3.1. Khái niệm truyện kể bi kịch
Bi kịch, nghĩa nguyên gốc thuật ngữ là một thể loại kịch, thường được coi như là đối lập với hài kịch. Bi kịch phản ánh bằng “hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hòa được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và thấp hèn...diễn ra trong một tình huống cực kỳ căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng” [49; 18]. Bi kịch ra đời từ thời cổ đại Hi Lạp và thế kỷ V trước công nguyên đã là một thể loại sân khấu thịnh hành với các tác giả nổi tiếng như Etsilơ, Sôphoklơ, Ơripit... Từ nghĩa gốc trên, sau này bi kịch còn để chỉ một cảm hứng sáng tác nghệ thuật và được dùng khá phổ biến trong sáng tác và nghiên cứu văn học. Theo E.G.Rudneva trong Dẫn luận nghiên cứu văn học (G.N.Pospelov chủ biên) thì cảm hứng bi kịch là một trong những “biến thể” cảm hứng của tác phẩm văn học bên cạnh các cảm hứng anh hùng, kịch tính, thương cảm, lãng mạn, châm biếm, hài hước... do những khác biệt cốt yếu của bản thân cuộc sống được nhận thức.
Nội hàm ý nghĩa bi kịch có cơ sở là nỗi đau khổ và sự chết chóc của con người. Nhưng không phải mọi nỗi đau khổ, cái chết đều gây nên cảm xúc bi kịch. Cái chết của kẻ xấu xa, độc ác đem lại sự thỏa mãn nhiều hơn như cái chết của nhân vật Bá Kiến (Chí Phèo). Cảm xúc bi kịch bao hàm sự xót xa, thương tiếc,
đồng cảm gắn liền với lòng tự hào rằng con người có sức mạnh vượt ra khỏi sự tầm thường, vượt lên nỗi đau khổ, có những hành động quyết định mặc dù có những nguy cơ gây chết chóc cho họ. Tái hiện những mâu thuẫn bi kịch trong tác phẩm của mình, lí giải, điển hình hóa chúng, nhà văn tô đậm những trạng thái đau đớn của các nhân vật, làm gia tăng tính khốc liệt của các sự kiện diễn ra trong đời sống. Trước cách mạng tháng 8 - 1945, xã hội Việt Nam ở hình thái thực dân nửa phong kiến, con người chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột. Vì vậy, nhiều bi kịch về cuộc đời con người ở mọi tầng lớp xã hội được ghi lại đậm nét trong văn học giai đoạn này. Đó là bi kịch của người nông dân trước nạn sưu cao thuế nặng như chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố); bi kịch phá sản, không lối thoát bởi sự bóp nặn tàn nhẫn trước công môn như anh Pha trong Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan); bi kịch tha hóa như Chí Phèo trong Chí phèo (Nam Cao); bi kịch của sự lừa dối trong Giông tố (Vũ Trọng Phụng); bi kịch tự ý thức trước những vật vã
mưu sinh với hoài bão, lý tưởng như Thứ trong Sống mòn (Nam Cao); bi kịch
giữa ước mơ đời người với thân phận bạch đinh và thiên tai như bác Chính trong
Con trâu (Trần tiêu).... Nhân vật hành động ở hầu hết các tác phẩm này đều quy thuận bởi hoàn cảnh, thất bại trước hiện thực khắc nghiệt. Trong văn học lãng mạn không phải không có những yếu tố bi thương, gây cảm xúc xót xa, thương tiếc, nhưng nhân vật hành động cuối cùng thường là người chiến thắng hoặc tuyên ngôn cho một luận đề xã hội nào đó. Có lẽ như vậy nên loại hình truyện kể bi kịch mà chúng tôi nghiên cứu ở đây chủ yếu nằm trong trào lưu văn xuôi hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945.
Văn học hiện thực Việt Nam hình thành và phát triển chủ yếu trong nửa đầu thế kỷ XX có khuynh hướng miêu tả chân thực đời sống, phơi bày thực trạng xã hội và đi sâu phản ánh tình cảnh khốn khổ của quần chúng. Trước khi trở thành một trào lưu chính thức, nó đã xuất hiện lẻ tẻ trong một số truyện ngắn của Phạm Duy Tốn (Sống chết mặc bay, Con người sở khanh, Nước đời lắm nỗi), Nguyễn Bá Học (Câu chuyện gia đình, Chuyện cô Chiêu Nhì, Câu chuyện một tối của người
tân hôn) và truyện dài của Hồ Biểu Chánh (Tiền bạc bạc tiền, Thầy thông ngôn)...
Trên cơ sở các nguyên tắc mỹ học mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng với bản chất hiện thực, bằng điển hình hóa các sự kiện; thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người với môi trường sống, giữa tính cách và hoàn cảnh; cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, coi trọng chi tiết cụ thể, khách quan hóa, các sáng tác văn xuôi giai đoạn 1930 - 1945 đã dựng nên bức tranh thế giới rộng lớn về nhiều lớp người khác nhau của xã hội Việt Nam trước cách mạng như đám dân nghèo nông thông, lưu manh thành thị, quan lại, địa chủ, cường hào, tư sản... Hệ thống nguyên tắc này cùng các phương diện thi pháp học đã tạo nên sức hấp dẫn trong các sáng tác của các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Bùi Hiển, Tô Hoài... và trở thành một trong những loại hình truyện kể tiêu biểu của văn xuôi giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX - loại hình truyện kể bi kịch với không gian của cái “chung cục” và câu chuyện về sự thảm bại, bức tranh thế giới nhị phân và chức năng của hệ thống nhân vật với những nét đặc trưng.