự trống rỗng, vô nghĩa” lại tìm

cách ngụy trang trong cái vỏ “tích cực”, “có ý nghĩa”. Hành trình giả tạo đi tìm cái “có ý nghĩa” ấy khiến nhân vật trở thành những con rối trong bàn tay của đạo diễn. Con người trống rỗng, nhân vật con rối, trong tư duy của các nhà văn trào phúng Việt Nam 1930 – 1945 xuất phát từ các quan niệm: Đời chẳng qua chỉ là một sân khấu hài, con người tồn tại là “vô nghĩa lý” được tạo hóa bày ra một cách máy móc. Con người trống rỗng, vô nghĩa lý xuất được biểu hiện rất sinh động trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Bùi Hiển...và nhất là Vũ Trọng Phụng. Không phải trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng không có những con người “có nghĩa lý”, nhưng chỉ là những đường viền mờ xung quanh thế giới nhân vật của ông như Huyện Liên, Hải Vân, Tú Anh (Giông tố), chị Cả Thuận (Không một tiếng

vang), Huỳnh Đức (Dứt tình), Minh, Phú (Vỡ đê). Họ là những “nhân phẩm cao”, lúc

cần có thể hy sinh bản thân vì hạnh phúc người khác. Còn đại đa số nhân vật trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là con người trống rỗng, “vô nghĩa lý”. Đây là hệ quả của triết lý định mệnh chủ nghĩa và cái nhìn bi quan về con người. Theo như thống kê của Đinh Trí Dũng trong Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, ba tiếng “vô nghĩa lý” xuất hiện với tần số rất cao trong các tiểu thuyết của nhà văn: Dứt tình: 5 lần, Giông

tố: 12 lần, Số đỏ: 3 lần, Trúng số độc đắc: 7 lần, Vỡ đê: 2 lần. Đó là chưa kể những

biến thể của nó như “vô lý”, “vô nghĩa”, “nghĩa lý gì”... Và một chân dung, một tính cách, một điệu bộ, cử chỉ, câu nói đều có thể gắn với “vô nghĩa lý”.

Vũ Trọng Phụng đã xây dựng hàng loạt những chân dung “vô nghĩa lý” như những con rối trong hành động nói năng, ứng xử máy móc đầy lố bịch, lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa trong mọi hoàn cảnh để mà giễu nhại cái xã hội “chó đểu” ấy. Ông giễu nhại bằng cách mô phỏng hoặc hý phỏng cái gì đó của đối tượng thực tại nhưng tô đậm nét đặc trưng của đối tượng đó lên để chế giễu. Thế giới nhân vật của Vũ Trọng Phụng trước hết và thiết cốt nhất là thế giới của những con rối với biểu hiện phong phú, đa dạng. Tình trạng trống rỗng, vô hồn, vô cảm, vô tri đã trút kiệt nhân tính, tinh thần khiến con người đánh mất tính sinh động mà trở nên hài hước một cách lố bịch. Nhân vật Kim (Làm đĩ) là một thiếu niên không đẹp, không xấu, không béo, không gầy “mặt ngây ngô như mặt những kẻ hưởng thụ khác, một thứ mặt vô nghĩa lý vì mỗi khi nhìn đến, ta không thấy một mối thiện cảm gì sinh trong lòng ta, mà cái ác cảm nữa cũng không! Cái mặt không có nét đặc sắc gì đã khiến em phải nghĩ đến một hạng thiếu niên học thức không xuất sắc, tư tưởng rất tầm thường, không một lý tưởng” [167; 92]. Từ hình dáng bên ngoài đến tư tưởng bên trong không có gì đáng để người ta chú ý, nhân vật nhợt nhạt về tinh thần, hình thức

phổ biến, bị hòa tan ngay trong mọi đám đông. Đấy là lý do để vợ Kim (Huyền) chán chường dẫn đến ngoại tình rồi “làm đĩ”.

Hai Cò (Vỡ đê) là một điển hình khác về “vô nghĩa lý”, một con số không

tròn trĩnh xét trên ý nghĩa tồn tại của con người. Hắn là một trai làng mà chỗ nào người ta cũng thấy có mặt, mà có mặt chỗ nào thì người ta cũng chỉ biết là có mặt hay vắng mặt, một kẻ “không được yêu, chẳng bị ghét, đến cả khinh bỉ nữa cũng không”, chỉ biết làm mỗi một việc là chỗ nào có đám thì “ngồi thái thịt dưới bếp”. Trong quan niệm của Vũ Trọng Phụng, “vô nghĩa lý” bao hàm cả vô đạo đức, vô tri, vô cảm. Nhân vật như đã bị tê liệt về ý thức, không cảm nhận về sự sống, “sống mà như đã chết”. Phủ nhận những tồn tại đó, ngòi bút của nhà văn đã lách sâu đến một vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh: con người sống sao cho ra con người, sống sao cho có nghĩa lý. Vì lẽ đó mà Vũ Trọng Phụng đã tung ra hàng loạt nhân vật “vô nghĩa lý” như những con rối để mà cười, để mà hằn học và để mà đau về một xã hội phi nhân tính, khi ý nghĩa cuộc sống, tư tưởng nhân văn đang ở thời kỳ “đỉnh cao” cần được cứu vớt.

Tiểu thuyết Số đỏ là một sân khấu hài khổng lồ của những con rối. Một hiện thực xã hội thu lại trên sàn diễn theo cả nghĩa hàm ẩn và nghĩa tường minh. Những kẻ trống rỗng, vô luân, vô đạo, vô tri trở thành những con rối đích thực không chỉ do chủ quan nhà văn dẫn dắt mà nó tự vận động theo quy luật khách quan. Xuân Tóc Đỏ sinh ra đã là một trớ trêu của tạo hóa, là một con rối trong bàn tay định mệnh của lực lượng siêu nhiên. Ấy là thoáng nhìn vào con đường “trưởng thành” của nhân vật, nhưng thực chất, Xuân Tóc Đỏ là một “liều thuốc thử” của nhà văn. Hàng dậu ruối ngăn cách giữa vỉa hè hạ lưu với sân quần thượng lưu thật mong manh, dễ bẹp dúm. Dù cao hay thấp, sang hay hèn, hai thế giới ấy vẫn chung một bản chất là lưu manh, dâm ô, bịp bợm. Không thế sao Xuân Tóc Đỏ từ một thằng vô học, ma cà bông lang thang đầu hè cuối chợ lại nhảy được vào và thành công “vang dội” như thế ở xã hội “văn minh” “Âu hóa” của những sân quần, rạp xinê, khách sạn bồng lai... Rất dễ hiểu, vì nó có đầy đủ “phẩm chất” của cái xã hội ấy. Nó là một con vẹt chỉ biết nói theo một số từ ngữ rất hạn chế, vô nghĩa, vô cảm như “Tôi rất được hân hạnh”. Nó lặp đi lặp lại từ ngữ ấy trong mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng, và hiệu ứng thật không ngờ là nó đã nhận được cảm tình và sự nể phục của tất thảy: với ông Typn, vợ của ông, cô Tuyết, ông Phán mọc sừng, nhà trí thức ở tổng cục thể thao hội quán, đốc tờ Trực Ngôn... Hơn ai hết, bà Phán, vợ chồng Văn Minh hiểu rất rõ nguồn gốc của thằng Xuân. Nhưng để có lợi cho mình, họ đã đánh

bóng hắn, gột rửa cho hắn bằng xà phòng thơm. Cho đến khi, chính bản thân học cũng ngộ nhận về giá trị thực của thằng Xuân. Mọi giá trị đảo lộn tất cả trong một cái xã hội nhốn nháo, đảo điên.

Nhân vật cố Hồng lại là một con rối khác. Ông rất thích khoe cái sự già yếu của mình dù chưa đến ngũ tuần, thích khoe đến mức chỉ mong bố chết để được mặc “đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu” để cho thiên hạ chỉ trỏ: “Ùi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”. Thật là một thói hão danh “vô nghĩa lý”, tha hóa đến cực điểm. Con rối cố Hồng cũng lặp đi lặp lại một cách máy móc, quán tính mà không ý thức về hành động, lời nói của mình. Trong thời gian ngắn chuẩn bị đám tang cho cụ cố tổ, thằng bồi tiêm đã đếm được 1872 câu gắt: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” của cố Hồng. Sau những câu như thế, cố Hồng chợt như bừng tỉnh hỏi lại “Rồi sao nữa hả bà?”. Thế nghĩa là cố Hồng nói mà không nghĩ, không ý thức, tự “chiếu vật” để mà gây cười cho người đọc. Những hình ảnh khác như cảnh sát Minđơ, Mintoa hay cậu Phước là bổ sung cho đầy đặn hơn kiểu chân dung này. Cảnh sát Minđơ, Mintoa bất cứ lúc nào cũng có thể vỗ ngực dương oai: “Me sừ Minđơ, lính cảnh sát hạng tư, chiến công bội tinh, giải nhất Hà Nội - Hà Đông, giải nhì Hà Nội – Đồ Sơn, một cái tương lai của cảnh sát giới” hoặc “Me sừ Mintoa, cảnh binh hạng năm..., một cái hy vọng của Đông Dương”, còn cậu Phước thì lúc nào cũng ngúng nguẩy “Èm chã”... Giông tố cũng xuất hiện những con rối như thế. Thằng Vạn Tóc Mai lúc nào cũng “méo xệch mồm” ra mà cười, mà tự hào là thằng con hoang dâm của Nghị Hách và bực tức “mang tiếng là con cụ Nghị Hách...mà lại có mỗi một cái nhà... Thế thì nước mẹ gì... thế thì chó thật...”. Trương tuần thì vui sướng khi được hầu kiện, được quan gọi chỉ để làm một việc “dạ một cái thật to... rồi đứng ra trước bàn...rồi về chỗ cũ đứng, mặt mũi tươi cười như đã đóng xong một vở tuồng được khán giả vỗ tay”...

Nhân vật vợ chồng ông chủ hiệu xe cao su kiêm chủ hãng xe Con cọp trong

Báo hiếu trả nghĩa cha của Nguyễn Công Hoan thì “Miệng lúc nào cũng chực tóe

ra một chuỗi cười. Vì ngày hôm nay, bổn phận của ông bà là phải cười. Mà đã cười thì cười thực to, ôm bụng mà cười, cười cả từ câu nói buồn cười đến cả câu nói không buồn cười” [67; 238]. Cái cười của chúng là cái cười có mục đích, nhưng trống rỗng, vô đạo thì cũng nào có khác với con rối trên sân khấu hài do tác giả giật dây. Nhân vật Bịch (Mua danh) của Nam Cao cũng như con rối trước cuộc đời. Mua được chức hương trưởng để được “ăn trên ngồi trốc” nhưng ai dè chỉ được đi dẹp bọn trẻ con, lại còn bị người ta mắng nhiếc mỗi khi làng vào việc đám...

Nhìn chung, các nhà văn trào phúng xây dựng những nhân vật hài một mặt để phản ánh hiện thực xã hội tối tăm trước cách mạng. Mặt khác, có tính triết luận nhân sinh hơn là họ đang tìm cách xây dựng một xã hội mà ở đó khẳng định sự tồn tại, sự sống một cách có ý nghĩa của con người với đầy đủ phẩm chất thiết cốt nhất.

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 141 - 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)